04/11/2020 22:31 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 4/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 48.030.327 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.223.171 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 34.465.814 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 238.677 ca tử vong trong tổng số 9.696.175 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 123.783 ca tử vong trong số 8.335.273 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 160.548 ca tử vong trong số 5.567.126 bệnh nhân.
Tại châu Á, Chính phủ Campuchia ngày 4/11 quyết định thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đối với tất cả những lãnh đạo và quan chức cấp cao nước này đã tiếp xúc với đoàn đại biểu cấp cao Hungary do Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Péter Szijjártó dẫn đầu vừa có chuyến thăm Campuchia một ngày trước đó. Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia, ông Péter Szijjártó cùng các thành viên trong phái đoàn đã được xét nghiệm và có giấy xác nhận không mắc COVID-19 trước khi rời khỏi Campuchia. Tuy nhiên, khi phái đoàn tới Bangkok (Thái Lan) tối 3/11 sau khi kết thúc chuyến thăm Campuchia, Bộ trưởng Péter Szijjártó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen cùng phu nhân và 18 vệ sĩ đã có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới theo ngày đã tăng trở lại mức hơn 100 ca sau 3 ngày duy trì ở mức hai con số. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 4/11 ghi nhận thêm 118 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 26.925 ca. Để chuẩn bị tốt hơn cho biện pháp phòng ngừa bệnh cúm mùa, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã phê duyệt một bộ xét nghiệm có thể chẩn đoán cả bệnh COVID-19 và cúm mùa do có các triệu chứng tương tự nhau.
Indonesia, Malaysia tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới, trong khi Brunei không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Trong khi đó, châu Âu đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ 2 khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm và tử vong trong một ngày cao nhất. Nga ghi nhận thêm 19.768 ca mắc và 389 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc và tử vong trong ngày cao nhất ở nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 1.693.454 ca và 29.217 ca tử vong. Ukraine cũng ghi nhận thêm 9.524 ca mắc và 199 ca tử vong trong 24 giờ qua, trở thành ngày có số ca mắc bệnh và tử vong cao kỷ lục, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này lên 420.617 ca và 7.731 ca tử vong. Tương tự, Hungary cũng ghi nhận số ca nhiễm mới và tử vong theo ngày ở mức cao kỷ lục với lần lượt 4.219 ca và 90 ca.
Các nước Áo, Anh, Pháp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới hoặc tử vong theo ngày ở mức cao kỷ lục. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu đã phải tăng cường các biện pháp chống dịch. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký ban hành lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 5/11-3/12.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban thông báo tái áp đặt tình trạng khẩn cấp và ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm từ 0h ngày 3/11 trong bối cảnh dịch COVID-19 đang đe dọa khả năng ứng phó của các bệnh viện. Hà Lan cũng siết chặt phong tỏa nhằm làm chậm lại làn sóng lây nhiễm thứ hai. Hy Lạp tái áp đặt phong tỏa một phần thủ đô Athens và miền Bắc đất nước trong ít nhất một tháng nhằm chống dịch.
Trong vài tuần qua, số ca nhiễm tại Hy Lạp đã tăng mạnh, hiện lên tới hơn 42.000 ca, trong đó có 642 ca tử vong.
Chính phủ Litva ngày 4/11 đã ra lệnh phong tỏa kéo dài 3 tuần, bắt đầu từ ngày 7/11 tới, nhằm giảm tốc độ lây lan của đại dịch. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cùng ngày cũng tuyên bố đóng cửa hầu hết các cửa hàng tại những trung tâm mua sắm, cũng như các nhà hát, rạp chiếu phim và bảo tàng, nhằm kiềm chế dịch bệnh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ban hành các biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch bệnh, theo đó các cơ sở kinh doanh như nhà hàng và quán cà phê trên cả nước sẽ phải đóng cửa từ 22h đêm (giờ địa phương) ngày 4/11. Các bể bơi, tiệm làm tóc, các địa điểm tổ chức tiệc cưới, rạp chiếu phim, nhà hát và các cơ sở tương tự tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đóng cửa.
Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) cho biết tính đến chiều 4/11, tổng số ca mắc COVID-19 đã tăng lên 1.813.065 ca, trong đó 43.612 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân hồi phục là 1.484.042 người. Trong đó, Nam Phi, Maroc, Ai Cập, Ethiopia và Nigeria là những nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất. Maroc ngày 4/11 ghi nhận 4.495 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất ở quốc gia Bắc Phi này, nâng tổng số ca nhiễm lên 229.565 ca.
Tại khu vực Trung Đông, Iran ngày 4/11 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất, với 8.932 ca. Với tổng số ca nhiễm lên tới 637.712, Iran là nước bị ảnh hưởng nhất tại khu vực Trung Đông. Số ca tử vong do COVID-19 ở nước này cũng tăng 422 ca, lên 36.160 ca.
Trong khi đó, nhiều quan chức thông báo nhiễm virus SARS-CoV-2. Ngoài Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó nói trên còn có Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Nick Haekkerup và Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune.
Trần Quyên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất