07/02/2017 19:47 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Mùa thu năm ngoái, nước Ý rúng động về một vụ bạo hành trẻ em của giáo viên nhà trẻ. Các đoạn băng video được cảnh sát công bố cho thấy, một cô giáo đã cắn vào mặt một đứa trẻ hai tuổi, trong khi giáo viên kia đã liên tục tát hoặc dọa dẫm các đứa trẻ khác trong giờ ăn. Lỗi của các đứa trẻ là đã không chịu ăn trưa và quấy gây ồn.
Các số liệu chính thức của cảnh sát Italy cho thấy, có 72 vụ nghiêm trọng được ghi nhận trong vòng 7 năm qua ở các địa phương, nhưng con số thực tế cao hơn nhiều, do bị ém nhẹm hoặc không đủ bằng chứng để buộc tội. Hai giáo viên này và hai quan chức của nhà trẻ đã bị bắt, và đã bùng lên một cuộc tranh cãi mạnh mẽ liên quan đến việc có nên lắp đại trà các camera an ninh trong hệ thống trường công của Italy để ngăn chặn tình trạng giáo viên bạo hành học sinh hay không.
Trong khi một trang Facebook tập hợp phụ huynh của các em bị bạo hành và những người quan tâm đến thực trạng giáo dục xuống cấp ở Italy đã được mở ra và thu hút hơn 50 nghìn người tham gia, buộc chính phủ và Quốc hội phải vào cuộc, thì một số nghị sĩ lại cho rằng, không thể biến các nhà trẻ thành một show diễn truyền hình thực tế, vì vi phạm quyền riêng tư trong một môi trường sư phạm.
Cuộc tranh luận đến giờ vẫn chưa có hồi kết, nhưng có một sự thật mà các bậc cha mẹ Ý đều đã nhận ra: dù nền giáo dục nước này được đánh giá là khá trên thế giới, nhưng nó có quá nhiều lỗ hổng về đạo đức và quản lí. Và nữa, chưa bao giờ con cái họ bị đe dọa đến thế ở trường, ngoài xã hội, hoặc trên mạng internet.
Còn tại Hà Nội,đầu tuần này, sự chú ý của dư luận đang đổ dồn về vụ việc ở trường mầm non Sen Vàng (quận Hai Bà Trưng), khi một cô giáo vừa bị phát hiện dùng dép quật vào đầu trẻ.
Ảnh cắt từ clip
Câu chuyện ở Ý xa xôi và câu chuyện bạo hành mới rồi ở Hà Nội thực ra không khác nhau. Camera và sau đó, mạng xã hội, đã đưa ra ánh sáng một thực trạng đau lòng đang xảy ra trong các trường học. Đấy không còn là nơi an toàn cho con cái chúng ta nữa, nhưng mọi biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoặc trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa với những kẻ bạo hành thực ra chưa bao giờ là đủ.
Trường học không phải là nơi gửi trẻ, giống như ta gửi một cái xe ô tô. Gia đình vẫn luôn phải là nơi nương náu tốt nhất cho trẻ, là nơi nuôi dưỡng tâm hồn trẻ và bảo vệ chúng trong cuộc đời. Những người mẹ người cha tốt phải là những người gần gũi và thấu hiểu nhất đứa trẻ của họ, và dù không phải là kiểm soát chúng bằng mệnh lệnh hoặc các quy tắc quá chặt chẽ, phải có cách để hiểu được điều gì đã xảy ra với chúng ở trường hoặc ngoài đời.
Một chấn động nhẹ về tâm lí, một sự thay đổi về chính kiến, những hành động khác thường, dù chỉ là nhỏ nhất, cũng rất đáng để các cha mẹ lưu tâm và phát hiện những điều không ổn với chúng, không chỉ vì vấn đề học hành. Đôi khi, muộn vẫn còn hơn không.
Camera học đường và các biện pháp mạnh mẽ nhằm trừng phạt những kẻ đánh trẻ có thể làm giảm nhẹ tình trạng bạo lực đối với con trẻ, nhưng chúng không thể thay thế nổi cha mẹ trong việc chăm sóc con về vật chất và tinh thần mỗi ngày. Chiếc smartphone cũng thế. Nó không thể thay thế người mẹ hay người cha trong việc trò chuyện hoặc chơi với chúng, kể cho chúng nghe những câu chuyện trước khi đi ngủ.
Gia đình phải là ngôi trường đầu tiên của con cái chúng ta.
Trương Anh Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất