11/05/2021 18:45 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày qua, kết quả giải trình tự gien của các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19 do các địa phương của Việt Nam gửi về đã cho thấy có nhiều mẫu mang biến chủng virus SARS-CoV-2 hiện đang lưu hành và gây bệnh ở Ấn Độ. Đó là biến thể B.1.617, biến chủng được tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ.
Sự lây lan nhanh của chủng biến thể kép này đã khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra cảnh báo, phân loại B.1.617 ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.
Biến thể ở Ấn Độ lây lan với tốc độ rất nhanh
Ngay sau khi chùm ca bệnh vào cuối tháng 4 vừa qua tại Yên Bái, Bộ Y tế đã tiến hành giải trình tự gien của các ca bệnh Ấn Độ nhập cảnh vào Việt Nam này. Kết quả cho thấy tất cả các mẫu xét nghiệm của các chuyên gia Ấn Độ đều nhiễm chủng biến thể Ấn Độ - B.1.617. Kết quả giải trình tự gien của nhân viên lễ tân khách sạn tại tỉnh Yên Bái bị lây nhiễm trong khu cách ly (phát hiện dương tính SARS-CoV-2 ngày 27/4) cũng cho kết quả có biến thể B.1.617. Đây là những ca bệnh nhiễm COVID-19 mang biến thể Ấn Độ đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.
Đến ngày 4/5, kết quả giải trình tự gien chùm ca bệnh ở Vĩnh Phúc cũng đều cho kết quả biến thể trên. Đây là các ca bệnh liên quan đến các chuyên gia Trung Quốc, nhập cảnh, cách ly tại Yên Bái, trung với thời gian các chuyên gia Ấn Độ cách ly ở đây. Sau khi hết cách ly các chuyên gia Trung Quốc đã đến bar Sunny (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) rồi đi các tỉnh, TP Đà Nẵng, Lai Châu, Bắc Giang, Lạng Sơn… sau đó về nước ngày 28/4.
Từ những chuỗi lây nhiễm trên, cả nước đã xuất hiện thêm nhiều chùm ca bệnh trong cộng đồng tại nhiều địa phương, đáng lo ngại là xuất hiện các biến chủng virus mới lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn và có khả năng làm tình trạng bệnh nặng lên.
Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo các Viện đầu ngành tiến hành lấy các mẫu của bệnh nhân mắc COVID-19 để giải trình tự gien nhằm đánh giá nguy cơ, có các biện pháp ngăn ngừa và phòng, chống dịch phù hợp cũng như lên phương án điều trị hiệu quả. Theo kết quả giải trình tự gien mới nhất của một số mẫu bệnh ngày 11/5 do các tỉnh gửi về cho thấy, có 7 mẫu thuộc biến thể B.1.617.2, là biến chủng được tìm thấy lần đầu ở Ấn Độ, trong đó: tỉnh Vĩnh Phúc có 2 mẫu; tỉnh Bắc Ninh có 2 mẫu; tỉnh Lạng Sơn có 2 mẫu; tỉnh Nam Định có 1 mẫu. Trước đó, kết quả giải trình tự gien của các mẫu bệnh do các tỉnh gửi về trong những ngày trước đó cũng đều ghi nhận có biến thể của Ấn Độ.
Có thể thấy, bức tranh lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam hiện nay rất phức tạp, chồng chéo do các ca bệnh đến nhiều nơi, diện rộng, tiếp xúc nhiều người trước khi dương tính. Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, theo thống kê quốc tế, chủng virus B.1.617 ở Ấn Độ nguy hiểm hơn các chủng trước đây do lây lan nhanh hơn, tử vong cao hơn. Sự xuất hiện của những biến chủng mới có nguồn gốc ở Ấn Độ cũng góp phần làm tình hình dịch trở nên phức tạp hơn.
Đánh giá của WHO về những biến thể ở Ấn Độ
Chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ được cho là có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (mang đặc tính của biến chủng biến thể Anh-B.1.1.7) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine (mang đặc tính của chủng virus Nam Phi-B.1.351) nên được gọi là chủng biến thể kép. Các nhà khoa học hết sức lo ngại khi hai biến thể nguy hiểm nhất hiện nay là B.1.1.7 và B.1.351 kết hợp lại sẽ tạo ra một “siêu virus” không chỉ lây mạnh mà còn kháng vaccine và có độc lực cao.
Biến chủng kép B.1.617 được phát hiện ở Ấn Độ là biến thể mang hai đột biến quan trọng là L452R và E484Q. Cả hai đột biến này đều giúp virus "né tránh" được hệ thống miễn dịch. Đột biến L452R còn làm tăng nguy cơ lây lan của các ca bệnh. Ngoài hai đột biến là L452R và E484Q, biến thể B.1.617 còn có khoảng 11 đột biến khác.
B.1.617 ban đầu được phát hiện vào tháng 10/2020 và sau đó đã được phát hiện ở nhiều quốc gia, bao gồm Anh, Mỹ, Đức, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nigeria, Singapore… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết biến thể B.1.617 đến nay đã được phát hiện trong hơn 1.200 chuỗi trình tự gien có trên dữ liệu mở GISAID của ít nhất 21 nước, trong đó có Việt Nam, buộc chính phủ nhiều nước phải đóng cửa biên giới với những người đến từ Ấn Độ.
Trước sự lây lan nguy hiểm của biến thể B.1.617 được phát hiện tại Ấn Độ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 10/5 đã đưa ra đánh giá mới nhất về biến thể này, phân loại B.1.617 ở mức "biến thể đáng quan ngại" cấp độ toàn cầu.
Tiến sĩ Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết biến thể B.1.617 dường như lây lan nhanh hơn và có thể có khả năng kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine. Bà Van Kerkhove cho biết: "Vào thời điểm hiện tại, chúng tôi đang phân loại đây là biến thể gây quan ngại ở cấp độ toàn cầu".
Các chuyên gia cho biết, ngoài biến chủng kép B.1.617 thì Ấn Độ còn phải đối mặt với mối đe dọa khác, đó là biến chủng B.1.618. Viện Di truyền Y sinh Quốc gia (NIBMG) có trụ sở tại Tây Bengal đã thực hiện phân tích, cho thấy biến chủng B.1.618 có các đột biến di truyền nổi bật. Trong đó, đột biến chính E484K giúp virus có thể bám vào tế bào người và "né tránh" hệ thống miễn dịch.
Biến chủng này đã được các nhà khoa học tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm ở 4 bang gồm: Maharashtra, Delhi, Tây Bengal và Chhattisgarh. Do xuất hiện chủ yếu ở Tây Bengal, nó được đặt tên là "chủng Bengal" và có khả năng lây nhiễm thậm chí còn cao hơn cả biến chủng kép B.1.617. Nói về biến chủng này, nhà nghiên cứu Vinod Scaria, tại Viện Nghiên cứu Di truyền và Sinh học Tích hợp CSIR ở Ấn Độ đã chia sẻ với Times Of India, cho biết biến chủng này có thể được phát triển từ B.1.167. Ông cũng nhận định rằng đây là nguyên nhân khiến các ca mắc mới gia tăng ở Ấn Độ.
Biến chủng B.1.618 hiện đã được tìm thấy ở Ấn Độ và nhiều quốc gia khác như Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore và Phần Lan, nhưng chỉ riêng ở Ấn Độ mới có đầy đủ các đột biến.
Trọng Đức/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất