06/07/2021 10:45 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đưa ra cảnh báo thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19, do sự xuất hiện biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể virus mới là lời cảnh tỉnh, cho thấy các biện pháp đóng cửa đất nước và hạn chế di chuyển không thể thay thế việc tiêm chủng hàng loạt.
Những kỷ lục “đau đớn”
Được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020, biến thể Delta hiện đang là mối đe dọa mới nhất đối với nỗ lực dập dịch COVID-19 của toàn cầu. WHO đã liệt biến chủng Delta vào nhóm gây quan ngại, cùng với các biến thể Alpha (Anh), Beta (Nam Phi) và Gamma (Brazil).
Theo WHO, biến thể Delta, còn được gọi là "đột biến kép" vì nó mang hai đột biến, có khả năng lây lan cao hơn 55% so với biến thể Alpha, được phát hiện đầu tiên ở Anh, và đã nhanh chóng phổ biến và "bao phủ" các ca bệnh trên toàn cầu. Từ Australia cho đến Hong Kong (Trung Quốc), biến thể Delta với nguy cơ lây nhiễm cao đang dần cho thấy tính “dễ bị tổn thương” ở những nơi từng được cho là gần như miễn nhiễm.
Tại Australia, nếu như trong năm 2020, nước này đã trở thành hình mẫu chống dịch COVID-19 hiệu quả toàn cầu, nhưng khi biến chủng Delta xuất hiện đã khiến cho hệ thống cũng như nỗ lực phòng, chống dịch trước đây của quốc gia này bị phá hủy. Australia là một trong những quốc gia có hệ thống phòng, chống COVID-19 mạnh mẽ mang lại hiệu quả 99,99% và đưa cuộc sống của người dân vào trạng thái bình thường mới, nhờ vào chính sách đóng cửa biên giới và cách ly bắt buộc. Khi những ca lây nhiễm mới bắt đầu xuất hiện, các nhà chức trách đã hành động nhanh chóng như phong tỏa các thành phố lập tức và truy vết tiếp xúc.
Tuy nhiên, trong 15 tuần qua, hệ thống phòng ngự của quốc gia này bị biến chủng Delta phá vỡ, và chỉ trong một tuần số ca dương tính tăng vọt lên hơn 100 ca. Do đó, giới chức buộc phải áp lệnh phong tỏa Sydney từ ngày 25/6, và đến ngày 28/6, cuộc khủng hoảng này đã lan rộng ra trên phạm vi toàn quốc, với các ổ dịch bùng phát ở bốn bang và vùng lãnh thổ, các thành phố lớn Sydney, Darwin, Perth và Brisbane đều bị phong tỏa.
Tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước như Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40% đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh. ECDC dự đoán đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8.
Tại Nga, thành phố Saint Petersburg và thủ đô Moskva những ngày qua ghi nhận số ca tử vong cao kỷ lục tính theo ngày. Đó thực sự là thách thức mà các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt trong nỗ lực đưa quốc sống trở lại mức bình thường như thời tiền đại dịch. Ngày 5/7 đánh dấu là ngày thứ 12 liên tiếp Nga ghi nhận hơn 20 nghìn ca nhiễm COVID-19 mới mỗi ngày.
Trong khi đó, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo Delta đã cho thấy khả năng lây lan mạnh hơn (tăng 60% so với biến thể Alpha) và gây bệnh nặng hơn (cao gấp 2,6 lần), đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine. Dựa trên các nghiên cứu, biện pháp bảo vệ hiệu quả là tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.
Tại châu Á và Trung Đông, chính quyền một số nước từ Bangladesh, Indonesia, cho tới Israel… đều đang chạy đua với thời gian để kiềm chế lây lan, phát tán của biến chủng Delta.
Hiện tại, biến thể Delta là thủ phạm chiếm đến 90% các ca mắc mới tại Israel, trong đó có trên một nửa là những người đã được tiêm phòng ít nhất một mũi. Vì vậy, Bộ Y tế Israel dự định đưa ra khuyến cáo những người có hệ miễn dịch kém nên tiêm mũi vaccine thứ 3 của Pfizer. Theo đánh giá của các chuyên gia y tế Israel, 2 liều vaccine ngừa COVID-19 không thể tạo ra đầy đủ kháng thể cho những người có hệ miễn dịch yếu. Chủ trương này cũng sẽ giúp Israel tiêu thụ bớt số vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer nằm trong lô chuẩn bị hết hạn vào cuối tháng 7. Israel cũng sẽ triển khai một số biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát dịch, chủ yếu là do biến thể Delta có khả năng lây nhiễm mạnh. Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy hơn 90% trong số gần 2.500 bệnh nhân COVID-19 hiện nay ở nước này nhiễm biến thể Delta, so với tỷ lệ 60% tại thời điểm 2 tuần trước đó.
Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong do COVID-19 liên tục tăng cao gây quá tải hệ thống y tế, Chính phủ Indonesia đã đề nghị các công ty sản xuất oxy ưu tiên đáp ứng nhu cầu y tế sau khi xảy ra tình trạng hơn 60 bệnh nhân tại một bệnh viện tử vong do hết nguồn oxy thở. Trong thông báo mới nhất ngày 4/7, Chính phủ Indonesia đã yêu cầu ngành công nghiệp khí đốt tăng sản xuất oxy y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị ngành công nghiệp khí đốt ưu tiên sản xuất để đáp ứng nhu cầu y tế ước tính 800 tấn oxy mỗi ngày. Chính phủ nước này cũng đã quyết định kéo dài thời gian áp đặt lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng quy mô nhỏ đối với các khu vực bên ngoài đảo Java và Bali từ ngày 6 - 20/7 tới.
Tại Bangladesh, chính phủ đã ra lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 1 tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 nhưng các bệnh viện tại thành phố Khlna không thể đối phó với số bệnh nhân tăng lên trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất, vật tư y tế, đặc biệt là oxy. Trước đó, số người tử vong trong ngày ở nước này chưa bao giờ lên tới 2 con số, nhưng nay thì con số thực tế được cho là cao hơn nhiều. Bangladesh đã ghi nhận 935.000 ca mắc và 14.900 ca tử vong trong vòng 15 tháng qua.
Còn tại Iran, nước này đang chống chọi với đợt bùng phát dịch lớn trong khu vực và có thể sắp trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 5. Tổng thống Hassa Rouhani nói với lực lượng đặc nhiệm chống virus của Iran và cảnh báo người dân hãy cẩn thận vì “biến thể Delta đã lây lan” ở các tỉnh phía Nam.
Châu Phi hiện cũng đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát mới của biến thể Delta, đặc biệt là tại Tunisia, Mozambique, Uganda, Nigeria và Malawi. Châu lục này đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số ca mắc mới và số ca tử vong vì COVID-19. Mặc dù tưởng như đã thoát khỏi đại dịch COVID-19 nhưng trong 6 tuần nay, số ca mắc đã tăng lên do biến thể Delta. Số người chết tăng 15% ở 38 quốc gia, lên gần 3.000 người trong cùng thời kỳ.
Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất châu lục và đã công bố 24.000 ca mắc vào thứ 6 tuần trước. Thứ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết: “Chúng ta đang thực sự đứng trước làn sóng lây nhiễm thứ 3”.
Cảnh báo của WHO
Trước sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo thế giới đang trong "giai đoạn vô cùng nguy hiểm" của đại dịch COVID-19.
Ngày 1/7, WHO đã công bố bản cập nhật dịch bệnh hằng tuần, trong đó cho biết biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ đã xuất hiện ở 96 quốc gia, tăng thêm 11 quốc gia so với một tuần trước đó. Tiếp đó, trong phát biểu ngày 4/7, người đứng đầu WHO cho biết con số quốc gia ghi nhận biến thể Delta đã là ít nhất 98 quốc gia trên thế giới. Theo ông, biến thể này vô cùng nguy hiểm, do nó vẫn biến đổi và đang "thống trị" ở nhiều quốc gia.
Người đứng đầu WHO cho rằng cần theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, cũng như cần tuân thủ tất cả biện pháp phòng ngừa, trong đó có việc đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội.
Ngoài ra, ông Ghebreyesus cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế đảm bảo cùng kỳ năm sau, sẽ có 70% người dân ở mỗi nước đã được tiêm vaccine phòng bệnh. Để đạt được điều này, các nước cần giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng COVID-19, máy thở, thuốc men và các xét nghiệm, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng. Ông khẳng định đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch COVID-19, cứu sống, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2.
Theo người đứng đầu WHO, hiện đã có 3 tỷ liều vaccine được phân phối trên thế giới, song chưa đầy 2% trong số này được đưa tới các nước nghèo. Mặc dù các nước giàu, trong đó có Anh, Canada, Mỹ, Pháp... cam kết viện trợ 1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, WHO ước tính thế giới vẫn cần tới 11 tỷ liều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng.
An Ngọc/TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất