25/04/2019 07:41 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Gần một tháng qua, cái tên Thành phố Đà Nẵng liên tục được nhắc lại trên mạng xã hội và các mặt báo, khi dư luận nói tới vụ quấy rối bé gái trong thang máy của ông Nguyễn Hữu Linh. Lý do rất đơn giản: “nhân vật chính” từng nhiều năm làm việc và hiện đang sống tại thành phố.
Buồn, tổn thương, phẫn nộ - đó là tâm trạng chung của mỗi công dân Đà Nẵng khi đọc những dòng tin này. Bên cạnh sự bức xúc chung - như những người dân bình thường trên cả nước -, mỗi công dân của Đà Nẵng hẳn có chút chạnh lòng riêng.
Thẳng thắn thì chẳng ai muốn nơi mình đang sống lại liên tục bị “réo tên” theo cách đó.
Và có lẽ cũng vì chút chạnh lòng ấy, người Đà Nẵng chính là những người đầu tiên – và trực tiếp – bày tỏ sự phẫn nộ với ông Linh.
Một làn sóng tẩy chay ông Nguyễn Hữu Linh xuất hiện khắp từ mọi ngõ ngách của thành phố cho tới các trang mạng xã hội của người Đà Nẵng. Họ làm tất cả những gì có thể: từ lên tiếng đòi truy tố thủ phạm, in tờ rơi vạch mặt kẻ quấy rối cho đến kêu gọi các cửa hàng, dịch vụ cùng không đón tiếp nhân vật này.
Và trong cơn phẫn nộ ấy, những cái đầu dễ bốc hỏa còn khiến câu chuyện được đẩy đi quá xa. Nhân danh công lý, nhiều người đã kéo đến nhà ông Linh để biểu thị cơn giận dữ của mình bằng hành động mấy không văn hóa như phun sơn lên cửa hay đổ chất bẩn vào nhà.
Tất nhiên, sự quá khích ấy cũng không thể cảm thông.
***
Từ vụ việc của ông Nguyễn Hữu Linh cũng như những phản ứng quá khích, đây đó đã có những lời chế giễu về cụm từ “thành phố đáng sống” của Đà thành. Và ở hướng ngược lại, không ít công dân Đà nẵng đã tỏ ra bất bình trước sự giễu cợt ấy.
Trần Tuấn, trưởng đại diện khu vực miền Trung và Tây Nguyên của báo Tiền Phong tại Đà Nẵng là một ví dụ. Lớn lên và gắn bó với thành phố này, ông Tuấn không giấu nổi sự bực mình khi trò chuyện cùng người viết. Như lời ông, ở Đà Nẵng hay bất kỳ nơi chốn văn minh nào trên thế giới cũng đều có thể tồn tại những “ông Linh”. Và thành phố Đà Nẵng có đáng sống đến mức nào, cũng không tránh được việc có những công dân như vậy.
“Nên ai đó nhân vụ ông Linh mà quy kết “thành phố đáng sống” để giễu cợt, theo tôi là điều thiếu nghiêm túc” – ông nói thêm – “Dưới góc độ nào đó, Đà Nẵng cũng là nạn nhân của công dân này”.
***
Có lẽ, vụ việc của ông Linh đã khiến dư luận phần nào quên đi những điều tốt đẹp vẫn đang diễn ra hàng ngày bên sông Hàn.
Tủ bánh mì miễn phí trên đường Quang Trung vẫn ngày qua ngày được lấp đầy những ổ mì nóng hổi. Những bình nước miễn phí mát lạnh được đặt trên vỉa hè nhiều tuyến đường mời người đi đường giải khát. Lớp học kỹ năng sống miễn phí tại trường THPT Nguyễn Huệ vẫn được tổ chức hằng tuần cho các em nhỏ. Rồi gần nhất, một dự án lấn sông Hàn để xây dựng đã được lãnh đạo thành phố tạm đình chỉ, trước những phản biện của người dân thành phố.
Sẽ là chủ quan, thiếu công bằng khi chỉ nhìn về một vụ tệ nạn mà nhiều người quên mất đi sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền và người dân thành phố này trong nhiều năm qua. Tệ nạn vẫn tồn tại xung quanh chúng ta, nhưng chắc chắn, những điều tốt đẹp vẫn xuất hiện một ngày.
Đà Nẵng không thể xấu đi chỉ vì những con người như ông Nguyễn Hữu Linh.
Hoàng Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất