02/02/2015 06:39 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa Đông đến, nhiều người lên Hà Giang chụp ảnh với cánh đồng tam giác mạch, loài hoa đẹp ngút ngàn được coi là nét riêng đặc sắc của thiên nhiên nơi đây, nhưng lại gây ra “lễ hội đạp hoa” bị cộng đồng lên án.
Đó chỉ là một trong những ví dụ của đi phượt chưa có ý thức, nên chương trình tình nguyện “Đi ý thức” nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng khi đi du lịch được phát động. Hoạt động đầu tiên của chương trình này là tọa đàm “Dấu chân ý thức” vừa diễn ra tại Heritage Space, Hà Nội.
“Lễ hội đạp hoa tam giác mạch Hà Giang” hay “lễ hội dẫm hoa cải trắng Mộc Châu” là những cụm từ châm biếm mà bạn Nguyễn Thành Trang, người sáng lập “Đi ý thức”, dùng khi nói về lý do khởi xướng chương trình.
“Khi chúng ta đi du lịch, hãy để ý đến ánh nhìn của những người dân địa phương” - Thành Trang nói. “Đến một nơi nào đó, chúng ta không thể chỉ quan tâm đến hoa, mà hãy quan tâm đến cách ứng xử với bạn đồng hành, với người dân bản địa, với văn hóa của địa phương đó. Chỉ cần một chút quan tâm, chuyến đi của chúng ta sẽ ý nghĩa hơn nhiều”.
Gần đây, nhiều phong trào được gắn chữ “ý thức”như: “Nghe có ý thức” kêu gọi người nghe nhạc bỏ tiền ra mua nhạc có bản quyền. “Lái xe có ý thức” tuyên truyền ý thức tham gia giao thông. Trên Facebook còn có “Share (chia sẻ) có ý thức”, kêu gọi đọc và tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi giúp lan truyền qua mạng.
Và nay là “Đi ý thức”. Điều này cho chúng ta thêm một lần suy nghĩ về gốc rễ của vấn đề, mà KTS Nguyễn Nga chỉ ra trong buổi tọa đàm: “Vấn đề không chỉ là đi phải có ý thức, mà ngay từ sống đã phải có ý thức. Nói cách khác, đi vô ý thức là kết quả của sống vô ý thức”.
Bà Nga kể, người nước ngoài đến Việt Nam có nhận xét một điều, ở đất nước các bạn sao ít loài vật thế? Câu trả lời rất đơn giản, vì chim chóc bị bắn giết hết rồi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tả cảnh Hồ Tây của Hà Nội mùa Thu nhắc đến Bầy sâm cầm nhỏ/ Vỗ cánh mặt trời. Loài chim đó bây giờ chỉ có thể nuôi trong các trang trại, không còn tung cánh nơi phố phường được nữa.
Đó chỉ là một trong những biểu hiện của cách sống “chỉ vì chính mình” của người Việt hôm nay. Trong đời sống hàng ngày, người ta giữ nhà mình sạch và quét rác ra ngoài, thì khi đi du lịch, người ta chỉ quan tâm sạch cho mình và để khắp nơi đầy rác.
Trong khi đó, nếu xả rác xuống vịnh Hạ Long thì chính chúng ta đang giết “con gà đẻ trứng vàng” của đất nước. Chúng ta giết “con gà” để ăn thịt trong vài năm ngắn ngủi mà không quan tâm sẽ để lại gì cho thế hệ mai sau, theo lời ví von của kiến trúc sư Nguyễn Nga. Bởi vậy, để thay đổi cách đi, cần thay đổi cách sống.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất