16/02/2013 13:55 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thật kỳ lạ khi Bayern Munich chọn Pep Guardiola làm huấn luyện viên, búa rìu của dư luận lại hướng về Roman Abramovich. Người ta làm ầm lên rằng tỷ phú người Nga đang bị cả thế giới quay lưng.
Abramovich vuột mất Guardiola
Phải khác "người thường", mới thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng. Là tỷ phú, dân ngoại đạo, ngoại quốc, nhảy vào bóng đá, Roman Abramovich càng khác thường. Những hành động của ông rất khó hiểu. Và ông cũng chẳng cần hiểu người ta. Như những câu chuyện xoay quanh HLV của Chelsea. Nhưng có một sự thực: ông vẫn thành công.
Mùa Hè này, Abramovich sẽ kỷ niệm 10 năm mua lại Chelsea, kể từ mùa Hè 2013 khi ông như một người bí ẩn, "từ trên trời rơi xuống" sân Stamford Bridge. Giới truyền thông Anh, vốn rất mạnh về khía cạnh khai thác thông tin, phải rất nhọc công để tìm hiểu về Abramovich dù thời điểm ấy ông giàu nhất nhì nước Nga.
Ông chẳng nói câu nào khi mua lại một CLB nổi tiếng của London. Ông chẳng hé một lời khi chi ra vài trăm triệu bảng để biến Chelsea từ vịt xấu xí thành thiên nga, kéo họ từ bên bờ phá sản lên thành đội bóng giàu nhất thế giới. Và sau 10 năm, khi người ta đã quen nhìn thấy khuôn mặt của ông ở Stamford Bridge, Abramovich vẫn không nói một câu. Lần duy nhất người Anh được nghe ông nói là ở tòa án. Ông không thể không nói, vì vụ kiện tụng liên quan đến tài phiệt đồng hương Boris Berezovsky trị giá cả tỷ bảng.
Ông đã chiến thắng vụ kiện ấy, cũng như đã mang về những vinh quang mà người Chelsea cũng không dám mơ tới: 3 chức vô địch Premier League, 4 Cúp FA, 2 Cúp Liên đoàn, 1 chức vô địch Champions League. Trong một quãng thời gian ấy, M.U 4 lần vô địch Premier League, 1 lần đoạt Cúp FA, 4 lần đăng quang ở Cúp Liên đoàn, 1 lần vô địch Champions League. Tức là tương đương nhau. Thách thức và cạnh tranh ngang bằng với M.U quả là điều không tồn tại trong giấc mơ của CĐV Chelsea. Thế mà bây giờ, đó là sự thật. Nhờ Abramovich hết. Ông chẳng khác gì Sir Alex Ferguson, một cá nhân đã làm thay đổi lịch sử của một CLB cũng như một nền bóng đá.
Ban đầu, người ta nghĩ rằng ông xem Chelsea như một món đồ chơi, như những chiếc du thuyền của ông. Nhưng chẳng ai chơi một món đồ suốt 10 năm mà không chán. Du thuyền trị giá vài trăm triệu bảng, ông thay đổi xoành xạch rồi. Nhưng Chelsea thì không. Ông hoàn toàn nghiêm túc với Chelsea, dù mục đích thực sự có là gì. Mới đây, Chelsea thông báo rằng họ đã lần đầu tiên làm ăn có lãi dưới thời Abramovich. Như vậy, ngay cả khi Abramovich rút lui, Chelsea vẫn tồn tại rất tốt.
"Chơi" HLV
Thay HLV là công thức chiến thắng
Abramovich ấy chỉ "chơi" huấn luyện viên mà thôi. Ở Anh, không ông chủ nào thay thế HLV khủng khiếp như ông, và chẳng có ông chủ nào tốn nhiều tiền vì HLV như ông. Claudio Ranieri, Jose Mourinho, Avram Grant, Luiz Felipe Scolari, Guus Hiddink, Carlo Ancelotti, Andre Villas-Boas, Roberto Di Matteo và người thứ chín hiện tại là Rafael Benitez.
Điên rồ thật phải không? Nhưng ai dám bảo Abramovich đã mắc sai lầm vì chính sách của mình? Một số người tin rằng Chelsea đã có thể thống trị Premier League một cách tuyệt đối như M.U trong thập niên 90 nếu giữ được tính ổn định ở băng ghế huấn luyện. Nhưng nên nhớ rằng, dù trung thành với Arsene Wenger, Arsenal đã trắng tay suốt 8 năm qua dù họ từng được xem là đối thủ lớn nhất của M.U.
Hay nói cách khác: tin tưởng một HLV chưa chắc đã tốt và sa thải HLV liên tục chưa chắc đã dở. Đến thời điểm này, rất nhiều CĐV Chelsea nuối tiếc về trường hợp của Jose Mourinho, HLV được xem là xuất sắc nhất mà họ từng sở hữu. Nhưng nên nhớ rằng, thời hậu Mourinho, Chelsea vẫn vô địch Premier League, vẫn đoạt những chiếc Cúp nội địa, và thậm chí giành được chức vô địch Champions League mang tính lịch sử.
Thay huấn luyện viên được xem là công thức chiến thắng của Abramovich. Từ xưa đến nay, hễ Abramovich sa thải người cũ, bổ nhiệm người mới là y như rằng Chelsea chơi thành công hơn. Đừng ngạc nhiên nếu mùa này, Rafael Benitez giúp Chelsea giành danh hiệu duy nhất mà họ còn thiếu trong bộ sưu tập của mình: Europa League.
Không ai thay đổi công thức chiến thắng dù công thức đó đến từ những thay đổi liên quan đến huấn luyện viên. Abramovich không hề là kẻ hồ đồ. Vị tỷ phú ấy đã giàu lên, phất lên, đổi đời trong giai đoạn nước Nga có sự biến chuyển rất lớn và phức tạp. Ông hoạt động song song ở hai lĩnh vực kinh tế và chính trị. Vì lẽ đó, ông thừa tài năng và khôn ngoan để nhìn thấy những vấn đề nội tại ở Chelsea, như chuyện đấu đá nội bộ, cầu thủ cấu kết bè cánh, cầu thủ bất tuân lệnh của HLV hay không chuyền bóng cho nhau. Những vấn đề ấy, ông thấy rất nhiều trong chính trị, kinh doanh và ở cấp độ phức tạp hơn nhiều.
Abramovich chỉ cần làm một việc thôi là giải quyết hết mọi vấn đề: thay đổi HLV.
Phải thừa nhận rằng, Abramovich rất quyết đoán, ra tay xử lý cực nhanh. Nếu nhìn thấy đội bóng sa sút, vài trận không có dấu hiệu khởi sắc, không hề có hy vọng hồi sinh, ông lập tức sa thải HLV, bổ nhiệm người mới. Hay như chuyện thay máu đội hình Chelsea. Chỉ sau một hai mùa giải đầu tiên, ông biến Chelsea từ một đội bóng trung bình thành một đại gia sở hữu những ngôi sao đẳng cấp cao thực sự. Rồi chỉ cần một, hai mùa Hè, ông thay sạch thế hệ vàng khi họ ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, xây dựng một thế hệ mới. Rất nhanh, gọn và quả thực là hiệu quả. Giàu mạnh có khác, làm gì cũng dễ.
Danh sách sa thải còn dài
Trong 10 năm qua, Abramovich đã dùng hết mọi kiểu HLV. Jose Mourinho là HLV trẻ mới nổi khi ngồi vào chiếc ghế nóng ở Stamford Bridge. Sa thải Mourinho, Abramovich tin dùng người bạn Avram Grant. Sau vài tháng với Grant, ông quay sang HLV đã thành danh là Scolari. Hết Scolari, ông quay lại người bạn là Guus Hiddink. Chia tay Hiddink, ông bổ nhiệm HLV đã thành danh khác là Carlo Ancelotti. Trắng tay, Ancelotti ra đi, ông trao đội bóng cho HLV mới nổi khác là Villas-Boas. Gây thất vọng, Villas-Boas được thay bằng Roberto Di Matteo, một người được CĐV Chelsea yêu quý. Di Matteo ra đi, Abramovich bổ nhiệm một HLV bị CĐV ghét cay ghét đắng là Rafa Benitez.
Thay huấn luyện viên được xem là công thức chiến thắng của Abramovich |
Nhìn khắp nơi, quả thực Abramovich không còn nhiều sự lựa chọn. Gương mặt được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là Diego Simeone của Atletico Madrid. Nhưng hãy xem, Simeone có khác gì Villas-Boas?
Người hâm mộ cảm thấy lo ngại cho Chelsea. Nhưng Abramovich có lẽ chẳng lo lắng lắm. Nhiều tiền thì không lo thiếu HLV giỏi. Hàng loạt ngôi sao đến Chelsea vì tiền thì chắc chắc sẽ có hàng loạt HLV đến Chelsea vì tiền. Nên nhớ rằng, Abramovich luôn bồi thường hợp đồng rất hậu hĩnh cho các HLV bị ông sa thải.
Danh sách những người chờ được ông sa thải còn dài lắm.
Đức Lộc
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất