30 năm âm nhạc vắng John (Bài 1)

06/12/2010 07:20 GMT+7 | Âm nhạc

30 năm âm nhạc vắng John

John Lennon là nhân vật số một của The Beatles. Cái chết của anh vào ngày 8/12/1980 ở tuổi 40 cũng là một trong những sự kiện rúng động của thế kỷ 20. Năm 40 tuổi John bộc bạch: “Tôi mới bốn mươi và phía trước nếu trời cho, sẽ còn 40 năm nữa trong cuộc đời sáng tác. Tôi không định chết vào tuổi bốn mươi. Cuộc sống chỉ mới bắt đầu. Tôi tin vào điều này và niềm tin ấy tăng thêm sức mạnh cho tôi”. John tin điều ấy nhưng khẩu súng P.38 đã giết mất niềm tin nơi anh. Chẳng ai đi làm công việc bới xác những nhân vật như Elvis Presley hay John Lennon để chiều theo nỗi nhớ của công chúng nhưng đôi lúc cũng cần hâm lại một nỗi nhớ để thấy rằng thế giới từ khi họ qua đời, bản chất vẫn chẳng khác là bao cho dù những hình thái xã hội đã có nhiều đổi khác.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất John Lennon, chuyên đề số này của TT&VH Cuối tuần xin dành để nói về John từ nỗi nhớ của fans hâm mộ, từ hoài niệm của nhà thơ Đỗ Trung Quân và về sức ảnh hưởng John và The Beatles tại Việt Nam qua góc nhìn của nhà nghiên cứu âm nhạc Jason Gibbs.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG



(TT&VH Cuối tuần) - Đến tận bây giờ, cái thời khắc 23 giờ 15 phút ngày 8/12/1980 vẫn là một nỗi ám ảnh màu đỏ với tín đồ Beatles trên khắp toàn cầu. 20 năm tù cho kẻ sát nhân Mark David Chapman nhưng với tín đồ The Beatles, hắn đã bị khai tử từ ngay thời khắc ấy...

30 năm, Hòa bình vẫn chưa có cơ hội

Có người nói rằng John Lennon là một sản phẩm do những hình thái xã hội nhào nặn ra và vì vậy cuối cùng anh cũng bị chính xã hội ấy loại trừ. Thoát thai từ những bức bách của bốn bức tường chật hẹp và ngột ngạt nhưng cuối cùng John lại trở về với vạch xuất phát. Từ khi anh ra đi trên chiếc tàu ngầm màu vàng, hòa bình vẫn tiếp tục chưa có một cơ hội.

Hình thái xã hội ấy là gì?

Là những lò lửa chiến tranh ở Triều Tiên, là cuộc chiến leo thang ở Việt Nam, là sinh viên biểu tình bãi khóa ở Pháp, là cái chết của Kennedy và mục sư Luther King, là thuế tăng, là những người lính ra đi không thấy trở về, là... là... Những biến chuyển xã hội ấy đã tạo ra một chàng John Lennon vốn đang để đầu nấm, mặc chiếc áo vest cổ lọ và ngân “Yeah yeah yeah” cùng với những I want to hold your hand, From me to you... bỗng quay ngoắt bằng mái tóc dài lười cắt, râu lười cạo và chiếc kính đổi màu mà hậu thế suy tôn nó thành cả một biểu tượng của Hòa bình.


Chiếc khung Beatles không đủ rộng cho John làm một cuộc lật đổ.
Khoác áo ra đi, John làm cách mạng cùng Yoko

John đã biến The Beatles từ những chàng trai sạch sẽ, tươi tắn bỗng ưu tư và già dặn trước những biến chuyển xã hội. Họ hát Revolution để đòi làm một cuộc cách mạng, họ sáng tác Yellow submarine để đưa những con người yếm thế đến với một vương quốc đại đồng, không phân ranh đường biên và giai cấp. Nhưng chiếc khung The Beatles không đủ rộng cho John làm một cuộc lật đổ. Khoác áo ra đi, John làm cách mạng cùng Yoko.

John ném trả lại chiếc mề đay Hiệp sĩ cao quý mà Hoàng gia Anh ban tặng để phản đối cuộc chiến ở Việt Nam. Anh xuống đường bắc loa kêu gọi Sức mạnh thuộc về nhân dân, lên giường đòi Cho hòa bình một cơ hội, cổ vũ cho một hình tượng Anh hùng của giai cấp cần lao và cùng con người ngồi tưởng tượng về một thế giới không còn sự chiếm hữu, trên trời là Thiên đường, dưới đất chẳng còn Địa ngục, con người sống trong bình an..

30 năm sau những ưu tư của John về một xã hội không tiếng súng, không phân tầng giai cấp, không đổ máu cho những cuộc chiến phi nghĩa vẫn tiếp tục là một giấc mơ. Sợi dây 30 năm không đủ dài để làm một cuộc cánh mạng toàn cầu. Và vì thế John và âm nhạc của anh vẫn còn sống đến bây giờ là một điều dễ hiểu.

John Lennon : Thiên tài hay gã tâm thần lạc lõng?

Và câu trả lời: John Lennon là một gã tâm thần lạc lõng thiên tài.

Một con người đứng chếch ngoài rìa mọi trào lưu âm nhạc, lấy hình thái xã hội làm đinh, đóng chặt trên cột thánh giá tư tưởng một niềm ưu tư mà những bạn hữu cùng thế hệ chẳng phải ai cũng hiểu được thì tay đó hoặc thiên tài hoặc chỉ là một gã dở hơi muốn tìm chút hư danh trong suy nghĩ cuộn tròn hoang tưởng.

Một gã xây nên cả một quốc gia Nutopie trong hơi men tưởng tượng, không phân định đường biên, nơi mọi người đều có thể là công dân vũ trụ, đều có thiên mệnh gieo hạt mầm Tình yêu và Hạnh phúc thì gã đó hoặc tài nhân hoặc chỉ là gã tâm thần say khướt lạc lõng với chính thế giới trong mình.


John Winston Lennon, công dân danh dự và duy nhất của Nutopie đã bỏ dở bản
giao hưởng Hòa bình ở lại trần thế, gục ngã khi đang xây đắp những hạt gạch đầu tiên

8/12/1980, những tấm thiệp Giáng sinh bỗng nhuộm một màu bi đát với các tín đồ The Beatles toàn cầu. Cuối cùng nước Mỹ cũng chẳng phải mang một màu xanh như John từng mơ tưởng. 30 năm sau ngày mất của John, người ta thấy khu nhà Dakota vẫn phủ một màu đỏ chia ly. Phát súng oan nghiệt từ khẩu P.38 đã lấy đi của Hòa bình một chàng vệ sĩ trung thành. Đau lòng thay, một ngày trước khi bị bắn, John đã quyên 10.000 USD cho cảnh sát New York sắm… áo chống đạn. Anh tuyên bố New York là thành phố tự do, nơi anh có thể hòa lẫn vào bất cứ đám đông nào, có thể từ chối bất cứ dân New York nào đến xin chữ ký. Nhưng John đã không thể từ chối chữ ký của một kẻ hâm mộ đến từ Hawaii với cái tên: David Chapman. Người tuyên truyền tích cực cho vấn đề bất bạo động cuối cùng lại trở thành nạn nhân của bạo lực.

John Winston Lennon, công dân danh dự và duy nhất của Nutopie đã bỏ dở bản giao hưởng Hòa bình ở lại trần thế, gục ngã khi đang xây đắp những hạt gạch đầu tiên. Thế giới đại đồng đã bị vỡ vụn trước cò súng P.38...

30 năm sau nước Mỹ vẫn đi trên con đường thuở trước, hòa bình vẫn chưa bao giờ có một cơ hội. 30 năm sau, hoa và nến vẫn nở đầy trước cổng nhà Dakota, All you need is love vẫn được hát vang từ những mái tóc bạc màu muối tiêu và cả những gương mặt đang lưng chừng lớn. Âm nhạc của gã vẫn luôn là một cơ hội cho Hòa bình - Tình yêu. Một tay như vậy quả có đốt đuốc, giăng cờ cũng chẳng thể tìm thấy lại được một lần thứ hai...

45 năm sau Girl vẫn là bản tình ca hay nhất mọi thời, 30 năm sau Woman vẫn là tình khúc được xưng tụng cho phân nửa bầu trời của nhân loại, 42 năm sau All you need is love vẫn là khúc hát vang lên trong những phong trào phản chiến và cả những đêm tưởng niệm John... Càng có xung đột xã hội thì âm nhạc của John và Beatles lại càng trở nên bất tử. Với John, ở đâu có một xác người ngã xuống thì ở đó sẽ mọc lên bông hoa nảy mầm từ hạt giống của Tình yêu và Hòa bình.

John vẫn sống như một điều bình thường nhất, như tiếng súng vẫn văng vẳng ở Iraq, như những lò hạt nhân mà đều đặn hàng ngày người ta ngồi đàm phán lợi-thiệt để dỡ bỏ, như những trẻ em châu Phi cầm súng thay vở học và như tình yêu vẫn nở hoa.

30 năm rồi âm nhạc vắng John nhưng chiếc tàu ngầm màu vàng của anh vẫn rót lại những giai điệu đẹp cho đời. Trong những ngóc nghách của cuộc sống đời thường anh vẫn luôn tồn tại. Một đứa trẻ thoát khỏi bóng đen từ đệ nhị thế chiến nhưng cuối cùng lại ngã gục trước cây súng, biểu tượng của chiến tranh. Đứa trẻ ấy chưa bao giờ lớn và cũng chẳng bao giờ bị khai tử...

Ở một quán nhỏ yên tĩnh nào đó giữa lòng Hà Nội, vẫn thường thấy có những gã nhắm nghiền mắt, tay bấm hợp âm Dsus4 và nỉ non cho một Woman, phân nửa bầu trời của nhân loại. Tại một sân trường đại học, có gã chít khăn trắng lên đầu, chân đi đất và gào thét Don’t let me down đến khản giọng. Hay hàng nghìn cánh tay giơ vẫy trên sân A4 Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM cùng hát Imagine trong những đêm 8 tháng 12. Có được điều đó nghĩa là John đã nhận được chiếc giấy thông hành của thời gian.

30 năm hâm lại một nỗi nhớ, những chiếc đĩa nhựa vẫn quay vòng như bánh xe thời gian, đôi lúc sự vĩnh cửu vẫn có thể sờ nắn được. Sự tái hợp The Beatles chìm dần như chiếc tàu ngầm màu vàng, lịch sử vàng son đã sang trang. Nhưng xét cho cùng John nào có lỗi…

Đón đọc Bài 2: Nhạc Beatles đến Việt Nam như thế nào?

Cung Tuy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link