13/11/2014 15:00 GMT+7 | Văn hoá
Xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm nhiều công sở Pháp được xây dựng, phong cách kiến trúc Art Deco thịnh hành từ những năm 1920 và theo kiến trúc sư Trần Quốc Bảo (như trên đã dẫn, xem Reds.VN 10/2014 và ashui.com) phát triển mạnh vào 10 năm sau, 1930, điển hình là hai tòa nhà Chi nhánh Ngân hàng Đông Dương (nay là tòa nhà Ngân hàng Nhà nước đường Lý Thái Tổ) và nhà Bưu điện (đường Đinh Lễ). Những công trình xây dựng theo xu hướng này thường sử dụng những hình khối kinh điển trong bố cục không gian, các khối vuông, chữ nhật kết hợp với các khối bán trụ tạo ra một hình thức kiến trúc hiện đại và giản dị. Thêm vào đó là các họa tiết trang trí bằng thép uốn hoặc đắp nổi bằng xi măng, thạch cao với đường nét mềm mại làm giảm bớt sự thô nặng của các khối chủ đạo. Đây cũng là loại hình kiến trúc được nghiên cứu và có nhiều sự cải biên nhằm tới sự hài hòa với khí hậu và cảnh quan Hà Nội (Trần Quốc Bảo đã dẫn).
Khi nhiều phong cách kiến trúc được mang từ Pháp tới, thì cũng đến một ngày, các kiến trúc sư Pháp đi tìm một phong cách riêng ở thuộc địa cụ thể. Phong cách kiến trúc Đông Dương ra đời. Theo Trần Quốc Bảo thì sau hàng loạt công trình kiểu Tân cổ điển không hoàn toàn phù hợp với cảnh quan địa lý và thẩm mỹ, cũng như truyền thống văn hóa lâu đời ở Việt Nam, nên người Pháp tạo ra một kiểu thức kết hợp mới. Về đại thể họ sử dụng mặt bằng và hình khối phương Tây, nhưng chi tiết trang trí, bộ mái và ô-văng che cửa theo lối của người Việt, hay Khmer. Công trình tiêu biểu như tòa nhà Đại học Đông Dương (19 Lê Thánh Tông) hay Bảo tàng Viễn Đông Bác cổ (Bảo tàng Louis Finot, 1 Phạm Ngũ Lão, nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam). Đặc điểm lối kiến trúc này có bố cục mặt bằng hình khối đăng đối kiểu châu Âu kinh điển. Sử dụng nhiều thức cột, mái và các chi tiết kiến trúc cổ truyền Việt Nam và Khmer, hệ thống cửa lấy ánh sáng và thông gió tự nhiên được chú trọng (Trần Quốc Bảo đã dẫn).
Bên cạnh phong cách kiến trúc Đông Dương, kiểu thức pha trộn kiến trúc Pháp và kiến trúc Hoa (kiểu thức Trung Quốc) cũng được thử nghiệm thời đầu thế kỷ 20, người ta gọi là phong cách kiến trúc Pháp - Hoa. Ở Hà Nội lúc đó đã có một số hội quán và đền chùa do người Hoa di cư xây dựng, có nhiều ngôi chùa dần dần được Việt hóa như đền chùa Ngọc Sơn, vốn được thờ Quan Công, Lã Vọng và Văn Xương - hoàn toàn là những danh nhân Trung Hoa. Hội quán người Hoa, kiêm trường học dành cho Hoa kiều cũng mang những nét hiện đại do xây dựng ở phố phường, nhưng vẫn giữ nguyên tắc trung tâm và đối xứng như mọi kiến trúc tôn giáo nói chung. Nhiều biệt thự và quán xá Hà Nội về hình khối kiến trúc giống như kiến trúc dân sự Pháp, nhưng trang trí mô típ Hoa và dùng ngói ống men màu như người Hoa thường dùng. Nhà Thủy tạ là công trình điển hình, hay một số biệt thự ở phố Phan Đình Phùng và quanh hồ Thiền Quang.
Phong cách kiến trúc cuối cùng, cũng theo kiến trúc sư Trần Quốc Bảo là phong cách kiến trúc Neo - Gothic. Tức là lối kiến trúc Gothic được xây dựng mới và cảỉ tiến. Người ta cho rằng nhà thờ Lớn Hà Nội được làm theo phong cách này. Nhà thờ được xây dựng trên nền chùa Báo Thiên cũ, năm 1883, được phá đi và nhượng cho Hội Truyền giáo, và xây dựng nhà thờ đến năm 1888 thì hoàn thành. Nhưng theo tôi, những nhà thờ Hà Nội gần với phong cách kiến trúc Roman hơn, với các cung tứ giác cánh buồm và các vòm cửa cuốn không quá vươn cao, cùng nhiều cửa giả, cửa số nhỏ quanh tường.
Một vùng đất nhỏ, là kinh đô của nhiều triều đại phong kiến, cho đến thế kỷ 19, chỉ còn đóng vai trò Bắc thành, khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế, Hà Nội bỗng bị bỏ hoang và có phần suy tàn. Đó cũng là cơ hội mà người Pháp khi xâm lược Đông Dương có điều kiện thi thố nhiều phong cách kiến trúc từ phương Tây cũng như kết hợp với những kiểu thức phương Đông.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất