22/10/2016 07:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trong vụ lùm xùm "2 người đàn ông đánh hội đồng 1 người phụ nữ" ở sân bay gần đây, ngoài 3 nhân vật chính, người ta còn nhắc về một nhân vật khác xuất hiện trong clip về vụ việc.
Hình ảnh đánh phụ nữ ở một nơi công cộng, lại còn ở một môi trường văn minh như ở sân bay vốn đã không thể chấp nhận được. Và anh chàng xuất hiện khiến nhiều người hả dạ.
"Soái ca" áo đen kịp thời xuất hiện giải cứu nữ nhân viên hàng không. Nguồn: VTC
Ngày hôm nay, cộng đồng ai cũng bất ngờ khi nhận được tin anh chàng nọ đang bị treo lơ lửng trên đầu một nguy cơ về việc “gây rối trật tự công cộng”. Trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Hoài Phương, giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc nói nếu xác minh được người ra tay bênh vực nữ tiếp viên hàng không thì sẽ xem xét làm rõ về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Cụ thể: “Theo ông Phương, về tình thì có thể hiểu họ bức xúc khi thấy đàn ông đánh phụ nữ nên can thiệp. Nhưng về lý thì thì việc “ra tay” như vậy dễ dẫn tới vụ đánh lộn lớn nếu bạn bè, người quen của hai bên xông vào đánh nhau.
“Nếu xác minh được, chúng tôi cũng xem xét làm rõ luôn hành khách kia về hành vi gây rối trật tự công cộng. Vụ việc để các cấp có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở quy định pháp luật. Nếu ai cũng ra can thiệp theo cách như vậy thì dễ thành đánh lộn đông người náo loạn địa bàn nhạy cảm như sân bay” - ông Phương nói.
Chưa biết đúng sai thế nào, trách nhiệm đến đâu nhưng việc vài người đàn ông hợp lực tấn công một phụ nữ ở nơi công cộng là không thể chấp nhận được và anh chàng đó đã hành động vì thấy bất bình. Nếu không có anh chàng kia xuất hiện, có lẽ chị nhân viên vẫn đang bị hai kẻ “trông giống đàn ông” kia đánh tiếp.
Vậy ai là người đáng thương nếu anh ta bị xử phạt? Chẳng ai khác ngoài chính chúng ta. Có thứ đạo lý nào lại chĩa mũi dùi về phía người đi bảo vệ và cứu giúp người khác. Nền tảng đạo lý bị phá hoại và không còn vững vàng, thì sẽ ảnh hưởng đến chính chúng ta về sau. Ai dám cứu giúp người gặp nạn khi việc cứu giúp đó có thể làm bằng chứng cho người khác quy tội? Ai dám kêu gọi giúp đỡ khi biết rằng người giúp đỡ mình có thể bị xem xét gây rối trật tự công cộng lơ lửng trên đầu?
Nhưng chắc chắn một điều chúng ta cùng nhìn ra từ vụ việc này, đó là tinh thần cứu giúp người gặp nạn, nhất là khi đó còn là một phụ nữ mất khả năng phản kháng và phòng vệ trước hai người đàn ông. Bất cứ ai có suy nghĩ nếu nhìn thấy cảnh đó cũng đều sẽ muốn làm như anh, nhưng để có bản lĩnh thực sự để làm thì anh vốn đã là một người hơn người.
Như một câu nói Lục Vân Tiên từng nói: “Nhớ câu kiến nghĩa bất vi/ Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”.
Thấy việc nghĩa mà không làm, thấy điều hay lẽ phải mà không thực hiện theo, thấy người gặp nạn mà không cứu, làm người như thế đâu xứng đáng gọi là anh hùng. Và tinh thần của người “anh hùng” tại sân bay của chúng ta, chắc chắn là những điều đáng nể, đáng ngưỡng mộ và học theo.
Để kết lại câu chuyện về một anh chàng có phẩm chất “anh hùng”, người viết lại nhớ tới câu nói: “Thời thế tạo anh hùng”. Kỳ thực chúng ta đâu có muốn nhiều những người anh hùng, chẳng phải điều chúng ta muốn là bình yên sao? Nếu mọi người tôn trọng nhau, cư xử tốt với nhau, thì vốn đâu phải để anh hùng xuất hiện bình thiên hạ làm chi? Âu đó cũng là điều xứng đáng để chúng ta suy ngẫm và bình luận.
HV
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất