25/05/2021 19:09 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Từ trưa 25/5, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như Hàng Bài, phố Huế, Tràng Thi, Giảng Võ… đã xuất hiện những tấm biển “tạm dừng bán hàng” hay “chỉ bán hàng mang về”. Cùng với đó, các cửa hàng kinh doanh đồng loạt đóng cửa.
Điều này cho thấy Công điện số 11/CĐ-UBND ngày 24/5 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố đang được thực hiện nghiêm túc với mục tiêu cao nhất là đầy lùi và ngăn chặn dịch COVID-19.
* Chủ động thích ứng
Công điện nêu rõ, từ 12 giờ ngày 25/5/2021, tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 đến khi có thông báo mới của thành phố; cụ thể: Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; các cửa hàng cắt tóc, gội đầu tạm thời đóng cửa. Các hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng... dừng triệt để.
Vườn Thú Hà Nội, hay Công viên Hòa Bình trước đây mỗi ngày có hàng vài trăm lượt người đến thăm quan, vui chơi. Nhưng hiện nay, cả 2 địa điểm trên đã nghiêm túc đóng cửa. Ngay cổng vào Công viên Hòa Bình là tấm pa nô cỡ lớn có 3 khẩu hiệu “Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội”; “Mỗi người dân là một chiến sĩ phòng, chống dịch”; “Chống dịch như chống giặc”. Hồ Văn Quán, nơi thường xuyên có đông người tập thể dục hôm nay cũng rất vắng vẻ.
Ghi nhận tại vườn hoa Trúc Bạch (phường Trúc Bạch) lúc 14 giờ ngày 25/5, không một bóng người; khác hẳn trước đây, cứ mỗi chiều có hàng chục người dân đến vườn hoa để vui chơi, tập thể dục. Thực hiện công điện của Chủ tịch thành phố, ngay lập tức lực lượng chức năng UBND phường Trúc Bạch đã chăng dây quanh vườn hoa. Những dụng cụ tập thể dục lắp ở vườn hoa cũng được dán cảnh báo “Đề nghị dừng các hoạt động thể dục, thể thao, tập trung đông người tại khu vực vườn hoa”.
Bà Vũ Thị Quý ở 87 phố Trúc Bạch chỉ cách vườn hoa mấy bước chân cho biết, cứ buổi chiều bà cùng hai cháu nhỏ ra vườn hoa chơi. Nhưng từ khi phường ra thông báo cấm tụ tập đông người, bà đã nghiêm chỉnh chấp hành. “Tạm bỏ một thói quen trong sinh hoạt cũng hơi bứt rứt nhưng vì sức khỏe của bản thân và cộng đồng mình phải nghiêm túc chấp hành để cùng chính quyền phường, quận đẩy lùi dịch bệnh”
Theo bà Phạm Thị Diễm, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình (Hà Nội), ngay sau khi có Công điện 11 của Chủ tịch thành phố, quận Ba Đình đã chỉ đạo Công an quận, Chủ tịch UBND 14 phường chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ tịch UBND quận nếu để xảy ra sai sót, sai phạm do lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm, không thực hiện nghiêm ngặt các quy định, chỉ đạo về phòng, chống dịch.
UBND quận Ba Đình chỉ đạo các đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực; trong đó, chú trọng tuyên truyền trên loa truyền thanh phường, tại các khu chung cư, trên không gian mạng, tuyên truyền lưu động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, từng cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống dịch. Theo đó, quận khuyến khích các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, làm việc trực tuyến. “UBND quận chỉ đạo các phường phải thường xuyên kiểm tra các tuyến phố trên địa bàn theo tinh thần Công điện 11; báo cáo về quận bằng hình ảnh cụ thể để các bộ phận chuyên môn giám sát”, bà Phạm Thị Diễm nhấn mạnh.
Các con phố Hàng Bài, Lý Thường Kiệt trước đây sầm uất hàng quán, nhộn nhịp người bán mua nhưng nay đều đóng cửa hoặc treo biển "Chỉ bán hàng mang về".
Trung tá Trần Xuân Hải, Trưởng Công an phường Hàng Bài (Hoàn Kiếm) cho biết, ngay từ đêm 24/5, Công an phường đã gửi tin nhắn Zalo tới hàng trăm cửa hàng kinh doanh buôn bán trên địa bàn phường biết để thực hiện Công điện của thành phố. Lúc 11 giờ ngày 25/5 (trước lệnh đóng cửa các cửa hàng 1 giờ –pv), Công an phường đã cùng với lực lượng y tế, đại diện tổ dân phố đến từng cửa hàng, yêu cầu các hộ kinh doanh cam kết không mở cửa đón khách tụ tập; thu dọn hàng hóa, thực hiện nghiêm túc công điện.
“Hiện nay, chúng tôi tiếp tục cử lực lượng tuần tra, kiểm tra trên từng tuyến phố nhắc nhở, xử phạt những trường hợp tụ tập đông người, cố tình mở cửa hàng đón khách đến ăn uống với mục đích răn đe, tuyên truyền để người dân cùng chung tay phòng, chống dịch bệnh”, Trung tá Trần Xuân Hải nói.
Tại quận Nam Từ Liêm, các hàng quán cũng đã thực hiện nghiêm Công điện 11 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội. Quán cơm của anh Nguyễn Mạnh Chiến ở đường Lê Quang Đạo đã treo biển bán hàng mang về. Anh Chiến cho biết, do đã có kinh nghiệm từ những đợt dịch trước nên giờ tạm không đón khách cũng không quá lo lắng về ảnh hưởng đến thu nhập, vì người dân đã quen dần với việc mua mang về. Tất nhiên, việc tạm dừng đón khách cũng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng gia đình anh sẵn sàng chấp hành để chống dịch.
* Tự tin chiến thắng dịch bệnh
Chị Nguyễn Thị Cúc, một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh lẩu ếch ở đường Phú Đô (Nam Từ Liêm) đã không nhận đơn đặt bàn từ sáng và chính thức đóng cửa quán từ đúng 12 giờ hôm nay.
Người chủ quán mọi ngày hay nói cười nhưng hôm nay trầm tính, chia sẻ: “Ba lần dịch trước, chúng ta đã làm rất tốt từ việc giãn cách xã hội đến việc cấm tụ tập đông người. Đợt dịch này dù có phức tạp hơn nhưng với những kinh nghiệm của thành phố, Bộ Y tế và sự quyết liệt của Chính phủ tôi tin rằng dịch COVID-19 sẽ bị đánh bại, thành phố sẽ sôi động trở lại trong nay mai thôi".
Tại huyện Gia Lâm, các quán bia, nhà hàng, quán ăn cũng thực hiện đóng cửa hoặc chỉ phục vụ khách mua đồ mang về.
Chủ tịch UBND xã Dương Hà (Gia Lâm) Nguyễn Ngọc Thịnh thông tin, đến 12 giờ ngày 25/5 đã yêu cầu: 9 cửa hàng cắt tóc, 5 quán bia, 19 quán bán đồ ăn sáng thực hiện nghiêm Công điện 11. Ngoài ra, nhân dịp này, xã cũng xử lý các hộ kinh doanh, buôn bán lấn chiếm lòng đường. Hiện nay, người dân trên địa bàn xã nghiêm túc phòng, chống dịch, không tụ tập đông người, chấp hành đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Theo anh Nguyễn Đức Hiếu, người dân xã Đa Tốn (Gia Lâm), dù hàng quán đóng cửa nhưng tâm lý người dân không lo lắng hoang mang. Trong thôn chưa thấy ai tích trữ đồ ăn.
Mặc dù dịch COVID-19 trên địa bàn đang diễn biến phức tạp nhưng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, trước mắt, Hà Nội áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly theo từng điểm và chưa tính tới biện pháp cách ly toàn thành phố. Các điểm phong tỏa sẽ áp dụng mô hình cách ly “3 lớp” để vừa khống chế, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh.
Trước việc yêu cầu một số cửa hàng, kinh doanh buôn bán, khu vui chơi… tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, chúng ta phải tạm thời hy sinh một số điều trước mắt để bảo đảm đời sống lâu dài của người dân. Người đứng đầu thành phố mong muốn hơn lúc nào hết, các cán bộ, đảng viên, quân và dân Hà Nội trên dưới một lòng, nêu cao ý chí quyết tâm, trách nhiệm nêu gương, tạm gác lợi riêng và làm tất cả để kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19; bảo vệ được sức khỏe, sự an toàn của người dân và tiếp tục phát triển kinh tế. Người đứng đầu Thủ đô bày tỏ: “Người dân có thể yên tâm vì thành phố đang kiểm soát tốt tình hình. Các biện pháp mạnh hơn chỉ được xem xét khi tình hình phức tạp hơn và phải tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương”.
Mạnh Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất