13/03/2012 13:03 GMT+7 | Thể thao
(TT&VH) - Tại giải vô địch châu Á nội dung đi bộ 20km vừa diễn ra tại Nhật Bản, VĐV đi bộ Nguyễn Thị Thanh Phúc gây sững sờ giới chuyên môn và người hâm mộ cả nước, khi đoạt HCĐ với thời gian 1h35 phút, phá sâu chuẩn B Olympic đến 2 phút 30 giây. Sau 32 năm chờ đợi, điền kinh VN mới có một chiến công vang dội như vậy. Đường đến vinh quang của Phúc thực sự là một câu chuyện cổ tích đậm suy tư ở địa hạt thể thao.
SÔNG HÀN LẠI ÂM VANG
Chỉ một thời gian ngắn, thể thao Đà Nẵng liên tục đón nhận tin vui. Ngay sau khi có tin Thanh Phúc đoạt tấm vé chính thức dự Olympic 2012 tại nội dung đi bộ với thành tích ấn tượng, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở VH- TT& DL TP.Đà Nẵng. Vốn là người theo sát các hoạt động thể thao của thành phố, Phó GĐ Sở Nguyễn Phúc Linh cho biết: “Chị em VĐV Thanh Phúc, Thành Ngưng đều là những VĐV mà chúng tôi đầu tư từ nhiều năm qua để cạnh tranh huy chương trong nước lẫn quốc tế. Dù biết được ý chí lẫn nghị lực của Thanh Phúc nhưng tôi cũng bất ngờ khi cả 2 chị em lại phá sâu kỷ lục QG đến thế. Thành tích đoạt HCĐ giải châu Á, rồi đoạt tấm vé dự Olympic sau 32 năm chờ đợi, không chỉ rạng danh thể thao Đà Nẵng mà còn cả nền thể thao nước nhà. Ngay trước khi lên đường, lãnh đạo thành phố cũng tin tưởng Thanh Phúc sẽ làm nên chuyện, nhưng không ngờ chiến công ấy lại ngọt ngào đến thế”.
Giải thích cú đột phá ngoạn mục của Thanh Phúc chỉ trong vòng 2 năm qua, từ SEA Games 26 đến giải châu Á, ông Linh cũng cho hay: “Ngay từ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, Thanh Phúc thi đấu không thành công. Cô coi đó là thất bại để rút ra bài học nghiêm túc. Dù bộ môn đi bộ khắc nghiệt và không dễ vượt qua năng lực bản thân, nhưng Thanh Phúc có ý chí và sự bền bỉ đáng kinh ngạc. Tôi nhận thấy Thanh Phúc đã có sự phát triển vượt bậc dưới sự chỉ đạo HLV Trần Anh Hiệp. Nhờ sự chỉ bảo và nghiêm khắc của thầy Hiệp lẫn những người liên quan, Thanh Phúc, Thành Ngưng mới tạo ra sức bật tại ĐH TDTT toàn quốc lần VI, rồi SEA Games 26 và bây giờ là có vé đến London 2012”.
Thanh Phúc (trái) và Thành Ngưng là hạt giống quý của thể thao Đà Nẵng nói riêng
và thể thao VN nói chung. Ảnh: Quang Nhựt
Trong khi ấy, niềm vui cũng bay về với gia đình của Thanh Phúc, Thành Ngưng ngay sau khi chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng đoạt giải cao tại Nhật Bản. Mẹ của Thanh Phúc, bà Nguyễn Thị Hoa, xúc động trả lời khi được hỏi: “Gia đình tôi vốn đông con, khi có đến 7 đứa con. Thanh Phúc là đứa thứ 4 và cũng sớm được các thầy cất nhắc lên tuyển, sau đó thêm Thành Ngưng, Hồng Duyên. Phải nói rằng chúng tôi cũng ngỡ ngàng khi cháu gọi điện thoại từ Nhật Bản về báo Phúc đoạt HCĐ, rồi có vé chính thức đi Thế vận hội. Thành Ngưng tuy không bằng chị, nhưng cũng đứng thứ 6 ở giải. Tôi cũng như cả gia đình đều tự hào lắm, khi cháu lập chiến công cho thể thao Đà Nẵng và nước nhà như thế”.
Riêng cô em gái Nguyễn Thị Hồng Duyên, vốn cũng đang là hạt giống tại nội dung đi bộ của TP.Đà Nẵng, sau 2 người anh chị, lại hóm hỉnh cho biết: “Em cũng bất ngờ lắm khi chị mình lại phá sâu kỷ lục QG và đoạt cả vé dự Olympic London. Quả thực chiến công ấy không phải dễ dàng, nhưng tính tình chị Phúc luôn cứng cỏi, mạnh mẽ hơn người. Có một người chị thành công thế, cũng không dễ cho người đi sau như em. Lúc này, em phải ôn thi cho kỳ thi cuối cấp 12, rồi phải cố gắng để theo kịp chị Phúc, anh Ngưng. Dù thế nào em cũng tự hào với sự thành công của 2 anh chị vừa lập được”.
Riêng ông bố Nguyễn Việt lại trầm tư cho biết: “Cháu nó đoạt được thành công, tôi rất mừng. Nhưng Thanh Phúc, Thành Ngưng cần cố gắng để có thành tích tốt hơn nữa. Thời gian rồi, HLV bơi lội Đà Nẵng cũng xuống nhà muốn đưa cháu út Nguyễn Thị Ánh Tố lên đội bơi thành phố. Dù Anh Tố có tốt chất thể thao, nhưng cả gia đình muốn tạo điều kiện cho cháu học hành, chứ cả gia đình theo thể thao cả thì vất vả quá. Nhưng chúng tôi cũng phải cảm ơn lãnh đạo thành phố, BHL đã giúp cho Thanh Phúc, Thành Ngưng có bước tiến như lúc này”.
SAU TỰ HÀO LÀ…TỦI THÂN
Hôm Thanh Phúc thi đấu ở SEA Games 26, chúng tôi nhớ khi trời Palembang còn mới bắt đầu hửng sáng, khu vực về đích nhiều phóng viên còn chưa kịp có mặt, thì Nguyễn Thị Thanh Phúc đã kết thúc những bước đi thần tốc của mình. Thú thực, cũng chẳng ai ngờ cô gái bé nhỏ được sinh ra tại Đà Nẵng và mới lần đầu tiên dự SEA Games này là người mang về tấm HCV đầu tiên cho điền kinh VN tại Palembang. Nói thế bởi mang tiếng là ĐT nhưng tổ đi bộ chỉ có 3 thầy trò gốc Đà Nẵng, gồm HLV Trần Anh Hiệp và 2 chị em Thanh Phúc, Thành Ngưng. Đi bộ chưa bao giờ được ngành thể thao đầu tư chiều sâu. Ở Sở TDTT Đà Nẵng trước đây, các VĐV đi bộ được coi là “bét bảng” và nhà quê nhất trong môn điền kinh và so với các môn khác. Những buổi chiều trên sân Chi Lăng, khi hội tụ tất cả các “thể loại” VĐV thì hình ảnh mà chúng tôi thường bắt gặp là HLV Trần Anh Hiệp đặt dép ngồi bệt ở khán đài B. Ông gườm gườm nhìn đồng hồ trên tay, sau đó liên tục la hét chỉ đạo học trò. Nhiều khán giả còn chỉ tay về phía chị em Thanh Phúc rồi chọc thầy Hiệp: “Môn này đi lắc mông vui nhỉ”. Hình ảnh cô gái 21 tuổi đội nắng đội gió trên sân Chi Lăng cả chục năm qua, người quắt lại nhưng không được thi đấu giải nào ra trò thấy mà thương. Con gái có thì, có lẽ cực chẳng đã Phúc mới chọn môn này. Gia đình cô cũng chỉ mong ước đơn giản, 3 đứa con của mình thoát ly để có Nhà nước nuôi cơm. Sau khi vô địch SEA Games, Phúc đọc thơ chị sáng tác nghe mà đắng đót: “Nắng Chi Lăng chôn vùi tuổi trẻ/ Những khán đài vùi lấp tuổi thanh xuân/ Nắng Chi Lăng tưng bừng tuổi trẻ/ Những đường chạy rực rỡ thành công”. Chúng tôi biết 2 câu sau em mới ứng tác, nên gieo vần còn khiên cưỡng.
Nhà Phúc có đến 7 anh chị em tại xã miền núi Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. HLV Trần Anh Hiệp trong một lần lên dự hội thao phong trào đã phát hiện ra cô bé nhỏ xíu nhưng có tố chất cừ khôi của người đi bộ. Đấy là sựu bền bỉ lẫn độ dẻo đặc biệt của Phúc. Thấy bà chị đam mê bộ môn này, chú em Nguyễn Thành Ngưng cũng xin phép ba mẹ xuống núi tập đi bộ. 2 chị em hầu như không gặp phải ngăn cản, bởi được thoát ly là niềm hạnh phúc của biết bao ông bố bà mẹ đông con ở huyện Hòa Vang. Với Phúc, và nhiều đứa trẻ ở quê cô, đi bộ là chuyện tự nhiên như cơm ăn, nước uống. Đất nước ta có hàng triệu trẻ em ngày ngày phải đi bộ với quãng đường cực dài, chắc chắn họ phải có những năng lực đặc biệt. Vậy mà môn đi bộ (dù kỹ thuật cực khó) chúng ta không phát triển được là quá tiếc. Cũng như đất nước biển cả bao la, sông ngòi chằng chịt, nhưng vẫn chỉ mới có một kình ngư Quý Phước…
Với chúng tôi, HLV Trần Anh Hiệp không lạ gì nhau, thậm chí thân thiết. Hôm ở Palembang nhác thấy người quen Hiệp “gà” ôm chặt rồi nói như mếu: “Được đi SEA Games là bất ngờ rồi, ai ngờ lại đoạt vàng khi chỉ đặt chỉ tiêu… học hỏi”.
Thật khó tin, khi đây là lần thứ 2 thầy trò HLV Thanh Phúc được xuất ngoại thi đấu. Trước đó, họ chỉ được thi đấu trong nước, mà môn đi bộ không được chú ý, hay nói cách khác là không có giá. Vậy thì, việc thầy trò Thanh Phúc bị “bỏ rơi”, một tài năng phát tiết từ rất lâu như Phúc nhưng không được Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm cũng là dễ hiểu. Phúc và thầy Hiệp tự “lớn lên” như cây cỏ. Chỉ khi chị bất ngờ đoạt HCV tại SEA Games 26, mới được chú ý và được chăm sóc theo kiểu “bón thúc” với hy vọng làm nên chuyện, đoạt vé đến London.
Còn bao nhiêu tài năng thể thao bị bỏ rơi trong thời gian dài như Thanh Phúc? Chắc chắn là không ít!
NGỌC HÒA
Nguyễn Thị Thanh Phúc sinh năm 1990, tại xã miền núi Hòa Sơn, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Năm học lớp 9, Thanh Phúc và sau đó là hai em ruột là Thành Ngưng, Hồng Duyên cũng theo bước chị lên đội điền kinh TP.ĐN. Ngay giải đấu đầu tiên tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ V, tại Đồng Tháp, Thanh Phúc gây bất ngờ khi đoạt HCV. Nhưng sau đó, BTC giải đã tước HCV của Thanh Phúc, do một đồng đội của Phúc đã chèn đối thủ trên đường đua, khiến Thanh Phúc có kỷ niệm không quên thủa đầu đời. Kể từ thất bại đầu tiên ấy, Thanh Phúc trở nên bản lĩnh, chững chạc hơn trong khi thi đấu. Kết quả là ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VI tại Đà Nẵng (2010), Thanh Phúc bỏ xa các đối thủ để trở thành “nữ hoàng” của làng đi bộ VN ở cự ly 20 km. Trong khi người em trai Nguyễn Thành Ngưng cũng đoạt HCV đi bộ 20km nam. Chưa dừng lại đó, SEA Games 26 diễn ra Indonesia, Thanh Phúc tiếp tục bước lên bục nhận HCV, khi cán đích đầu tiên với thành 1h 43 phút 22 giây. Còn người em trai Thành Ngưng cũng không kém cạnh, khi đoạt tấm HCĐ ở nội dung thi nam. Và chỉ tầm 4 tháng sau, tại giải vô địch châu Á nội dung đi bộ 20km, Thanh Phúc cũng phá sâu chuẩn B Olympic. Đây cũng là lần đầu tiên sau 32 năm, một VĐV điền kinh VN đoạt tấm vé chính thức tham dự Olympic. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất