01/11/2014 09:31 GMT+7 | Di sản
(Thethaovanhoa.vn) - Một tin vui trong dịp vịnh Hạ Long kỷ niệm 20 năm nhận danh hiệu Di sản thế giới từ UNESCO: Gần 300 hộ dân đang sinh sống trong vùng lõi của danh thắng này vừa được di dời, vừa được tạo điều kiện để bảo tồn “văn hóa vạn chài” bản địa.
Hiện, 300 hộ dân này đã được chuyển lên định cư tại phường Hà Phong (thành phố Hạ Long). Tuy nhiên, họ vẫn được chính quyền tạo điều kiện mưu sinh trên vịnh, thông qua việc chèo đò đưa du khách tới tham quan các điểm trên vịnh. Theo ông Tăng Văn Phiến (Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ du lịch vận tải Hạ Long), mô hình này đã hoạt động từ năm 2008, với các thành viên chủ yếu là người dân làng chài Vung Viêng. Và, đa số người dân làng chài cũ mong muốn Vung Viêng sau này sẽ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, lấy văn hóa ngư nghiệp làm nòng cốt phát triển du lịch.
Chị Nguyễn Thị Bích, người dân Vung Viêng cho biết: trong vài năm gần đây, hoạt động chèo đò này đã thu hút được khá đông khách du lịch. Thông thường mỗi ngày, đò chở khách hoạt động 2 ca từ 7h - 10h và từ 14h - 17h. Dù lượng khách khác nhau mỗi mùa, bình quân lương của mỗi người như chị dao động từ 2,5 triệu - 3 triệu đồng/tháng.
Không chỉ có vậy, từ khi di dời 7 làng chài, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã có sáng kiến thành lập một đội hát giao duyên thuộc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa biển để lưu giữ nét văn hóa này. Trước đó, rất nhiều người từng lo lắng: việc không còn người dân sinh sống trên Vịnh sẽ là lý do để biến mất điệu hát giao duyên của người dân vạn chài, với lối hát chậm rãi mộc mạc và những ca từ bình dân, đầy tiếng địa phương nhưng vẫn không kém trữ tình.
Theo chị Dương Thị Nụ, nhân viên của Trung tâm Bảo tồn Văn hóa biển (thuộc Ban quản lý Vịnh Hạ Long), đã có thời điểm thanh niên Cửa Vạn chỉ còn... 6 người biết hát giao duyên. Để rồi, dự án “Phục dựng, bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân gian của ngư dân làng chài Cửa Vạn” do Sở VH, TT&DL Quảng Ninh thực hiện đã làm thay đổi điều này với việc kịp thời sưu tầm, lưu giữ các bài hát lời cổ và tổ chức tập luyện cho các thanh niên của làng chài Cửa Vạn cũ. Giờ đây, vào những đêm trăng sáng, điệu hát giao duyên, hò biển lại vang lên giữa vùng vịnh, như một nét riêng của người dân vạn chài ở vùng vịnh đặc biệt này.
Bà Esther, du khách Tây Ban Nha, chia sẻ với báo giới: “Đã từng đi du lịch qua nhiều quốc gia, nghe nhiều làn điệu dân ca, nhưng tôi vẫn rất bất ngờ và thú vị khi được nghe làn điệu hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long, bởi đó là hơi thở sinh động của cuộc sống, ngay giữa một vùng di sản thiên nhiên thế giới”.
Văn Đức
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất