07/11/2019 06:57 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Diễn ra trong tuần qua, lễ hội múa đương đại quốc tế Xposition’O’ (XPO) đã gây ấn tượng tốt về chuyên môn trong lần đầu tiên đến Việt Nam. Nếu đêm diễn đầu tiên các nghệ sĩ Đỗ Hải Anh, Hà Lộc, Như Ý được các biên đạo và nghệ sĩ quốc tế đánh giá cao về bản sắc cá nhân, thì đem cuối cùng múa đương đại Việt Nam nổi bật bằng sự kết hợp tính dân tộc, sự hoành tráng và các thao tác thể nghiệm.
Và đang nói hơn, ở lễ hội này, những đơn vị hàn lâm, tưởng chừng như “có khoảng cách” với múa đương đại như Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông sen, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM… đã tạo được sự đột phá, sáng tạo.
Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông sen mang đến vở Khát vọng sinh sôi, kết hợp âm nhạc dân tộc và nghệ thuật múa đương đại, lấy cảm hứng từ tín ngưỡng phồn thực.
Nhà hát Nhạc vũ kịch TP.HCM mang đến vở múa đã nổi tiếng là Cà phê Sài Gòn, thể hiện nét văn hóa vỉa hè của thành phố sôi động này. Vở được cắt gọn từ hơn một tiếng xuống 30 phút, nên toàn những mảng miếng được chắt lọc khá ấn tượng.
Công ty múa SCBC Việt Nam thì trình làng vở Balancé do Đỗ Hải Anh và Hà Lộc biên đạo, kết hợp nhiều ngôn ngữ, từ hàn lâm cho đến đường phố, nhằm trả lời câu hỏi làm sao để sống được với đam mê của mình?
Nếu chỉ nhìn ngược lại chừng 5 năm trước, có mơ thì cũng không dám nghĩ XPO đến Việt Nam, chứ đừng nói múa Việt Nam sẽ tạo được sự đột phá về chuyên môn như thế.
***
Nhưng, nói gì thì nói, múa vẫn là lĩnh vực chịu nhiều thiệt thòi và còn bị hiểu sai tại Việt Nam! Mà lý do chính vẫn là chúng ta chưa trang bị đủ cho cộng đồng những kiến thức cơ bản về nghệ thuật múa. Đặc biệt, phê bình múa thì gần như vắng bóng.
Lĩnh vực nào cũng vậy, “không có gì nếu không có phê bình”.
Có một câu chuỵên cũ: năm 1995, vở múa đương đại Hạn hán và cơn mưa của Ea Sola ra mắt tại Việt Nam. Những buổi diễn đầu tiên của vở chỉ nhận được những tràng pháo tay ít ỏi - trong khi trên mặt báo xuất hiện một số ý kiến chê vở diễn thậm tệ. Để rồi, bây giờ, khi nhìn sang những gì mà Ea Sola cũng như Hạn hán và cơn mưa đã nhận được, phải thừa nhận rằng những ý kiến ấy khá ấu trĩ và vội vàng. Và, một trong những lý do chính dẫn tới điều đó chính là việc thiếu nhận thức đúng về múa đương đại, thiếu sự dẫn dắt của phê bình.
Khoảng 5 năm trở lại đây, múa đương đại tại Việt Nam đã bớt bị kì thị, đã có nhiều đất diễn và đất sống hơn. Đây là một tín hiệu tốt. Nỗ lực mang cho được XPO về Việt Nam quả là đáng xúc động. Đó là bước tiến khá dài của múa đương đại Việt Nam trong việc chuyển mình và giao lưu với bên ngoài.
Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn nhận, từ góc độ nhận diện và truyền thông, ngoài sự xúc động và tán thưởng chung chung, cũng khó biết viết gì hơn khi mà khái niệm về múa và múa đương đại còn khá mỏng, thiếu hẳn những ngòi bút đủ sức nhận diện, định vị. Dường như các trường múa cũng chưa tạo ra được những ngòi bút lý luận, phê bình cho ngành của mình. Cho nên xem XPO xong, thấy xúc động, mà muốn khen thì khó khen quá, vì khen chưa chắc đã đúng.
Mà đâu chỉ riêng gì múa, nhiều bộ môn và lĩnh vực nghệ thuật tại Việt Nam cũng đang khá trống vắng hoặc yếu ớt về phê bình, nghiên cứu. Trước đây các bộ môn nghệ thuật tryền thống như chèo, hát tuồng… có nhiều nhà nghiên cứu, phê bình đồng hành, giờ còn khá ít ỏi. Hoặc một ngành rầm rộ như thời trang, phê bình cũng khá yếu ớt, thậm chí vắng bóng. Cho nên việc cấp bách của nhiều ngành nghệ thuật tại Việt Nam không chỉ có việc tìm khán giả, mà còn cả việc tìm các nhà phê bình, các phương tiện phê bình, bởi nói gì thì nói, sẽ “không có gì nếu không có phê bình”.
Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất