12/06/2016 21:27 GMT+7 | C
(Thethaovanhoa.vn) - Chiến thắng 7-1 trước Brazil của tuyển Đức 2 năm trước là sự kiện gây sốc bậc nhất từ trước tới giờ. Đó là đỉnh cao của một quá trình rèn giũa, chuẩn bị và xây dựng với những con số chi tiết từng chút một và sự hiệu quả bậc thầy của người Đức.
Money Ball từ Klinsmann
Nhưng hành trình chinh phục của phương pháp đó có vẻ sẽ chưa dừng lại. Hai năm sau chiến thắng vang dội ở Rio de Janeiro (Brazil), khi Đức đè bẹp đội bóng nước chủ nhà như thể họ đá với một đội nghiệp dư, huấn luyện viên (HLV) Joachim Loew lại đang chuẩn bị cho một giải đấu lớn nữa. Và với những tiến bộ đội bóng của ông đã đạt được trong thập kỷ qua, Loew một lần nữa sẽ lại viện tới phương pháp dữ liệu chi tiết.
Loew là người đưa "Die Mannschaft" lên đỉnh cao, nhưng người đặt nền móng là Klinsmann, người tiền nhiệm đã dẫn dắt tuyển Đức giai đoạn 2004-2006, một chiến lược gia chịu nhiều ảnh hưởng của lối làm việc phải định lượng mọi thứ và thiên về hiệu quả từ thể thao Mỹ. Klinsmann đã áp dụng ý tưởng do bạn thân của ông - Billy Beane của đội bóng chày Oakland Athletics - nghĩ ra 7 năm trước.
Ở tuyển Đức, Mario Goetze luôn được tin tưởng
Sau khi Miroslav Klose giải nghệ, nhiều khả năng HLV Joachim Loew sẽ xếp Mario Goetze đá cao nhất trên hàng công. Nhưng Goetze được chọn không phải bởi cầu thủ này có phong độ cao, mà chỉ đơn giản vì đây là phương án khả dĩ nhất.
Mario Goetze luôn được HLV Joachim Loew tin tưởng
Beane và đội nhóm thiết lập một bảng thống kê chi tiết về các cầu thủ bóng chày mà Athletics định mua, với sự chính xác càng cao càng tốt, và hệ thống đó đã phát huy hiệu quả. Áp dụng thống kê vi mô, Beane đã thay đổi thương hiệu ở giải bóng chày nhà nghề Mỹ (MLB) này, vượt qua những đối thủ mạnh giàu có hơn nhiều và là cảm hứng cho một cuốn sách, rồi một bộ phim có mặt Brad Pitt sau đó, Moneyball.
Klinsmann tin rằng ý tưởng đó cũng có thể áp dụng cho bóng đá, tức không chỉ vài con số quan trọng, tỉ lệ chuyền chính xác, số cú sút mỗi trận, số trận giữ sạch lưới…, mà tất cả các con số. Sử dụng phương pháp cơ bản được Beane sử dụng để mua cầu thủ, Klinsmann muốn các trợ lý của ông phải thu thập được dữ liệu về đối thủ càng nhiều, càng chi tiết, càng chính xác càng tốt.
Và thế là ông đã gọi điện cho giáo sư Juergen Buschmann. “Tôi lập tức tỉnh ngủ”, Buschmann nhớ lại trong cuốn sách Soccernomics của Simon Kuper sau này. Làm việc ở Đại học thể thao Cologne, Buschmann đã tập hợp được một nhóm các tình nguyện viên - những sinh viên kết hợp tình yêu thể thao với các con số (và cả lòng yêu nước) - và bắt tay vào việc.
Ở trường đại học nhỏ bé ở Cologne, nơi chỉ có không tới 5.000 sinh viên, các kế hoạch được vạch ra nhằm chuẩn bị cho Klinsmann và đội bóng của ông trước World Cup 2006 trên sân nhà. Hiệu quả lớn đầu tiên được thể hiện ở trận Tứ kết gặp Argentina, nơi một phân tích chi tiết về thói quen đá phạt đền của đối thủ Nam Mỹ đã giúp Jens Lehmann cản phá được những pha sút luân lưu của Roberto Ayala và Esteban Cambiasso.
Một đẳng cấp mới của thống kê bóng đá
Đức sau đó thua Italy (đội sau đó giành ngôi vô địch) ở Bán kết, nhưng nhóm các sinh viên, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Buschmann, giờ đã trở thành một phần thiết yếu của đội tuyển quốc gia, với tên gọi “Team Cologne”, và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của họ trở nên rõ ràng khi vào năm 2010, họ vạch ra một “Kế hoạch đối phó Messi” cho một trận Tứ kết khác cũng gặp Argentina, lần này là ở Nam Phi.
Các con số thống kê cho thấy Đức nên sử dụng hai hậu vệ ở hai bên của Lionel Messi, một người đứng cao hơn một mét, và người kia thấp hơn một mét, mỗi khi thiên tài của Argentina có bóng. Messi gần như mất hút trong trận đấu đó và Argentina thua 0-4. Người Đức biết họ đã đào trúng mỏ vàng. Team Cologne bắt đầu tăng mạnh nhân sự từ 16 sinh viên phụ trách 31 đội ở World Cup 2006 lên thành 45 người cho 15 đội ở EURO 2012.
Nhờ sự đóng góp đáng kể của “Team Cologne”, Đức đã vô địch World Cup 2014
Tại Ba Lan và Ukraine 4 năm trước, Loew đã nhận được một hồ sơ hàng trăm trang trước giải đấu và bản tóm tắt 40 trang cùng các DVD chi tiết về từng đối thủ trong suốt giải. Các tài liệu ngày càng trở nên phong phú và chính xác. Thời gian để một hậu vệ chạy kịp về bảo vệ phần sân nhà chống phản công, thói quen đi bóng của một tiền vệ cánh, khoảng cách tối ưu giữa hàng thủ và hàng công đối phương… tất cả những góc nhìn hoàn toàn mới đưa thống kê bóng đá lên một trình độ khác.
Một báo cáo từ Team Cologne thậm chí dự báo chính xác khi nào thì hậu vệ cánh của tuyển Đức Jerome Boateng sẽ phải đối phó với một pha đi bóng loằng ngoằng của Cristiano Ronaldo (và cũng là cơ hội để anh đoạt bóng). Trước Brazil, chính những con số đó đã khiến đội chủ nhà thua tan tác, tạo ra một trong những sự kiện gây chấn động nhất lịch sử World Cup.
Đức đã hạ gục Brazil với tỉ số 7-1 ở Maracana
Đội chủ nhà đã chơi kém, Đức đã rất mạnh, nhưng để thắng Brazil 7-1 ở Maracana, bạn rõ ràng cần điều gì đó khác biệt, và các con số chính là sự khác biệt đó: Mỗi thành viên trong tuyển Đức biết trước khá chính xác họ phải làm gì trong từng tình huống của trận đấu để mang tới kết quả tối ưu.
Giờ thì cả thế giới đang học theo họ, nhưng cũng như trong nhiều lĩnh vực khác, người Đức đã đi trước một bước khá xa. Họ sẽ chuẩn bị cho EURO 2016 ở một tầm mức mới. “Tôi không quan tâm liệu một cầu thủ cao 1,94 mét hay nặng 85 kg, chúng tôi cần là cần những con số chi tiết”, Loew kết luận.
Trong loạt luân lưu với Argentina ở World Cup 2006, thủ thành Jens Lehmann đã cứu được hai pha sút của đối phương, giúp đội nhà đi tiếp. Ghi chú được ban huấn luyện đưa cho anh trước loạt sút như sau: “1. Riquelme góc cao bên trái; 2. Crespo lấy đà xa/phải, lấy đà ngắn/trái; 3. Heinze góc thấp bên trái; 4. Ayala đợi lâu, lấy đà xa phải; 5. Messi trái; 6. Aimar đợi lâu trái; 7. Rodriguez trái”.
PV
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất