Nỗi buồn cử nhân

30/05/2016 08:28 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một năm học nữa khép lại, phần lớn các em học sinh bắt đầu nghỉ hè trước khi bước vào những khóa học thêm. Còn với những em học sinh cuối cấp THPT, họ chuẩn bị cho một lựa chọn bước ngoặt cuộc đời vào đại học, đi học nghề, xin đi làm công nhân hay đi xuất khẩu lao động.

Thực tế đa phần các em nuôi giấc mơ bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng, trở thành sinh viên. Đây không chỉ là ước muốn của các em mà của bố mẹ, ông bà, họ hàng.

Nhưng cũng chỉ cách đây vài hôm, Bộ LĐTB&XH công bố những con số liên quan đến tương lai của các em, không mấy lạc quan. Còn tới hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học đang chiếm tỷ lệ cao. 

Nếu tính theo trình độ đào tạo, thì hơn 190 nghìn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Số người thất nghiệp có trình độ CĐ chuyên nghiệp là hơn 118 nghìn người, 10 nghìn người có trình độ cao đẳng nghề, hàng chục vạn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, sơ cấp nghề... cùng chung cảnh ngộ.


Cử nhân trong ngày tốt nghiệp

Tính sơ, những người tạm coi là có bằng cấp cao hơn bằng giáo dục phổ thông của các em đang không thể nuôi thân là 440 nghìn người.

Ai cũng thấy rằng đòi hỏi về cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao nhất là đại học là hoàn toàn chính đáng. Cứ nhìn kỳ thi quốc gia, kỳ nộp hồ sơ tuyển sinh thì biết, ở các thành phố hàng vạn con người tay xách nách mang trong một cuộc di cư lớn để chạm vào giấc mơ đại học với tất cả sự lo lắng lẫn niềm tự hào ngấm ngầm về tương lai xán lạn.

Tuy nhiên, có một thực tế, “phổ cập” đại học đã khiến bằng cử nhân không còn là của hiếm, do đó không tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh khi xin việc. Sau thời kỳ bùng nổ đại học, ồ ạt mở trường, mở ngành, mở các hệ đào tạo tại chức, chuyên tu, từ xa... lạm phát bằng cấp là hiện tượng vẫn đang tiếp diễn và bộc lộ hậu quả. Không ai có thể mở rộng cơ hội tiếp cận đại học cho tất cả mọi người mà vẫn muốn duy trì lợi thế của những người có bằng cấp, nhất là khi cung vượt quá cầu.

Cũng có người cho rằng, người thất nghiệp đa số đều kém nên không xin được việc làm. Quan niệm đó không hẳn sai, nhưng vấn đề ở chỗ nhiều người kém vẫn không thất nghiệp, vẫn có việc làm, thậm chí vị trí tốt. Như thông tin tỉ lệ công chức, viên chức cắp ô đi - về từng được công khai đề cập trên báo chí...

Đến đây, lại nhớ chủ trương “Học là học có nghề có nghiệp” trong Bài ca cổ động thực học của trường Đông Kinh nghĩa thục từ trăm năm trước. Các sĩ phu cấp tiến đã mạnh dạn gạt bỏ con đường tiến thân duy nhất nhờ khoa cử, theo lối tầm chương trích cú. Những người Đông Kinh nghĩa thục đã nhìn ra một con đường giáo dục tiên tiến, hợp xu hướng thời đại mới, “Học là học có nghề có nghiệp”. Tiếc rằng, Đông Kinh nghĩa thục tồn tại chưa được… 1 năm.

Tôi không rõ các em là “nạn nhân” hay “đồng phạm” trong “vụ án” thất nghiệp diện rộng này. Nhưng có một điều, các em có thể thay đổi. Có việc làm không đồng nghĩa với làm “thầy”, làm viên chức, nhân viên văn phòng.

Hãy nghĩ đến một việc làm để nuôi thân, đỡ gánh nặng gia đình trước khi đòi hỏi xã hội “tạo cơ hội” cho mình.

Những khu công nghiệp, khu chế xuất, những xưởng may cần công nhân, nhà hàng, tiệm ăn cần phục vụ.... Vấn đề là bạn có cần lao động?

Hãy làm việc, kiếm tiền rồi cơ hội sẽ tới. Dĩ nhiên cơ hội không chia đều tất cả nhưng nếu không làm việc thì chẳng có cơ hội nào cả.

Hãy thay đổi dù có phải “giấu bằng” chờ thời đi làm thợ xây, xe ôm giống mấy câu thơ vẫn tràn lan trên mạng: Lập Trình chẳng đến nỗi thừa/ Chuyên cài win dạo, muối dưa qua ngày/ Loanh quanh gặp chú thợ xây/ Thì ra Xây Dựng ở đây nằm vùng/ Ngoại Thương quần ngố đóng thùng/ Bán hàng qua mạng tự cung tự cầu/ Cơ Khí chả dám làu bàu/ Sửa xe, bơm nhớt, hút dầu... kiếm thêm.

Như thế còn hơn mãi là những “em bé 22 tuổi” để xã hội, gia đình cho “bú mớm” và “bồng bế”.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link