14/09/2018 12:50 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Một trong những lý do khiến nhiều quốc gia cấm ăn thịt chó, mèo vì sự gắn bó của hai con vật này với con người – như là những người bạn. Không ai “ăn thịt” bạn mình cả. Hình ảnh bộ xương người đàn bà và con chó cách đây 12.000 năm trong một ngôi mộ chung sẽ khiến ta càng tin chắc điều đó.
Chúng ta có thể tin vào “tình bạn” đó, nhưng để chứng minh nó là điều không dễ dàng. Chúng ta không thể và không nên nói rằng chó khôn ngoan hơn ngựa, bò, lợn…, nên không đáng bị đưa vào lò mổ. Thực tế, các loài vật khác cũng không chỉ rất thông minh mà còn rất trung thành khi chúng ta nuôi chúng làm thú cưng.
Một kết quả khảo cổ học tại Israel cho thấy, trong lịch sử loài người, chó là một loài đặc biệt. Khi nhìn bức ảnh bộ xương người đàn bà và con chó trong ngôi mộ chung từ hơn 12.000 năm này, tôi lập tức nhớ đến truyện “Người đàn bà có con chó nhỏ” của Chekhov (đã được dựng thành phim).
Nội dung câu chuyện thì tôi không nhớ nữa, nhưng luôn bị ấn tượng bởi hình ảnh người phụ nữ dắt con chó nhỏ trên bãi biển ở đoạn đầu câu chuyện.
“Nàng dạo chơi một mình, đầu vẫn đội chiếc bêrê ấy, con chó trắng vẫn chạy theo sau; không ai biết nàng là ai và mọi người đều gọi nàng một cách giản tiện: người đàn bà có con chó nhỏ”.
Nó gợi lên cảm giác hết sức dịu dàng, thân thương. Và đó cũng là hình ảnh mà chúng ta thường thấy trong cuộc sống ngày nay.
Ngôi mộ ở có niên đại cách đây 12.000 năm đã được tìm thấy ở phía Bắc Israel (Bảo tàng Kibbut Ma’ayan Baruch), trong đó có bộ xương của một người phụ nữ 50 tuổi, cạnh đó là một con chó con (góc trên bên phải bức ảnh). Con chó được chôn gần đầu của người này. Bàn tay trái của cô đặt cạnh con chó như biểu thị một sự kết nối cảm xúc. Tác giả Yuval Noal Harari đã mô tả như thế trong cuốn sách nổi tiếng thế giới “Sapiens – Lược sử loài người” (NXB Tri thức, 2017) – một cuốn sách mang tính cách mạng về nhận thức.
Con số 12.000 năm có thể không gợi lên cho bạn nhiều suy nghĩ, nhưng đó là một dấu mốc rất quan trọng đối với mỗi người chúng ta. Đó là quãng thời gian mà loài người bắt đầu rời bỏ cuộc sống “săn bắn hái lượm” để định cư nông nghiệp, bắt đầu biết đến trồng trọt và chăn nuôi, khởi đầu cho một xã hội văn minh, nhưng cũng đầy bi kịch – theo Yuval Noal Harari.
Niên đại 12.000 năm của ngôi mộ đã chứng minh ngoại lệ duy nhất của loài chó trong tất cả các loài động vật được con người thuần hóa: chó là động vật đầu tiên được con người thuần hóa từ trước “cách mạng nông nghiệp”, với thời gian bên nhau giữa người và chó đến nay khoảng 15.000 năm và có thể sớm hơn.
Điều quan trọng là, khác với các loài vật được thuần hóa khác, người và chó đã “đồng tiến hóa để có thể giao tiếp tốt với nhau”. Tác giả đi đến kết luận “Một mối liên kết kéo dài 15000 năm đã mang lại sự thấu hiểu và tình cảm sâu sắc hơn giữa người và chó hơn bất cứ loài động vật nào khác. Trong một số trường hợp, những con chó chết đi còn được chôn cất một cách trang trọng, giống như người”.
Ai cũng hiểu rằng, trong lịch sử tiến hóa, loài người không phải ngay từ khi mới hình thành đã như ngày nay. Con người đã tiến hóa cả về mặt sinh học và xã hội. “Người bạn” đầu tiên của loài người – con chó – cũng song hành với con người trong từng bước tiến hóa đó. Nghĩa là con chó ban đầu cũng không có được những “phẩm chất” khiến bạn phải yêu chúng mê mệt như những chú chó giữ nhà hay chó cưng ngày nay.
“Lịch sử tiến hóa” của loài chó đã chỉ ra rằng, những con chó nào chú ý đến nhu cầu và cảm giác của con người sẽ được quan tâm hơn, được ăn tốt hơn và có nhiều khả năng sống sót hơn. Và nó sẽ để lại “nguồn gen” biết yêu thương đó cho lũ chó con. Cứ thế, nguồn gen yêu thương ngày càng được chọn lọc và nhân lên qua các thế hệ loài chó.
Tôi không đánh giá thấp những loài vật khác, nhưng rõ ràng, đã có một sự ưu ái ngay từ ban đầu khi loài người “chọn mặt gửi vàng” đối với loài chó từ lúc chính bản thân mình còn “ăn lông, ở lỗ”. Họ dùng chó để đi săn và chiến đấu, để báo động thú dữ và những kẻ đột nhập. Tức ngay từ khởi thủy, con người đã không coi chó như một nguồn thực phẩm.
Còn những loài động vật khác, đến với con người trong cách mạng nông nghiệp (12.000 năm trở lại đây), đã được thuần hóa với những mục đích rất rõ ràng và… rất thực dụng (lấy sức kéo, lấy nguồn thực phẩm). Chúng phải thích nghi với yêu cầu đó của con người, chứ không được “đồng tiến hóa” với con người như loài chó.
Hãy xem lại bức ảnh ngôi mộ một lần nữa để hiểu rằng, hình ảnh cực thân thương “người đàn bà dắt con chó nhỏ” không chỉ diễn ra trên phố hôm nay, hay trong truyện của Chekhov 100 năm trước, mà đã diễn ra từ 15.000 năm nay, từ lúc ông tổ, bà tổ của chúng ta còn săn bắn, hái lượm đầy hiểm nguy trong rừng rậm. Thời đó, làm gì đã có “A đây rồi, cầy tơ 7 món”?, bầy người nguyên thủy chỉ có chú chó làm bầu bạn.
Nguyễn Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất