13/04/2017 19:35 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Đã được 1 tuần kể từ khi Đền Ngọc Sơn triển khai việc cho những du khách ăn mặc hở hang, không phù hợp với chốn linh thiêng mượn áo choàng được dư luận quan tâm.
Theo khảo sát, trung bình mỗi một giờ có khoảng 30 – 40 lượt khách được yêu cầu mượn áo choàng để vào thăm viếng Đền Ngọc Sơn. Trong đó, khoảng 80% là du khách nước ngoài với cách ăn mặc khá... mát mẻ.
Qua theo dõi, tìm hiểu của Thể thao & Văn hóa, ban đầu, nhiều du khách lấy làm ngạc nhiên nhưng khi hiểu ra đều vui vẻ làm theo yêu cầu của ban quản lý.
Một nữ du khách nước ngoài khá vui vẻ khi khoác áo choàng vào thăm Đền Ngọc Sơn
Nhiều du khách cho rằng, việc Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội triển khai cho du khách mặc quần áo không phù hợp mượn miễn phí áo choàng vào tham quan di tích đền Ngọc Sơn là một tín hiệu tích cực. Cùng với Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch lần đầu tiên được Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch ban hành vào tháng 3 vừa qua, và hành động tương tự đã được triển khai tại chùa Linh Ứng (Đà Nẵng), cho thấy một sự quan tâm sâu sắc hơn từ các cấp quản lý đến vấn nạn đã lâu mà chưa được “chữa trị” này.
Cần cả chế tài lẫn áo choàng
PGS-TS Phạm Bích San, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Tư vấn phát triển cho rằng: “Mỗi quốc gia, dân tộc và khu vực đều có những đặc điểm văn hóa và phong tục tập quán riêng, đòi hỏi mỗi du khách ghé thăm phải “nhập gia tùy tục”. Vấn đề đặt ra là sự cân bằng giữa các biện pháp bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc ấy với việc phát triển du lịch quốc gia. Làm sao để du khách biết, hiểu và không “phật ý”. Điều này cần sự học tập từ các quốc gia bạn bè trong cách hành động cứng rắn, mạnh mẽ, tạo nên chuẩn mực bắt buộc cho cả du khách trong và ngoài nước.”
Ông San dẫn chứng, tại thành phố Vatican, “trái tim” của Thiên Chúa Giáo, du khách không được mặc quần sooc và tránh lộ vai trần. Những thánh đường Hồi giáo đều có quy định nam giới không mặc áo phông hay quần sooc, nữ giới mặc áo choàng rộng Abaya và khăn trùm đầu. Cả Lào, Thái Lan, Malaysia và Campuchia đều có quy định phạt rất nặng đối với du khách cố tình vi phạm quy định về trang phục trên đường phố, thậm chí sẵn sàng trục xuất nếu du khách ấy vẫn không chịu hợp tác. Với sự quyết liệt đó, họ đã tạo nên những “Bộ quy tắc ứng xử văn hóa bắt buộc” cho chính mình, đồng thời đảm bảo rất tốt việc thực hiện.
Áo choàng được phát miễn phí ngay tại trạm bán vé ngay Cầu Thê Húc
Chúng ta đã có Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch lần đầu tiên, đó là dấu hiệu tích cực. Nhưng có luật pháp, tức là cần có chế tài đủ mạnh để đảm bảo thực hiện. Chúng ta đã nói rất nhiều về những hình ảnh trang phục phản cảm nơi tôn nghiêm tràn lan trên internet, nhưng ngược lại thông tin về các vụ xử lý thì chẳng đáng là bao. Và Bộ quy tắc ứng xử, từ khi ra đời liệu đã tạo nên sự thay đổi gì cho vấn nạn trên, hay vẫn chỉ như những “lời răn” đầy lý thuyết?
Còn nhớ, vụ 2 nữ du khách thoải mái mặc bikini tắm nắng bên bờ hồ Hoàn Kiếm vào đầu tháng 4 vừa qua, có thể do sự khác biệt về văn hóa, nhưng rõ ràng đã vi phạm nghiêm trọng đến Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch của chúng ta. Cách xử lý đơn thuần nhắc nhở của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm, thậm chí không có sự vào cuộc của các cấp cao hơn, hay bất kì hình thức xử phạt nào, liệu có đảm bảo tính răn đe nhắc nhở đối với những vị khách “vô tư” khác?
Rõ ràng, chúng ta phải học hỏi nhiều bạn bè quốc tế trong việc xây dựng những chế tài cứng rắn, các “Bộ quy tắc ứng xử bắt buộc”. Đó không chỉ là nguyên tắc “nhập gia tùy tục” áp dụng với người nước ngoài, mà phải hướng đến cả những người Việt Nam “tại gia tùy tục”, những người con phần nào đã và đang lãng quên giá trị văn hóa nền tảng của dân tộc. Và chính những quy tắc ấy, vừa bảo vệ nét văn hóa dân tộc, vừa tạo nên điểm độc đáo cho du lịch quốc gia.
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất