"Bà chủ" vườn cò được vinh danh giải môi trường

30/12/2010 08:33 GMT+7 | Thế giới

Tại buổi tổng kết 10 năm công tác xét tặng Giải thưởng Môi trường diễn ra tại Hà Nội ngày 29/12, các nhà quản lý môi trường và doanh nghiệp, nhà khoa học đề xuất với Ban tổ chức tiêu chí chất lượng giải thưởng Môi trường năm 2011 trở về sau cần ưu tiên cho các cá nhân, doanh nghiệp có sản phẩm "gắn nhãn" sinh thái.


Bà Khiêm bên vườn cò quý. (Ảnh: Internet)

Để lại ấn tượng sâu sắc về những cá nhân được vinh danh giải môi trường năm nay là chủ vườn cò bình dị, chân chất: bà Vũ Thị Khiêm, xã Hải Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chứng kiến những đoạn phim chiếu hình ảnh hàng ngàn con cò, con vạc và nhiều loài chim quý khác tụ tập, làm tổ trong mảnh vườn bà Khiêm, mọi người không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh như vẫn thấy ở những cánh rừng tự nhiên.

Gặp riêng "bà chủ" vườn cò quý này, chúng tôi được người nữ thanh niên xung phong năm xưa đã qua 40 năm canh giữ vườn cò, rộng 4ha, vốn "trên trời rơi xuống" tâm sự: "Giờ cũng đã già yếu nhưng tôi không muốn nhường công việc này cho ai, không muốn biến nơi đây thành tụ điểm du lịch vì sợ đàn cò nổi giận, bay đi mất."

Bà Khiêm kể về cái "duyên cò" của gia đình thuở xưa, năm 1949, ông bà thân sinh chạy giặc Pháp, đưa cả gia đình lên thôn Dừa Lễ lập nghiệp. Bố của bà hàng ngày lo trồng tre làm hàng rào để giữ vườn. Tre lớn, ken dày đặc với cây rừng, tạo thuận lợi cho cò về làm tổ.

Dần dần, vườn của gia đình bà trở thành nơi sinh sống của hàng vạn con cò các loại. Năm 1958, bà Khiêm lấy chồng ở tuổi 16 và bắt đầu nhận trông nom đàn cò.

Trước khi khuất núi, hai cụ thân sinh dặn dò con gái: “Cò về thì để cho nó ở, phải cố gắng giữ không cho ai săn bắt, nếu không thì cò bay đi hết.”

"Thời gian như bóng câu qua cửa," thoắt đã qua bốn mươi năm, giờ đây, bà chỉ còn 5 đứa cháu nội, đứa lớn nhất 18 tuổi, đứa nhỏ nhất 4 tuổi. Cuộc sống vất vả nhưng không bao giờ bà bán tre gỗ ở vườn, hay bán cò để sinh sống dù có rất nhiều người đến hỏi mua với giá hơn 1 triệu đồng/m3 gỗ.

Cũng vì yêu đàn cò mà mấy chục năm nay bà không dám đi đâu, sợ người ta vào săn bắt mất. Đã nhiều lần, bà bị những tên ăn trộm âm mưu hãm hại. Trước thắc mắc của người đời, bà trả lời đơn giản: “Tôi không sợ. Hơn nữa, hàng xóm và chính quyền xã rất ủng hộ tôi.”

Theo bà Khiêm, khác với những tưởng tượng, thêu dệt của nhiều người, "lợi ích" kinh tế duy nhất từ vườn cò là thu gom được rất nhiều... phân cò để bón ruộng.

Thế nhưng, khi nói về vườn cò, ánh mắt người phụ nữ chốn thôn quê này rực sáng niềm thương quý, tự hào. Cũng vì vậy, mà cách đây không lâu bà Khiêm đã "dũng cảm" từ chối lời đề nghị triển khai dự án du lịch vườn cò...

Bà run run: "dù khó khăn, vất vả trông giữ, nhưng đó là mối  'duyên cò' của gia đình, là cái nghiệp của đời tôi mà ông trời, tự nhiên ban tặng."

Bốn mươi năm âm thầm làm công việc bảo vệ vườn cò không chút đòi hỏi, người đàn bà ấy giờ đây đã 60 tuổi và gia cảnh khó khăn, song bà không một chút phàn nàn. Bà chỉ có một tâm nguyện lớn nhất là được tiếp tục chăm sóc đàn cò.
Giải thưởng môi trường là hình thức khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng cho các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức quốc tế có nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ môi trường Việt Nam.

Cục bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng, tổ chức công bố và trao giải thưởng.

Giải thưởng được xét tặng và công bố hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày môi trường thế giới, 5/6.

Năm 2010, có 74 cá nhân, tập thể ưu tú được trao giải thưởng môi trường trong khuôn khổ Hội nghị Môi trường Toàn quốc lần III.

Sau 10 năm thực hiện, từ 2001-2010, giải thưởng môi trường có tổng số 158 tổ chức, cá nhân và 42 doanh nghiệp được vinh danh.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link