18/03/2016 11:39 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, việc hoa hậu Kỳ Duyên bị ghép ảnh vào bìa đĩa sex trở thành chủ đề bàn tán chính của cư dân trên mạng xã hội cũng như các cư dân ở quán trà đá. Bộ VH, TT& DL cùng BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam- báo Tiền Phong cũng thể hiện quan điểm bảo vệ Kỳ Duyên.
Đến thời điểm hiện tại, những tấm hình ghép ác ý nhắm vào hoa hậu Kỳ Duyên vẫn chưa được xác định chính thức là từ phía Nhật Bản hay trò đùa ác của cư dân mạng Việt. Bên cạnh những lời cảm thông, ủng hộ, Kỳ Duyên cũng nhận không ít những lời chỉ trích.Ví như: Kỳ Duyên không biết giữ hình ảnh của mình khi chụp tấm hình sexy quảng cáo cho một thương hiệu đệm; Kỳ Duyên “kém duyên” với vì ngủ không đẹp trên máy bay để người khác chụp trộm; Kỳ Duyên cũng “thiếu khôn ngoan” khi chụp hình thân mật với GS. Vũ Khiêu… Vô vàn lý do chỉ để chứng minh cho luận thuyết: Kỳ Duyên có một phần lỗi trong việc cô bị ghép hình lên poster khiêu dâm!
Trong các cuộc tranh cãi ồn ào, nhiều người đã đề cập tới chuyện Kỳ Duyên đại diện cho phụ nữ Việt. Nên, cô cần cẩn trọng trong từng cử chỉ nhỏ để “không ảnh hưởng tới hình ảnh người phụ nữ Việt Nam”. Thực tế, Kỳ Duyên là điển hình về việc chịu đựng những bất công của phụ nữ trên dải đất vẫn còn quá nặng thành kiến Nho giáo này.
Và Kỳ Duyên cũng như bao phụ nữ khác đang phải chịu hội chứng “Victim-blaming” (đổ lỗi cho nạn nhân). Thuật ngữ tâm lý học này thường được dùng trong xã hội bất bình đẳng nam nữ. Theo đó, cộng đồng có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân thay vì che chở họ.
Có vô vàn ví dụ trong đời sống thường nhật và hiển hiện bằng các dòng comment trên mạng xã hội. Một cặp vợ chồng ly hôn vì anh chồng cặp bồ: nhiều quan điểm hướng về việc người phụ nữ không biết chăm lo gia đình để anh chồng sa ngã. Phụ nữ bị quấy rối tập thể khi công viên nước Hồ Tây “vỡ trận”: “Tại sao lại mặc bikini vào đám đông hỗn loạn?”…
Thực tế, trong một xã hội thượng tôn pháp luật, Kỳ Duyên cũng như những người phụ nữ có quyền làm những điều pháp luật không cấm. Với tư cách hoa hậu, Kỳ Duyên mặc đồ ngủ gợi cảm (chứ không phản cảm) không có gì sai với quy định về nghĩa vụ sau khi được giải của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Nó càng không trái pháp luật. Kỳ Duyên cũng không sai khi cô ngủ “không đẹp” và bị chụp trộm.
Còn hình ảnh GS. Vũ Khiêu hôn cô cũng không thái quá. Bởi, “phản cảm” không phải ở má hồng cô hoa hậu mà nằm trong đầu óc những kẻ bệnh hoạn! Những người phụ nữ Việt cũng vậy, họ không có lỗi trong việc mặc bikini đi bơi. Họ càng không đáng bị “buộc tội” nếu như chồng cặp bồ.
Hệ quả của điều này, cái ác được bao bọc bởi tấm màn dư luận. Và, trong tấn kịch cuộc đời, kẻ phản diện được cộng đồng vô hình che đậy. Người chính diện bị cáo buộc phản diện.
Luật nhân quả của thành ngữ “không có lửa làm sao có khói” cũng bị bóp méo. Bởi, thay vì coi hành động xấu xa là “khói” và sự trừng phạt là “lửa” thì nạn nhân trở thành “khói” còn hành động tội lỗi là “lửa”. Nó tạo lên một vòng tròn luẩn quẩn của bất công, dung dưỡng cái xấu, gieo mầm cái ác…
Ngày 8/3 vừa qua, khắp nơi xuất hiện những lời tụng ca phái nữ. Hoa dành cho phụ nữ rải khắp các công sở, ra tận đường phố, ngập cả xe rác. Hoa đủ màu sắc, chất liệu, kể cả vàng ròng được những người phụ nữ hân hoan khoe lên Facebook.
Nhưng, những đóa hoa và những lời tụng ca đầu môi chót lưỡi không đủ khỏa lấp những định kiến giới vẫn còn quá nặng nề trong tâm thức nơi đây.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất