04/10/2016 07:41 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hoàn toàn chia sẻ nỗi bức xúc của mọi người khi “bún chửi” Ngô Sĩ Liên lên CNN. Cũng không có gì khó hiểu khi kênh truyền hình này chọn “bún chửi” như một đặc sản ẩm thực của Hà Nội để giới thiệu. Bởi đơn giản CNN cũng là… báo chí, mà báo chí thì bao giờ cũng thích… những thứ giật gân, câu khách. Cho nên chưa biết chừng, sau bún chửi đến lượt… cháo quát lên CNN.
Liệu đó có phải là một thứ “quái thai” trong văn hóa giao tiếp của người Hà Nội? Liệu đó có phải một minh chứng rằng người Hà Nội sẵn sàng chấp nhận bị chửi, bị quát chỉ để được một suất ăn ngon? Liệu có phải là một thứ “văn hóa nhẫn nhịn” như người ta nói?
Đầu bếp trứ danh Anthony Bourdain khi nói về bún chửi cũng “nâng” nó lên một tầm… văn hóa, rằng đây là cách “giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng của bà". "Món chửi của bà chủ quán cũng là thực đơn của quán ăn này".
Nhưng tôi không tin như vậy.
Hình ảnh bà chủ quán bún trên kênh CNN
Bún chửi, cháo quát vốn không phải là một phong cách phục vụ mà chủ quán cố ý tạo ra để thu hút mọi người đến ăn. Mà đơn giản, đó chỉ là tính cách cá nhân của hai bà bán hàng… Nhiều người khó chịu, nhưng nhiều người cũng chấp nhận sự “ngang ngược”, “sỗ sàng” đó.
Thiết nghĩ, trong cuộc sống cũng không phải là điều gì quá ngược đời khi ta chấp nhận tính cách trái khoáy của một ai đó, nhất là khi người ta xuê xoa nghĩ rằng, cái bà chủ tuy hay “quát”, “chửi” ầm ĩ như thế, nhưng…bản chất là người tử tế. Có tử tế thì đồ ăn mới thực chất mà giá cả lại phải chăng.
Những người là khách quen của bún chửi, cháo quát đều xác nhận rằng, chủ quán không “nặng lời” với tất cả mọi người, mà chỉ sỗ sàng với những vị khách mới, chưa nắm được “luật” và “lệ” ở quán, nên cứ hỏi đi hỏi lại, tạo cớ cho bà ta “nổi xung”…
****
Thời đại kinh tế thị trường, “văn hóa quán xá” Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Ta không nên lấy hai trường hợp cá biệt là “bún chửi, cháo quát” để quy kết về thái độ phục vụ nói chung của những người bán hàng ở Hà Nội, mà nên coi đó chỉ là thói tật khó sửa của hai người phụ nữ. Họ cũng đã lớn tuổi rồi, “cây già khó uốn”, cho nên trừ phi, tự bản thân họ thấy xấu hổ về lời ăn tiếng nói của mình thì may ra bún chửi, cháo quát mới hết.
Nghe đồn là hai quán hàng này, sau khi bị dư luận phản ứng cũng đã bớt chửi và quát đi nhiều mà chuyển sang… chì chiết, mát mẻ.
***
Bỏ qua chuyện bún chửi, cháo quát mang tính cá biệt, công bằng mà nói, so với nhiều địa phương, thì mức độ phục vụ của đa số quán xá ở Hà Nội, nhất là hàng quán bình dân, không được tốt cho lắm. Và điều đó, theo tôi, không xuất phát từ cái gọi là “văn hóa” hay “tính cách”, mà xuất phát từ yếu tố kinh tế.
Nếu như ở nhiều nơi, khách được phục vụ chu đáo từ khâu gửi xe (và phải trả tiền riêng), khâu phục vụ (phải trả tiền típ, tiền bo) thì ở Hà Nội, đa số việc phục vụ bưng bê, gửi xe, dắt xe là miễn phí, hay nói chính xác hơn là tính cả vào giá bán, cho nên để hạ giá thành, các ông bà chủ thường cắt giảm tối đa nhân viên, khiến cho hàng quán thường xuyên quá tải, nhất là lúc đông khách.
Khi sự phục vụ đã không đến nơi đến chốn thì cả hai bên (người phục vụ và khách) dễ rơi vào trạng thái căng thẳng.
Để cải thiện điều này, theo tôi không chỉ xây dựng văn hóa bán hàng (hay nói nôm na là văn hóa chiều khách), mà còn phải xây dựng cả chiều ngược lại: văn hóa mua hàng. Thử quan sát ở một quán bia hay một nhà hàng đang đông khách, bạn sẽ thấy rất nhiều các thượng đế ồn ào, to tiếng, quát tháo nhân viên từ lúc… bước chân vào nhà hàng cho đến lúc đứng dậy trả tiền.
Nhà hàng thì phải phục vụ khách - đương nhiên rồi - nhưng khách đến trước thì sẽ được phục vụ trước, khách đến sau đương nhiên phải chờ đợi mới đến lượt mình, đó là văn hóa xếp hàng, và đó cũng là sự công bằng giữa các thượng đế với nhau. Còn nếu như bạn muốn được phục vụ riêng, thì bạn hãy vào nhà hàng của khách sạn 5 sao. Tiền mức nào thì sự phục vụ ở mức đấy.
Văn hóa giao tiếp nơi quán hàng phải đến từ cả hai phía. Hà Nội chỉ có một bún chửi, một cháo quát nhưng có vô vàn những vị khách “quát” và “chửi” loạn xà ngầu từ nhân viên đến ông bà chủ, chỉ vì… một cốc bia, một món ăn chậm được bưng ra.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất