"Cao thủ" đĩa nhựa và thú chơi kì công (Bài 2)

12/10/2011 07:15 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Nghe đĩa nhựa là một thứ nghi lễ mà hầu như “thần dân” nào một khi đã gắn bó với “vương quốc” này đều phải tuân thủ: lau đĩa, lau máy, ngồi giữa hai loa và chăm chú lắng nghe. Trong “vương quốc” đĩa nhựa, âm thanh là vua và các thần dân của nó chưa bao giờ muốn làm một cuộc cách mạng lật đổ.

Để ngắm hay để nghe?

Chuyện xảy ra gần đây trên trang mua bán điện tử (Phố mua bán), khi có một thành viên rao bán bộ box-set vinyl Run Devil Run phát hành năm 1999 của Paul McCartney với giá 2,5 triệu đồng, không lâu sau đó tự nâng thêm lên thành 3 triệu. Để đáp lại tiếng la ó của nhiều người khi cho rằng giá này quá “chát”, thành viên này lập tức phản pháo: “Loại đĩa mà mình bán này có lẽ không để nghe (trừ phi tay nào mê lắm) mà chủ yếu để chơi, mua về để ngắm, để vuốt ve, để khoe...”.

Lời phản pháo nghe có vẻ trịch thượng, phi lý nhưng thực tế, cho dù chưa đến nỗi như vậy, vẫn có rất nhiều người mê đĩa nhựa khi mua một chiếc đĩa mới tinh cũng phải coi ngày mới quyết định bóc nó ra. Lượt kim đầu tiên bao giờ cũng được đánh giá là hay nhất. Trước đây, các tiền bối chơi đĩa nhựa ở Sài Gòn, mỗi khi tìm mua được một đĩa sealed (chưa bóc) thì bao giờ ở lượt kim đầu tiên họ cũng sẽ thu lại âm thanh qua băng cối (reel-to-reel) hoặc cassette để giữ lại được âm thanh tinh khiết nhất lúc ban đầu.

Hiện thị trường đĩa nhựa ở Việt Nam khá phát triển và nhiều người
sẵn sàng bỏ nhiều tiền để sưu tập những đĩa hát mình yêu thích

Nhạc sĩ Lê Quang cách đây hơn 10 năm còn phải bán cả chiếc xe đang chạy khi lạc vào một cửa hàng đĩa ở đường Hàm Nghi. Thời điểm ấy, đĩa xịn không đại trà như bây giờ “một chiếc đĩa quý vừa về đến Việt Nam, không quen thân thì đừng hòng rờ được”. Nhưng Lê Quang chỉ mới thuộc hàng hậu bối bởi trước anh nhiều tay nghe nhạc còn phải kỳ công hơn vì “lỗ tai khó tính” của mình. Cách đây hơn 20 năm, một chiếc đĩa nhựa của Paul Mauriat đã qua vài lượt kim có giá cả chỉ vàng, có tay bác sĩ nghèo ở quận 8 vì quá mê nhạc bán luôn cả xe đạp để mua. Mà không phải mua ngay là có, ông phải chờ người bán, một tay chụp ảnh dạo ở nhà thờ Đức Bà, chừng nào đi làm về mới năn nỉ mua được. Ngồi chờ từ trưa đến chiều chấp cả mưa rào, bởi lỡ một chút là người khác cuỗm ngay. Có ông giấu vợ đem cầm đồ để mua đĩa, tối về vợ phát hiện lại xách chồng đến tận nơi chuộc lại nhưng 2 ngày sau chẳng biết bằng cách nào đến xin mua lại bằng được. Nhưng đã muộn, chiếc đĩa Van Halen ấy đã thuộc về tay kẻ khác!

Chơi đĩa nhựa là một cái thú, khi đã “dính”, còn nghiện hơn cà phê. Nghe nhạc như một tôn giáo. Nghe nhạc cũng như thể rửa tội. Cố nhạc sĩ Lê Hựu Hà cũng từng là một người như thế. Cựu trưởng nhóm Phượng Hoàng ngày xưa từng phải vất vả long đong để tìm được những chiếc đĩa quý. Nguồn chính là của một lão già tóc bạc ngồi trên cục đá tổ ong, “trụ sở” chính dưới một gốc cây trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Nhưng chính ông là người mà nhiều tay chơi máu mặt nhất luôn đến tìm và đặt hàng. Ngày ấy, mỗi lần nhạc sĩ họ Lê mua được một chiếc đĩa ưng ý là ngay lập tức, anh ký vào chiếc đĩa để chứng tỏ sự sở hữu độc quyền. Lão già tóc bạc kể nhiều khi mua đĩa không phải tính bằng tiền mà là trao đổi. Lê Hựu Hà ngày xưa nhiều khi phải đổi 6 đĩa chỉ để lấy một chiếc đĩa đã cũ của Paul McCartney.

Nhưng lão già tóc bạc vẫn chưa bằng ông Chiểu, con Nghệ sĩ Nhân dân cải lương Năm Đồ, người chuyên ngồi một góc nhỏ ở thương xá Eden bán đĩa nhựa. Uy tín của ông được vinh danh khắp “giang hồ” bởi đĩa mới cứng cựa, nghe không bị “nổ” một hạt bụi nào mà toàn là đĩa độc, quý hiếm, chỉ có thể mua được từ khách nước ngoài hoặc thủy thủ tàu viễn dương. Mọi anh hào trong giới chơi đĩa đều tìm đến ông và mong được kết thân với ông. Những chiếc đĩa được ký tên ông bây giờ vẫn là những “hàng nóng” đang được kiếm tìm. Nghe một anh tài trong giới bảo, thị trường đĩa nhựa tại Sài Gòn ngày trước, ông Chiểu là người phân phối gần như chính thức. Ông Chiểu qua đời đã khá lâu. Ông mất vì rượu và nghèo khó. Nghe nói khi mất, tay ông vẫn còn ôm rương đĩa của mình. Chiếc rương đó vào tay ai thì “giang hồ” chưa biết, chỉ biết người sở hữu được nó đã có trong tay cả một gia tài.

Cao thủ thời nay

Có thể nói những anh tài ngày trước (như ông Chiểu, ông Đạo, Minh “gà”…) tượng trưng cho một thời đĩa khan hiếm và thiếu thốn. Phía Bắc cũng có nhiều cao thủ sưu tầm nhưng đa phần họ khó khăn hơn trong Nam bởi ở thị trường ngoài Bắc lúc ấy đa phần đĩa nhập về đều là của XHCN (không được đánh giá cao bằng đĩa tư bản).

Phòng nghe nhạc trị giá cả triệu USD của Phạm Thanh Cương và ở dưới là chiếc đĩa Leonid Kogan (hãng Columbia sản xuất, nhãn đĩa SAX 2386) mà anh mua với giá 5.655 USD.

Nhưng bây giờ, khi thị trường mở cửa, đời sống khá lên, thị trường đĩa cũng xôm tụ hẳn lên và trong đó có khá nhiều cao thủ xuất hiện. Trong số đó phải kể đến Phạm Thanh Cương, người đang sở hữu 3.781 đĩa nhựa (75% là classic) và khoảng 3.000 cái nữa (được mua trong thời gian 4 năm) hiện vẫn đang gửi ở nhà một người bạn tại Đức. Cương thiết kế cho mình một dàn nghe nhạc cực kỳ hiện đại tại nhà (sau nhiều lần mua đi bán lại, dàn âm thanh của anh có tổng giá tri gần 1 triệu USD, riêng phần dây ngốn đến 200.000 USD). Đáng chú ý ở bộ dàn này là 4 mâm quay đĩa hiệu Thorens Reference (sản xuất năm 1979, số lượng sản xuất: 100 cái. Thorens Reference được làm hoàn toàn bằng tay và nhanh chóng trở thành huyền thoại, là mục tiêu săn lùng của các audiophile trên toàn thế giới).

Anh Cương kể đã phải bỏ ra rất nhiều công sức để tậu được nó. Sau gần 4 năm tìm kiếm nhưng chưa một lần thấy ai rao bán sản phẩm này. Đến giữa năm 2007, thời điểm khủng hoảng kinh tế nên có người bạn ở bên Nhật thông báo có người muốn bán một chiếc Thorens Reference còn nguyên bản và rất mới. Thế là từ Việt Nam, Cương nhờ bạn bè ở Nhật đánh xe hơn 400 cây số từ Tokyo xuống nhà người bán mua giùm (trị giá của mâm đĩa nặng 100kg này là 45.000 USD). Sau đó mang ra sân bay gửi về Việt Nam nhưng hải quan Nhật không cho phép xuất vì không có hóa đơn, phải gửi vào container xe hơi xuất qua Campuchia. Sau đó chủ nhân mới của mâm đĩa này bay từ Việt Nam sang Campuchia lấy về. Chi phí vận chuyển cũng gần 5.000 USD. Ba chiếc mâm còn lại được mua từ Đức, Áo và Thụy Sĩ.

Tính sơ sơ, chỉ riêng 4 cái mâm đĩa đã ngốn hết 200.000 USD. Nhưng bộ dàn giá trị mới chỉ là công cụ để cất tiếng hát, còn tinh thần chính của bộ sưu tập này vẫn là những chiếc đĩa quý giá. Về giá trị của chúng, Thanh Cương cho rằng tiền bạc không thể so được với công sức mà anh bỏ ra để có được. Nhìn trong bộ sưu tập này thấy có rất nhiều đĩa cổ điển quý, hiếm của hãng Columbia (nhãn đĩa được coi là đứng đầu trong nhóm lục đại gia trong LP nhạc cổ điển, Columbia SAX Blue/Silver). Trong số này, thấy có cả đĩa của nghệ sĩ violin nổi tiếng Leonid Kogan (Columbia SAX 2386, 2307…), hay một số bản thu hiếm hoi của nghệ sĩ violin Michael Rabin. Trong đó, đắt nhất chính là chiếc Columbia SAX 2386. Sau gần 4 năm lùng sục trên eBay, anh Cường đã mua được nó với giá… 5.655 USD (chưa kể phí vận chuyển và bảo hiểm). Đĩa này được ghi âm vào tháng 2/1959, tại phòng thu Abbey Road (Anh), đĩa không trầy xước, vỏ bọc là nguyên bản…

Cương chỉ sưu tầm nhưng đĩa nhạc có tuổi đời khá cao. Theo anh, những đĩa vinyl sản xuất vào các năm 1958-1970 rất tốt, chất lượng âm thanh cao, càng về sau 1970, thì chất lượng giảm đi rõ rệt.

Ngoài Phạm Thanh Cương, có thể thấy gần đây trên diễn đàn audio Việt Nam (VNAV) có rất nhiều người săn lùng đĩa nhựa và diễn đàn này cũng có nhiều cửa hàng đĩa nhựa được dân sưu tầm rất chú ý. Theo một thành viên của diễn đàn này thì đa phần dân sưu tầm phía Bắc chọn dòng cổ điển, blues, jazz còn phía Nam lại hơi nghiêng về pop, rock. Cũng có những chủ cửa hàng online nhập cả tấn đĩa nhựa về bán và hoạt động của các cửa hàng trên VNAV hiện nay được xem là nơi mua bán đĩa nhựa chất lượng nhất hiện nay ở Việt Nam.

Bài kết: Vinyl không bao giờ chết

Việt Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link