22/01/2020 09:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Có một người Hà Nội gốc gần 40 năm qua miệt mài với những công trình nghiên cứu, dịch thuật về Thăng Long – Hà Nội, rộng ra là văn hóa Việt Nam. Đó chính là PGS-TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, tác giả Thăng Long - Hà Nội trong mắt một người Hà Nội.
Tại căn nhà cổ hơn 100 tuổi (ở Phố Huế, Hà Nội), vị giáo sư với vẻ lịch lãm và phong thái “rất Hà Nội”, kể những câu chuyện về Tết Hà Nội, Tết Việt Nam xưa và nay với nhiều trăn trở, suy tư.
Theo ông, một cái Tết chuẩn mực là cái Tết truyền thống xoáy vào trung tâm mà hạt nhân là gia đình. Tết là dành cho gia đình, sau đó mở rộng ra là họ hàng, người thân, bạn bè. Tết là khoảng thời gian, để mỗi người tự suy xét lại mình, “vun tưới” cho các mối quan hệ tốt đẹp. Cuộc sống hiện đại khiến gia đình, con cháu, bố mẹ, ông bà, đâu thể gặp nhau thường xuyên, vậy Tết chính là thời gian để mỗi người bồi dưỡng về mặt quan hệ tình cảm trong mối liên kết gia đình.
Thông thường để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người Hà Nội chuẩn bị trong một thời gian rất dài, bắt đầu tất bật là từ ngày tết ông Công, ông Táo. Riêng về chuyện sắm sửa, người Hà Nội rất kỹ trong việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Trong nhà thường treo tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống. Người Hà Nội chuẩn bị các loại hoa Tết, trong đó có việc chăm sóc, tỉa gọt những giò thủy tiên. Đặc biệt, cây nêu làm bằng cành tre được trồng trước nhà mang nhiều ý nghĩa trong ngày Tết, trước hết là để ngăn ngừa tà ma, những điều xấu, sau đó là treo những chùm quả lộc như món quà tặng của năm mới.
Người Hà Nội hay người Việt không chỉ có ăn Tết mà còn chơi Tết. “Sau ăn là chơi, vui chơi thì có những thú vui thanh nhã có thể kể đến như các cụ già thả thơ, xem hoa nở cho đến những trò vui ở ngoài đường phố, kể cả những trò chơi may rủi, sát phạt…” – ông nói.
PGS-TS-NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ sinh năm 1937, tại phố Hàng Cót, quận Ba Đình, quê gốc làng Hạ Đình (nay thuộc quận Thanh Xuân), mẹ người làng La Phù (Hà Tây cũ). Sinh ra và lớn lên giữa “không gian lõi” của Hà Nội nghìn xưa, nhưng câu chuyện Tết của ông đâu chỉ dừng lại ở những nét được “tô hồng”…
Quả vậy, sắm sửa, ăn uống linh đình sẽ trở thành hoang phí, quá ham mê trò cờ bạc cũng trở thành tiêu cực trong ngày Tết hay chuyện lễ bái mà làm quá lên cũng sẽ trở thành mê tín. Một bộ phận khác dùng Tết để có dịp khoe của, những người có quan hệ dùng Tết để củng cố vị trí của mình. Chuyện này thấy rõ ở việc mừng tuổi hay biếu quà Tết, có những túi quà để những gói tiền rất lớn đã mà mất đi những giá trị nguyên bản của phong tục ngày Tết.
Ông cho rằng cần giữ tinh thần, hồn cốt của truyền thống chứ không phải ôm cả một mớ truyền thống không chọn lọc, phân biệt. Phải có sự đổi mới từ chính không gian bên trong từng con người. Để Tết hay những giá trị văn hóa nói chung có thể sống được trong đời sống hiện đại thì nên giữ lại những giá trị thuộc hồn cốt của bản sắc dân tộc nhưng đồng thời phải thuận thời, thuận thiên mà theo thời đại và theo xu thế chung của thế giới toàn cầu, cân bằng được truyền thống và hiện đại, giữ được cái “thực” xứng hợp với cái “danh”.
Nhìn lại một năm “song hỷ lâm môn”, vừa được nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, vừa được trao tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2019, ông vẫn khiêm tốn: “Đó là một sự vinh dự, sự trân trọng mà tôi nhận được, để có được như vậy không chỉ mình tôi mà còn cần có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, học trò, đồng nghiệp và cả những phương tiện như Internet. Tôi nghĩ đó chỉ mới là những khởi đầu vươn tới. Còn đối với danh hiệu Công dân ưu tú, tôi nghĩ đó là công dân hướng đến sự ưu tú, chứ không ai là hoàn thiện, hoàn mỹ. Không nên viễn tưởng về cái vinh dự đó mà cần tự đổi mới trong tâm hồn và định hướng đến sự ưu tú để cái “thực” xứng với cái “danh”. Tôi cũng hi vọng rằng điều đó không chỉ của riêng tôi mà cả xã hội chúng ta đều như vậy” – vị giáo sự bộc bạch.
Công Bắc
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất