12/03/2020 07:03 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Hai ngày trước (10/3), Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng vừa xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng với một phụ nữ tại đây. Lý do: trên facebook của mình, nhân vật này đã tự ý “sáng tác” và chia sẻ các thông tin sai sự thật rằng chuẩn bị... cách ly cả thành phố Hải Phòng (vì dịch COVID-19).
Đó không phải là trường hợp đầu tiên bị xử phạt vì liên quan tới cơn bão tin nhảm vốn đang tràn ngập trên không gian mạng trong những ngày này. Và rất có thể, cũng không là trường hợp cuối cùng – nếu chúng ta nhìn vào cách mà những thông tin ấy đang xuất hiện và lây lan không kém gì... virusSARS-CoV-2.
Bằng chứng: Trước trường hợp ở Hải Phòng một ngày (ngày 9/3), tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), một phụ nữ khác cũng bị xử phạt 10 triệu đồng, và cũng với “kịch bản” bịa đặt về việc dịch Covid-19 đang lan rộng tại địa phương này. Rồi, trước đó một ngày nữa, đến lượt các cơ quan chức năng tại Lào Cai thông báo xử phạt 4 phụ nữ vì hành vi tương tự.
Nếu tỉ mỉ ngồi đếm những trường hợp như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ mất một lượng thời gian không nhỏ. Lý do: Thống kê hiện tại cho thấy, chỉ riêng với Hà Nội và Lào Cai, hai địa phương này đã lần lượt có 25 và 21 trường hợp bị xử lý sau khi đăng tin sai sự thật về bệnh dịch đang diễn ra. Có nghĩa, liên quan tới virus Covid-19, số người bị xử phạt vì “tin nhảm” còn nhiều hơn cả số bệnh nhân đã và đang được điều trị trên toàn quốc, tính đến thời điểm bài báo này lên khuôn.
Như chia sẻ của nhiều người, sự xuất hiện của vô vàn những “virus tin nhảm” ấy đang khiến cộng đồng mệt mỏi không kém gì so với việc phải đối phó với virus “xịn”. Mệt mỏi vì thêm phần lo lắng, mệt mỏi vì phải tìm đọc những thông tin đa chiều khác để kiểm chứng, và mệt mỏi cả vì phải giải thích, trấn an - và thậm chí, tranh luận - với những người thân đang hoảng hốt bởi loại tin này.
Không khó để giải thích về xuất xứ của các tin nhảm. Chúng có thể là đến từ mục đích câu like, từ dụng ý xấu của người đưa tin, hoặc đơn giản từ là tâm lý thích... giật gân của một số cá nhân.
Nhưng chắc chắn, “virus tin nhảm” không thể bùng nổ và lây lan nhanh đến thế, nếu không có sự tiếp nhận (và chia sẻ, hưởng ứng) một cách dễ dãi của rất nhiều người.
Sự thực, không phải đến bây giờ, câu chuyện “tin nhảm” (fake news) mới xuất hiện trong đời sống của người Việt. Nhưng, trong thời điểm mà đông đảo nhân dân đang nín thở theo dõi thông tin về dịch bệnh từng giờ từng phút thì vấn nạn này lại càng có cơ hội gia tăng bởi những kẻ thiếu ý thức, để rồi khiến nhiều người choáng ngợp và nhiễu loạn trước một biển thông tin khổng lồ.
Có thể hiểu, tâm lý lo lắng trước dịch Covid-19 khiến chúng ta có xu hướng quan tâm và trao đổi về bất cứ mẩu thông tin nào liên quan tới đại dịch này. Nhưng ở một góc độ khác, rõ ràng, cơn bão “tin nhảm” ấy đang mang lại hệ lụy trực tiếp cho chính những người tiếp nhận - trước khi chạm tới cái đích xa hơn là gây rối loạn cho toàn xã hội trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Quả thật, sẽ rất mệt mỏi - nếu các cơ quan chức năng luôn phải đặt trong tình trạng vừa căng mình chống dịch, vừa liên tục tính tới việc xử lý và khắc phục hậu quả của một dòng thác tin nhảm như trong thời gian vừa qua. Và để hạn chế tình trạng ấy, rõ ràng, câu chuyện đang thuộc về phía cộng đồng.
Kiềm chế cảm xúc - cũng như nỗi háo hức được chia sẻ một thông tin giật gân - để có thời thêm chút thời gian suy nghĩ và tìm hiểu thấu đáo, đó là điều cần thiết ở mọi tình huống của cuộc sống đời thường, chứ không chỉ là thời điểm dịch bệnh đang diễn ra.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết định. Đừng biến chúng ta thành những người bạc nhược bởi việc tự nhân lên những nỗi sợ hãi một cách ngớ ngẩn và kém thông minh như thế.
Sơn Tùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất