Cấm chửi bậy ở chung cư: 'Hành chính hóa' văn hóa là bất khả?

05/04/2016 06:33 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sẽ thật lý tưởng, nếu các chung cư trong đô thị không hề xuất hiện một tiếng chửi bậy giữa các hộ gia đình, hoặc giữa các thành viên trong một gia đình với nhau. Thế nhưng, từ ngày 2/4 tới, điều ấy có xảy ra, với thông tư mới của Bộ xây dựng?

Cụ thể, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 02 của Bộ Xây dựng về quản lý, sử dụng nhà chung cư có hiệu lực từ 2/4/2016.

Theo đó, trong danh sách 12 hành vi bị liệt vào diện “cấm” tại nhà chung cư, hành vi được nhấn mạnh hàng đầu là “gây mất an ninh, trật tự, nói tục, chửi bậy, sử dụng truyền hình, truyền thanh hoặc thiết bị phát ra âm thanh ồn ào làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của chủ sở hữu, người sử dụng nhà”.

Một số chuyên gia về luật, giáo dục và ngôn ngữ đã cùng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về vấn đề này.

PGS-TS Văn Như Cương: Bất khả thi!

PGS-TS Văn Như Cương người lâu năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, ông cũng có thời gian dài sống tập thể chia sẻ: Tôi thấy việc phạt cấm nói tục chửi bậy là bất khả thi. Vì số lượng người có hành vi này trong xã hội rất đông.

Trong khi, tôi vẫn chưa rõ đâu là lực lượng có quyền thực thi việc xử phạt? Đơn vị nào đủ liêm chính và năng lực thực thi việc phạt nói tục, chửi bậy mang tính “lời nói gió bay”?  


PGS-TS Văn Như Cương

Nên nhớ, nếu Thông tư ban hành mà không đi vào đời sống sẽ dẫn tới hệ lụy khinh nhờn tính nghiêm minh của pháp luật. Chúng ta cũng đã luật hóa việc cấm hút thuốc nơi công cộng.

Kết quả là luật “chết yểu” trên giấy. Trong khi đó, tôi đã từng chứng kiến cảnh sát Trung Quốc truy đuổi một người lái taxi hàng cây số vì anh ta ném đót thuốc trên phố. Khi bắt được người này, cảnh sát yêu cầu anh ta quay xe, nhặt đót thuốc và phạt. Tức là, người ta thực hiện rất nghiêm minh những gì pháp luật đề ra chứ không soạn luật rồi để đấy.

Theo tôi, “hành chính hóa” một cách chi tiết hành vi mang tính văn hóa ứng xử là lựa chọn dễ nhất cho các cơ quan quản lý nhưng không phải tốt nhất và hiệu quả nhất. Căn cốt của vấn đề phải là giáo dục. Người ta chỉ ngưng nói tục chửi bậy khi  người ta coi đó là đáng xấu hổ, vô văn hóa. Còn nghĩ rằng phạt để răn đe người nói tục, chửi bậy mà người ta không phục thì chỉ làm phát sinh những cách lách luật hoặc không chửi bậy khi… có lực lượng chức năng…

Bên cạnh đó, tạo môi trường văn hóa cũng là một giải pháp cần làm. Tôi đã từng ngạc nhiên khi các em học sinh không bao giờ nói tục, chửi bậy một câu trong giờ học lại nói tục, chửi bậy khi ra khỏi trường.

Quan sát kỹ hơn, tôi thấy, trường học đã tạo môi trường văn hóa, dần dà dựng thói quen “nói sạch” trong giờ học, tại nhà trường. Ở một nơi không ai nói tục, chửi bậy, thì người làm khác sẽ bị cô lập. Và tôi nghĩ, việc tạo dựng môi trường văn hóa không nói tục chửi bậy là cần thiết và hiệu quả bền vững hơn những hình thức xử phạt.

PGS-TS Phạm Văn Tình: Không nên đánh đồng “nói tục” với “chửi bậy”

PGS-TS Phạm Văn Tình, Phó TBT Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, người nhiều năm theo dõi diễn tiến ngôn ngữ Việt trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): Chúng ta cần phân biệt rạch ròi giữa “nói tục” và  “chửi bậy”. “Nói tục” là hành vi có thể không có đối tượng đích. Đó là những câu nói “đế”, những lời “chửi thề”, “chửi đổng”… Những hành vi này không thể bắt lỗi được vì không xác định đối tượng bị tổn thương.

Còn “chửi bậy” là hành vi xúc phạm người khác có chủ đích. Hành vi này là không thể chấp nhận vì có đối tượng bị tổn thương. Việc quy chuẩn ngôn ngữ thế nào là chửi bậy cũng không phải bất khả thi. Tuy nhiên, pháp luật trọng chứng hơn trọng cung, việc xử phạt (nếu có) sẽ phải có bằng chứng. Mà tìm bằng chứng trong việc chửi bậy là rất khó.


PGS-TS Phạm Văn Tình

Việc lên án nói tục, chửi bậy là cần thiết. Bởi đây là hành vi lệch chuẩn văn hóa. Theo quan sát của tôi, hành vi này đang có xu hướng tăng lên trong xã hội. Nguyên nhân cơ bản do: giáo dục, truyền thông lơi lỏng, sức ép xã hội tăng khiến nhiều người coi nói tục chửi bậy như để xả stress.

Nguy hiểm hơn, nói tục, chửi bậy đang đảo lộn nhiều giá trị trong ngôn ngữ và đạo đức. Các hành vi lệch chuẩn này đang dần trở thành bình thường. Hơn thế, nhiều người (đặc biệt là người trẻ) còn nghĩ rằng nói tục, chửi bậy là… cá tính. Họ muốn phá vỡ những giới hạn chuẩn mực để tạo dựng giá trị mới.

Song, dù có cởi mở với những điều mới mẻ đến đâu, những hành vi lệch chuẩn, đảo lộn trật tự giá trị, chúng ta không thể chấp nhận. Tất nhiên, với cá nhân tôi, việc lên án nói tục, chửi bậy không đồng nghĩa với việc đồng tình với cách ban hành thông tư “luật hóa” hành vi này ở chung cư.   

Luật sư Nguyễn Huy An (Trưởng Văn phòng luật sư Huy An):

Tôi băn khoăn chưa hiểu theo thông tư này, việc vi phạm (nói tục, chửi bậy, bật ti vi quá to…) sẽ bị xử phạt như thế nào, và đâu là cơ quan sẽ trực tiếp đứng ra thi hành việc xử phạt?

Thực tế, vấn đề này từng được nhắc tới trong một số điều luật hoặc nghị định. Chẳng hạn, Luật môi trường và một số nghị định liên quan có điều khoản cấm gây “ô nhiễm tiếng ồn” vượt quá các quy chuẩn cho phép.

Hoặc, liên quan tới vấn đề nói tục chửi bậy,chúng ta cũng có những điều khoản về hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác trong bộ luật Dân sự. Mức xử phạt hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm cá nhân, cũng được quy định gắn với các điều khoản này.


Luật sư Nguyễn Huy An

Nhưng, thực tế cuộc sống luôn đa dạng và có nhiều trường hợp đặc biệt so với luật. Chẳng hạn, khi văng tục theo cách mà dân gian vẫn gọi là “chửi thề” (nghĩa là không hướng về một đối tượng cụ thể), sẽ rất khó để đưa câu chuyện về một mức quy định xử phạt có trong luật. Hoặc, khi chuyện chửi bậy diễn ra ở không gian của một gia đình, chúng ta liệu có nên nghiêm trọng hóa, đưa vấn đề về hành vi “hành hạ, ngược đãi thành viên trong gia đình” để áp đặt mức phạt không?

Có nghĩa, chúng ta cũng không thể áp đặt mọi thứ một cách quá khiên cưỡng. Theo quan điểm của tôi, việc nói tục, chửi bậy, gây ồn… trước hết là câu chuyện thuộc về hành vi văn hóa.

Hành vi ấy chưa nên, thậm chí chưa thể, luôn xử lý bằng các quy phạm pháp luật. Thay vào đó, chúng ta nên nghĩ cách bổ sung, hướng dẫn để các khu chung cư tự xây dựng, tự thực hiện các “quy định mềm” về nếp sông văn minh- giống như các hương ước mà làng quê từng tự đặt ra trong lịch sử.

Tôi tin, trong thời gian tới, vấn đề này sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng đang sống tại các tòa chung cư ở đô thị. Chuyện về văn hóa, về cách ứng xử văn minh… trong một không gian chung như vậy vô cùng quan trọng, bởi đó là những điều trực tiếp ảnh hưởng lên cuộc sống hàng ngày trong cộng đồng. Cùng quan tâm, cùng bàn, chúng ta sẽ tự tìm được những “giải pháp mềm” trên cơ sở dần nâng cao ý thức và văn hóa.

Sơn Tùng – Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link