Ông Nguyễn Hồng Minh: “Thất bại của U23 là hệ quả tất yếu”

23/11/2011 11:15 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH) - Đoàn TTVN đã khép lại kỳ SEA Games 26 thắng lợi với thành tích 96 HCV cùng vị trí hạng ba chung cuộc, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những nhược điểm, tồn tại và cả thất bại vô cùng đáng tiếc, như trường hợp của đội U23. Nguyên Trưởng đoàn TTVN tại các kỳ SEA Games và Asiad, Nguyễn Hồng Minh chia sẻ những đánh giá của ông cùng TT&VH.

Tổng quan thắng lợi của đoàn TTVN tại SEA Games 26

Xin ông cho biết những đánh giá của mình về thành tích 96 HCV và vị trí xếp hạng ba chung cuộc của đoàn TTVN tại SEA Games 26?

-Theo tôi, thành tích mà đoàn TTVN đạt được tại SEA Games 26 là hết sức tuyệt vời và rất đáng trân trọng. Đây là thành tích cao nhất mà TTVN đạt được tại một kỳ SEA Games được tố chức tại nước ngoài. Chưa có bao giờ chúng ta đạt được thành tích tốt và toàn diện đến vậy.

Điều này bắt nguồn từ sự quan tâm, đầu tư và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ban ngành liên quan. Xin cám ơn sự nỗ lực của các VĐV, HLV, các nhà quản lý thể thao, họ đã mang lại vinh quang cho đất nước. Với những kinh nghiệm từ khi chúng ta trở lại đấu trường SEA Games năm 1989 (SEA Games 15) vị thế của TTVN ngày càng tiến lên. Sự nỗ lực của đoàn TTVN chứng minh chúng ta đã có nền thể thao vững mạnh ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Hồng Minh (phải) Trưởng đoàn TTVN tại Asiad Doha 2006. Ảnh: V.S.I

Theo ông, thắng lợi của đoàn TTVN tại SEA Games 26 vừa qua thể hiện trên những khía cạnh nào?

-Thứ nhất, đó là thắng lợi của những môn thể thao Olympic. Đó là điền kinh với 9 HCV, TDDC với 11 HCV, bắn súng với 7 HCV trên 11 nội dung. Sự tiến bộ của các VĐV bơi, đua thuyền (canoeing và rowing), đấu kiếm với 5 HCV, thành công gần như tuyệt đối của ĐT vật, thắng lợi của ĐT cử tạ và một vài môn khác.

Tổng số huy chương Olympic chiếm 3/5 huy chương của đoàn TTVN, 54/96 HCV mà đoàn TTVN giành được. Trong những năm vừa qua đã có sự chú ý và chuyển biến nhận thức, sự quan tâm, đãi ngộ của những người yêu mến thể thao trong cả nước. Những môn tập thể như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn… đòi hỏi sự đầu tư bài bản và lâu dài hơn nữa thì mới đạt được thành công như các môn thể thao cá nhân.

Sự xuất hiện của những gương mặt trẻ đầy tài năng

Trong số chủ nhân của 96 tấm HCV, ông ấn tượng với thành tích của VĐV nào nhất?

- Trong đại hội lần này nổi lên nhiều VĐV trẻ xuất sắc như Hoàng Qúy Phước với thành tích 53”07 ở cự ly 100m bướm. HCV thứ hai của Phước ở 100m tự do, đây là điều mà chưa một người Việt Nam nào đạt được tại các kỳ SEA Games hay Asìad trước. Một VĐV trẻ khác mà tôi muốn nói đến ở đây là nữ VĐV bơi Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ giành được 2 HCB nhưng đã để lại niềm tin cho chúng ta trong tương lai. Lê Thị Phương (Thanh Hóa) dù chỉ có HCB và tham dự hai cự ly rất khó khăn là 3000m vượt chướng ngại vật và 10.000m nhưng lại thể hiện nghị lực phi thường với hình ảnh bị ngã nhưng vẫn cố gắng với tay để chạm đích đến .

Ở điền kinh, những người chúng ta kỳ vọng chưa khiến chúng ta hài lòng. Nhưng lại xuất hiện thế hệ VĐV trẻ đầy tài năng, đó là Dương Văn Thái cự ly chạy 800m, thật tuyệt vời. Tất nhiên , phải ghi nhận tinh thần fair-play của Nguyễn Đình Cương nhưng thành tích của Thái là rất đáng ghi nhận, ở giải VĐQG, Thái cũng vượt qua Đình Cương. VĐV chạy 400m rào nam Đào Xuân Cường. Bên cạnh đó nhảy cao có Việt Anh. TDDC với Hà Thanh, cử tạ với Trần Lê Quốc Toàn… Ngay cả Thạch Kim Tuấn dù thất bại, chỉ có HCĐ nhưng đây là VĐV trẻ mới 17 tuổi, hứa hẹn còn có thể thành công trong tương lai.

Nếu như những VĐV trẻ này được chăm sóc cẩn thận, đầu tư đặc biệt thì TTVN hoàn toàn có thể có những VĐV đạt tới tầm châu lục và thế giới. Họ có khả năng nhưng để biến khả năng thành hiện thực lại là trách nhiệm của các nhà quản lý thể thao và nhà nước, các LĐ thể thao.

Tại SEA Games lần này, các VĐV giành thành tích cao đó là những tấm HCV không chỉ thuộc các địa phương lớn như Hà Nội hay TP.HCM, ông có đồng ý với quan điểm này?

-Một thắng lợi nữa của TTVN nhìn từ SEA Games 26, đó là sự phát triển rộng khắp của thể thao cả nước. Tôi có thống kê 608 VĐV của đoàn TTVN thì có tới 57 tỉnh, thành, ngành đơn vị đóng góp VĐV cho đoàn TTVN. Hà Nội và TP.HCM vẫn là những địa phương đóng góp đông lực lượng nhất, bên cạnh đó là Quân đội. Thanh Hóa cũng có những VĐV xuất sắc ở điền kinh, bắn súng, đua thuyền, cầu mây.

Rất nhiều địa phương nghèo nhưng vẫn có VĐV xuất sắc như Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Lào Cai, Lạng Sơn, Hưng Yên, Nam Định…Trong cơ chế quản lý đa ngành hiện nay các Trung tâm huấn luyện cũng không thể ôm đồm hết được và trách nhiệm cũng được san sẻ cho các địa phương.

Thành công nữa mà chúng ta phải ghi nhận là sự đóng góp của những môn thể thao theo định hướng xã hội hóa, đã có những thành tích như leo tường, Kempo, patin tốc độ, kể cả futsal. 

Lễ bế mạc tối 22/11 khép lại một kỳ SEA Games thành công của đoàn TTVN. Ảnh: Quang Nhựt

Bên cạnh các thành công, còn những hạn chế nào mà TTVN đã bộc lộ tại SEA Games 26?

- Đó là khá nhiều những nhà thể thao giỏi những tượng đài thể thao nhưng không thành công trong thi đấu. Điền kinh có Vũ Thị Hương, bơi lội Hữu Việt, cầu lông có Tiến Minh, judo Văn Ngọc Tú, đua thuyền có Trần Văn Long, Taekwondo có Hoài Thu, Trọng Cường. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng đây là điều đáng tiếc và không hài lòng.

Theo suy nghĩ của tôi chúng ta phải nhìn nhận vấn đề qua lăng kính đào tạo, huấn luyện VĐV. Quy luật của tuổi tác, sự phát triền thể thao trong ngày hôm nay anh có thể giỏi nhưng ngày mai, năm sau họ sẽ không thể như thế được, thành tích sẽ giảm sút. Khi chúng ta chưa có đầy đủ điều kiện chăm sóc, tổ chức thì không thể đòi hỏi các VĐV phải kéo dài được thành tích đỉnh cao. Bên cạnh đó là sự chủ quan của VĐV như trường hợp của Văn Ngọc Tú. Những bài học này cần được mổ xẻ kỹ lưỡng.

Chúng ta cũng nên có cách nhìn, bao dung và cảm thông cho các VĐV khi họ thi đấu không thành công. Cần phải tìm hiểu xem họ còn khả năng đến đâu, phát triển như thế nào và cần tiếp tục được đầu tư ra sao. Một số thành tích tuy đã đạt HCV nhưng vẫn phải suy nghĩ, đó là Trương Thanh Hằng. Dù đã có HCV nhưng vẫn chưa đạt chuẩn Olympic. Các môn võ tuy đã hoàn thành chỉ tiêu nhưng sự ổn định và đóng góp có thay đổi.

SEA Games lần nào cũng có chuyện trọng tài, nước chủ nhà làm mọi cách để giành số huy chương cao nhất, đó có phải là một tồn tại cố hữu của thể thao khu vực Đông Nam Á?

-Những nước khi tổ chức SEA Games đưa môn thế mạnh vào  đồng thời tìm mọi cách cản trở việc giành huy chương các nước khác nên chương trình thi đấu không ổn định, chúng ta có nên bị động về điểu này không. Quan điểm của tôi là hãy coi SEA Games là bàn đạp, chuẩn bị cho đấu trường châu lục và thế giới.

Cần quan tâm đầu tư đến những môn thể thao Olympic. Nếu chúng ta thống nhất được quan điểm như vậy thì sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic London. Đến thời điểm này tôi cho rằng khả năng có được từ 25 đến 30 suất tham dự Olympic London như mục tiêu là rất khó khăn. Ngay cả 15 suất đến London cũng rất khó đạt. Tôi nghĩ nếu có khoảng 10 VĐV đạt chuẩn đến London đã là một thắng lợi. Trong tương lai cần phát triển hơn nữa các môn thể thao Olympic, các môn thể thao cá nhân. Khoảng thời gian từ nay đến khi Olympic London diễn ra chỉ còn chừng 9 tháng, không dài. Lần ra quân này của đoàn TTVN thắng lợi, đó là điều mừng vui khi các VĐV nước nhà đạt đến trình độ mới.

Thất bại của đội U23 là hệ quả tất yếu

Đạt hạng ba và giành tới 96 HCV nhưng TTVN vẫn không có một kỳ SEA Games trọn vẹn khi ĐT bóng đá nam chỉ xếp hạng tư?

BĐVN thất bại tại SEA Games này không chỉ tại những vấn đề HLV, cầu thủ. Cái chính là cơ sở để phát triển BĐVN tiến lên chuyên nghiệp chưa vững. Nói cho chính xác, theo tôi, BĐVN hiện nay chưa phải là bóng đá chuyên nghiệp. Có những vấn đề tồn tại do tổ chức, quản lý, cần phải vạch rõ hướng đi cho bóng đá nước nhà như việc củng cố lại hệ thống đào tạo trẻ ở các CLB.

Việc xác định mục tiêu cho đội U23 cũng theo tư duy chủ quan chứ không trên cơ sở, căn cứ kết quả thực tiễn. Các đội khác trong khu vực Đông Nam Á trình độ đến đâu, chúng ta đến đâu.Theo tôi, ĐT bóng đá lần này yếu kém nhất trong các kỳ SEA Games từ trước đến nay. Nguyên nhân sâu xa thì có nhiều nhưng cái chính là cơ sở phát triển bền vững chưa có. Trách HLV trưởng chỉ là một phần, hệ quả khi sự việc đã xảy ra.

Xin cảm ơn ông!

Thành Đạt (thực hiện)



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link