04/10/2016 08:35 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thực trạng giao thông tại các đô thị lớn như: Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên bức xúc. Nhiều tuyến đường thường xuyên bị ùn tắc, có những tuyến đường càng mở rộng càng tắc, do đó, rất cần có giải pháp tổng thể.
Tình hình ùn tắc giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang rất đáng báo động. Hà Nội hiện có 67 điểm ùn tắc nghiêm trọng, con số này tại TP Hồ Chí Minh là 76 điểm. Chính quyền hai thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý, nhưng giải tỏa được điểm này lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc cục bộ khác phức tạp hơn, mà một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ hệ thống tín hiệu bố trí, hoạt động chưa hợp lý.
Nút giao Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng do tín hiệu đèn phân bổ chưa hợp lý
Phần lớn các điểm ùn tắc xuất phát từ vị trí các nút giao thông và lan tỏa ra các tuyến đường lân cận khác, do đó, nếu thiết kế, tổ chức và điều khiển giao thông không hợp lý sẽ gây ra ùn tắc.
Theo nghiên cứu thực hiện tại các nút giao Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn, Chùa Bộc - Tôn Thất Tùng (Hà Nội), Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)… cho thấy lưu lượng phương tiện đổ dồn đến các nút giao quá lớn, dẫn đến tình trạng ùn tắc, với chiều dài ùn tắc có thể lên đến vài trăm mét.
Tại các nút giao, dòng xe hỗn hợp cao đang phụ thuộc chủ yếu vào xe máy, đã gây ra không ít khó khăn trong việc phân tách dòng xe, phân làn xe và tổ chức giao thông, cộng với sự hạn chế về số làn xe, các tuyến đường dẫn vào các nút giao hẹp và ý thức, hành vi điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông không tốt, càng khiến ùn tắc gia tăng.
Khảo sát tại hầu hết tại các nút giao cho thấy, việc tổ chức và điều khiển giao thông hiện chưa hợp lý, chương trình điều khiển đèn tín hiệu vẫn chưa được thiết kế tối ưu. Ví dụ, như khi dòng xe đi thẳng và dòng xe rẽ trái đối diện đều có lưu lượng lớn, nhưng được bố trí chung trong một pha điều khiển, sẽ gây cản trở lẫn nhau và làm tăng nguy cơ ùn tắc. Việc phân chia thời gian đèn xanh giữa các pha không phù hợp theo lưu lượng xe đến từ các tuyến đường vào nút giao dẫn đến trạng quá tải.
Ngoài ra, các vị trí điểm dừng xe buýt trong phạm vi 30 m kể từ nút giao sẽ làm suy giảm khả năng thông qua của nút giao từ 5 - 9% và càng gần nút giao thì ảnh hưởng càng lớn. Nhất là tình trạng xe buýt bị cản trở bởi các xe khác đang xếp hàng chờ trong thời gian đèn đỏ trước nút giao, điều này làm cho xe buýt khó tiếp cận vị trí điểm dừng và thoát nút trong một chu kỳ đèn tín hiệu.
Nút giao Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng do tín hiệu đèn phân bổ chưa hợp lý
Việc dừng đỗ các loại xe ô tô, xe taxi, xe chở hàng trong phạm vi các nút giao cũng đang làm suy giảm đáng về khả năng thông qua tại nút giao và gây ùn tắc… Chưa hết, các công trình đang thi công trong phạm vi các nút giao cũng làm co hẹp bề rộng của các nhánh vào nút giao. Điều này thấy rõ tại các tuyến đường bị ảnh hưởng bởi việc thi công công trình đường sắt trên cao như: Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Trãi (Hà Nội)…
Thực tế trên cho thấy, các thành phố cần phải nâng cấp chương trình điều khiển đèn tín hiệu tại các nút giao. Đối với các nút giao thông bị ùn tắc do chương trình điều khiển bằng đèn tín hiệu chưa hợp lý thì cần phải khảo sát kỹ lưỡng lại lưu lượng xe trong giờ cao điểm để nâng cấp chương trình trình điều khiển cho phù hợp, như phân lại pha điều khiển, tính toán lại chu kỳ đèn, thời gian chuyển đèn xanh cho từng pha… đồng thời nghiên cứu triển khai giải pháp phân tách dòng xe từ xa, bố trí các chỗ quay đầu phù hợp với các điều kiện cụ thể tại từng nút giao. Các giải pháp này có thể góp phần loại bỏ nguy cơ suy giảm khả năng thông xe đến 15%, đặc biệt là đối với các nút giao thông có lưu lượng xe rẽ lớn.
Các thành phố cũng cần bố trí hợp lý các vị trí vạch sang đường cho người đi bộ tại các nút giao, đảm bảo sự kết nối liên tục với vỉa hè thông thoáng để phục vụ người đi bộ và hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong phạm vi nút giao; hạn chế thấp nhất việc dừng và đỗ xe, cũng như các hoạt động lấn chiếm lòng đường trong phạm vi 100 m tính từ nút giao. Điều này sẽ giúp cho nút giao thông không bị suy giảm khả năng thông hành đến 10% và giảm được nguy cơ ùn tắc nghiêm trọng.
Khi đã áp dụng triệt để các giải pháp trên, mà không thuyên giảm ùn tắc thì cần tính đến việc mở rộng nút giao, xây dựng cầu vượt hoặc hầm đường bộ hay cải tạo lại thiết kế hình học của các nút giao. Các giải pháp này sẽ góp phần góp phần thu hút người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng thay thế cho xe cá nhân trong tương lai.
TS Nguyễn Văn Nam và TS Vũ Đức Sỹ (Trường Đại học GTVT)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất