14/03/2020 11:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Câu chuyện về những trường hợp bị nghi ngờ khai báo gian dối hoặc không chấp hành nghiêm túc việc cách ly đang làm nóng cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam những ngày này. Những việc làm đó khiến tôi nghĩ về một vấn đề căn bản trong cuộc sống. Đó là nguyên tắc sống.
Sophia có biết không?
Trong thế giới của chúng tôi, để hướng tới sự bình an, hạnh phúc, vươn tới sự văn minh, chúng tôi luôn tìm kiếm và đưa ra những điều kiện cần thiết để áp dụng vào cuộc sống. Cùng nhau làm những điều “nên làm” và tránh những điều “không nên làm”. Mọi người gọi đó là những “nguyên tắc sống”.
Nguyên tắc thì có những cái có trong văn bản đã ban hành, nhưng cũng có những nguyên tắc “bất thành văn”. Điều này còn phụ thuộc vào văn hóa từng quốc gia, vùng miền. Và trong cuộc sống cũng có người sống có nguyên tắc, đặt mình vào những khuôn khổ đúng đắn để hoàn thiện bản thân. Nhưng cũng không ít người bất chấp nguyên tắc, chỉ thích sống và làm việc theo cảm tính của mình, bất chấp hậu quả.
Cho dù có thích hay không thích nguyên tắc, chắc Sophia cũng sẽ thống nhất với tôi rằng: Nguyên tắc chính là thước đo kỷ luật của con người, đánh giá được văn minh của một quốc gia.
Có rất nhiều nguyên tắc trong cuộc sống ngày nay mà chúng tôi phải tuân thủ hoặc là áp dụng vào công việc hàng ngày. Nhưng tôi thích nguyên tắc 10/10/10 của một nhà bình luận, cựu biên tập viên của Harvard Business Review và đồng thời cũng là một người mẹ - bà Suzy Welch. Nguyên tắc 10/10/10 của bà giúp chúng ta cân bằng giữa công việc bận rộn của mình với gia đình. Nội dung chính của nó là: Trước khi đưa ra quyết định hãy nhấn nút tạm dừng và tự hỏi bản thân ba câu hỏi sau:
1. Sau 10 phút chúng ta cảm thấy thế nào về quyết định của mình? 2. Sau 10 tháng thì sao? Và câu số 3. Sau 10 năm thì thế nào?
Ba khung thời gian này buộc chúng ta phải nhìn nhận và suy nghĩ lại quyết định của mình. Nguyên tắc này như một công cụ gỡ rối khi phải đối mặt với các tình huống khó khăn trong cuộc sống.
Giờ chúng ta thử áp dụng nguyên tắc này vào chuyện khai báo không trung thực về tình trạng sức khoẻ, bệnh dịch của bản thân, hoặc không nghiêm túc chấp hành việc cách ly xem thế nào?
Sau 10 phút, có thể người khai báo gian dối vẫn còn đang thỏa mãn với quyết định của mình. Nhưng nếu người đó chẳng may đã bị mắc bệnh thực sự thì sau 10 phút tiếp xúc gần với thân nhân, bạn bè hay đám đông, thì sẽ sinh ra bao nhiêu F1 rồi F2…? Nếu như đối chiếu với câu hỏi số 2 trong nguyên tắc 10/10/10 nêu trên, thì không cần đến 10 tháng, mà chỉ cần chừng 10 ngày thôi là đã đủ để thấy hậu quả! Với tính chất lây nhiễm của virus Sars-CoV-2 như khuyến cáo của WHO thì có thể hình dung ra ngay được mức độ nguy hiểm trong cộng đồng sẽ như thế nào. Cá nhân nào khi quyết định khai gian, hoặc trốn tránh cách ly có biết rằng mình có thể đang mang “quả bom nổ chậm” trong người không? Hay là “… Đôi khi, họ cố tình không đi theo những nguyên tắc chung để tỏ ra sự khác lạ đặc biệt của mình. Với họ, làm khác người là một loại đẳng cấp. Rồi họ cứ ngang nhiên trễ hẹn, ăn mặc diêm dúa, phát ngôn trịch thượng, hay làm những việc mà người khác phát hoảng…” - điều mà tôi đọc được trong một bài viết về nguyên tắc.
Sophia thân mến!
Nguyên tắc nào thì cũng vậy, cũng đều do con người đặt ra. Trong những cộng đồng xã hội lớn, nhận thức và tập quán có những nét khác nhau cho nên các nguyên tắc cũng sẽ tăng lên. Và cho dù có thích hay không thích thì điều mỗi người cần làm là hãy tôn trọng những “nguyên tắc chung”, đó chính là những chuẩn mực của tổ chức, đoàn thể hay quốc gia. Cụ thể trong trường hợp này là khai báo trung thực và nghiêm túc chấp hành việc phòng dịch theo quy định.
Vẫn biết rằng, mắc phải dịch bệnh Covid-19 là điều không không mong muốn và khi dịch bệnh trở thành “đại dịch”, nó có thể đe dọa bất kỳ ai. Mấu chốt chính ở đây là thái độ sống và cách lựa chọn ứng xử sau khi biết mình bị bệnh dịch.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau!
Quốc Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất