Bóng đá Việt Nam và ước mơ hóa rồng

03/02/2019 08:12 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cần phải làm gì để giấc mơ hóa Rồng của bóng đá Việt Nam thành hiện thực? Đó cũng là chủ đề cuộc đối thoại đầu Xuân mà Thể thao & Văn hóa thực hiện với sự tham gia của chính những nhà quản lý, điều hành, HLV, cầu thủ... Và tất cả đều cùng chung ý kiến - Bóng đá trẻ chính là chìa khóa để phát triển.

Phó chủ tịch VFF, Trần Quốc Tuấn: "Cần tiếp tục đầu tư, phát triển bóng đá trẻ"

 

Chú thích ảnh

Sự phát triển của bóng đá không thể tách rời với điều kiện phát triển chung của nền kinh tế - xã hội đất nước bởi nó luôn đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính để duy trì và phát triển hoạt động. Việc tạo ra những thay đổi về chất của bóng đá Việt Nam vẫn đang là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn và có những giải pháp tốt trong từng giai đoạn cụ thể.

Có thể thấy rằng từ thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyển sang mô hình bóng đá chuyên nghiệp hồi năm 2000 đến nay, dù chưa có bước tiến mang tính đột phá, nhưng bóng đá Việt Nam cũng đã đạt được những thành quả rõ nét theo định hướng phát triển của VFF.

Hệ thống thi đấu quốc gia, đặc biệt là đối với các giải bóng đá trẻ đã đi vào ổn định và có những cải tiến để giúp tăng số lượng các trận đấu cho các cầu thủ. Các giải chuyên nghiệp quốc gia so với thời điểm đầu chuyển đổi mô hình cũng đạt được những sự thay đổi mang tính tích cực. Việc VFF đặt ra những định hướng đúng được thể hiện trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp khi yêu cầu tất cả các CLB phải có các tuyến trẻ cũng góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo.

Rõ ràng, việc được thi đấu trong môi trường bóng đá đỉnh cao đã giúp các cầu trẻ trưởng thành hơn và đây cũng một trong những yếu tố làm nên thành công của các đội tuyển U19, U23 và Olympic cũng như đội tuyển quốc gia trong năm qua.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm từ chuyển động của bóng đá Việt Nam những năm gần đây, tôi cho rằng trong giai đoạn tới chúng ta cần ưu tiên thực hiện những mục tiêu chính gồm: Tiếp tục đầu tư cho công tác phát triển bóng đá trẻ và hệ thống các giải trẻ; Kiện toàn và nâng cao chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp, Ổn định số lượng các CLB tham dự giải chuyên nghiệp trước hết thông qua đầu tư vào các giải pháp phát triển các giải đấu thuộc hạng dưới gồm: Giải hạng Nhì, hạng Ba quốc gia; Đào tạo nguồn nhân lực HLV bóng đá và nâng cao chất lượng cho công tác trọng tài; Có giải pháp hiệu quả hơn trong phát triển bóng đá phong trào và bóng đá học đường.

Nếu tiếp tục bám sát định hướng và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển, tôi tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ còn phát huy tốt hơn nữa tiềm lực của mình.

"Thành công vừa qua cũng đã cho thấy tiềm năng rất lớn của bóng đá Việt Nam với nguồn đóng góp đang ngày càng dồi dào hơn từ các CLB, các Trung tâm đào tạo trong cả nước.

Chú thích ảnh

Chủ tịch CLB Hà Nội, Nguyễn Quốc Hội: "Bắt buộc phải tạo ra tính kế thừa, liên tục”

Thành tích của các cấp độ đội tuyển quốc gia thời gian qua không chỉ là điểm nhấn, mà nó còn tạo đà, thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển hơn nữa. Nhân đây, tôi cũng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa, trong thời gian tới khi họp Ban Chấp hành VFF khóa VIII, tôi cũng sẽ góp ý với Liên đoàn phải hỗ trợ, chú trọng khâu đào tạo trẻ hơn nữa, đặc biệt là với lứa cầu thủ thiếu niên – nhi đồng. Hiện hệ thống thi đấu dành cho độ tuổi này chưa thực sự được ý thức cao, dù đây là giai đoạn vô cùng quan trọng của một cầu thủ trẻ. Có một điều chắc chắn rằng, khi khâu đào tạo – bồi dưỡng cầu thủ trẻ tốt, thì các CLB sẽ tốt, từ đó các đội tuyển quốc gia sẽ tốt.

Chúng ta đã và đang gặt hái thành công từ một hai thế hệ cầu thủ trẻ được ăn tập, đào tạo và giáo dục tử tế từ 7-10 năm trước, chứ không phải là “lúa trời”. Về biểu đồ thành tích, cũng như năng lực chuyên môn và thậm chí là vấn đề đạo đức, đây có thể nói là thế hệ cầu thủ tài đức vẹn toàn nhất mà nền bóng đá thừa hưởng, từ nhiều chục năm qua.

Tôi không muốn nói là các thế hệ cầu thủ trước có vấn đề, nhưng rõ ràng là các em sau này có điều kiện ăn học tử tế hơn, được trang bị tốt hơn và vì thế, niềm tin được gầy dựng nơi người hâm mộ cũng vững hơn. Với CLB Hà Nội, chúng tôi sẽ không từ bỏ chiến lược phát triển của mình và đào tạo trẻ là khâu đầu tiên quan trọng nhất. Chính nhờ làm tốt công tác đào tạo, Hà Nội FC không chỉ duy trì được thành tích mà còn không lâm vào cảnh "ăn đong" lực lượng.

Thành công thì hiệu ứng tốt, có hiệu ứng tốt rồi thì phải nắm bắt, phát huy, chứ đừng bỏ phí gia sản lớn như vậy. Về mặt chiến lược, mỗi CLB mỗi khác, nhưng tựu chung lại là chúng ta phải nắm được thời cơ lịch sử được tạo ra. Nó không xuất hiện nhiều trong chiều dài lịch sử của nền bóng đá đâu, tôi cam đoan là như vậy. Bởi theo cái nhìn chủ quan của tôi, sau lứa cầu thủ vừa rồi, thế hệ sau phát tiết muộn hơn và cũng không có nhiều cá nhân nổi trội. Đến các nền bóng đá mạnh trên thế giới cũng thế thôi, phải được lứa mới, mới có thể có thành tích được. Không một nền bóng đá hay đội bóng nào đứng mãi trên đỉnh vinh quang được. Nhưng sự phát triển ở đây là về lâu về dài, và bắt buộc phải tạo ra tính kế thừa, liên tục”.

"Hà Nội FC cũng đang có kế hoạch hợp tác trên nhiều mặt với đội bóng số 1 Bundesliga là Bayern Munich nhằm tạo nên bước đột phá toàn diện cho CLB.

Chú thích ảnh

HLV trưởng CLB Than Quảng Ninh, Phan Thanh Hùng: "Muốn vươn tầm châu lục, phải nỗ lực hơn”

Thực tế, bóng đá trẻ Việt Nam đang trưởng thành. Chúng ta đã và đang gặt hái được thành tích cao hơn, so với các thế hệ trước đó. Từ cấp độ U23 châu Á đến ASIAD và tại AFF Suzuki Cup 2018 vừa rồi, chúng ta cũng vô địch thuyết phục hơn nhiều so với danh hiệu cách đây 10 năm. Đấy là một lối chơi ổn định, có mảng miếng, giành chiến thắng và buộc các đối thủ phải tâm phục khẩu phục. Trong vài năm tới, khi lứa cầu thủ này vào độ chín nhất của sự nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tính toán đoạt thành tích cao hơn ở sân chơi châu lục dành cho đội tuyển quốc gia, chứ không chỉ đến AFC Asian Cup để học hỏi.

Nói về giải vô địch châu Á sắp tới tại UAE, rõ ràng, đây mới là thử thách lớn nhất đầu tiên của HLV Park Hang Seo và đội tuyển, từ 1 năm qua. Tại sân chơi này, đội tuyển Việt Nam sẽ phải đối đầu với những đội bóng mạnh nhất từng nhiều lần tham dự FIFA World Cup, chứ không chỉ có Iraq hay Yemen. Chúng ta phải biết điều đó, thay vì chỉ có đòi hỏi. Ngay như Thái Lan, họ đã đặt tham vọng cao từ 2 thập niên qua, nhưng khi bơi ra châu Á, cùng lắm cũng chỉ ổn định trong Top 10. Mà bóng đá Việt Nam, từ cấp CLB đến đội tuyển quốc gia, chưa thể so với Thái Lan được. Tôi nói thế không phải vì tâm lý tự ti mà muốn nhấn mạnh vào sự cần thiết phải nỗ lực lớn hơn .

Với khả năng chuyên môn của thế hệ cầu thủ này, tôi kỳ vọng họ sẽ thi đấu tốt ở các giải đấu tiếp theo, tùy vào sân chơi mà mình đặt mục tiêu. Nước lên thì thuyền lên, hiệu ứng tốt về biểu đồ thành tích của các đội tuyển quốc gia, đặc biệt là đội tuyển trẻ, sẽ giúp ích rất nhiều cho nền bóng đá. Từ cấp CLB đến hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, được cộng hưởng rất nhiều. Theo tôi, V-League là đấu trường lý tưởng nhất cho các cầu thủ trẻ tài năng của Việt Nam phát tiết, từ đó cung ứng cho đội tuyển quốc gia.

Như lứa vừa rồi vô địch AFF Suzuki Cup 2018, phần lớn các cầu thủ đã trải qua 2-3 mùa V-League, thậm chí là nhiều hơn, trong màu áo các CLB như Hà Nội, SLNA, HAGL… Cộng thêm việc chơi cho các đội tuyển trẻ quốc gia từ 3 – 4 năm qua, kinh nghiệm, bản lĩnh trận mạc là từ đó mà ra chứ đâu.

Vậy nên theo ý kiến của tôi, có 2 mảng mà bóng đá Việt Nam cần phải tập trung đầu tư trong thời gian tới, đó là nâng cao chất lượng V-League, nền tảng của bóng đá quốc gia và tập trung nhiều hơn nữa cho bóng đá trẻ.

"Để thực sự vươn tới Top 10 châu Á, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những thế hệ tài năng như hiện tại, thay vì dồn hết trông đợi vào lứa cầu thủ này cùng ông Park.

Chú thích ảnh

Cựu danh thủ, HLV Nguyễn Minh Phương: "Hãy bỏ qua những đòi hỏi về thành tích"

Có hẳn một chiến lược – tầm nhìn, quy hoạch những nhà vô địch thế giới, tức FIFA World Cup, trong tương lai gần, đấy là họ phải từ 25 tuổi trở xuống. Tại sao lại có những phác đồ như vậy? Bởi, hệ thống thi đấu và lịch thi đấu của bóng đá hiện đại là rất khốc liệt, đòi hỏi nền tảng thể lực tuyệt vời của cầu thủ. Mà chỉ có những người trẻ thì khả năng hồi phục mới nhanh được. Tại SHB Đà Nẵng mùa giải 2018, tôi luôn duy trì trên dưới 10 cầu thủ dưới 21 tuổi và tạo điều kiện tối đa để họ được vào sân, cọ sát. Đấy là những bước chuẩn bị cho thì tương lai, mà bất cứ HLV nào cũng đã và đang tính toán tới.

Điều này sẽ vướng phải những mâu thuẫn, bởi suy cho cùng, bóng đá là thành tích. Chúng ta đang có một đôi thế hệ cầu thủ trẻ tài năng và đang tham dự AFC Asian Cup 2019, song nếu chúng ta vị thành tích một cách thái quá, đấy là con dao 2 lưỡi. Tôi chỉ kỳ vọng HLV Park Hang Seo và đội tuyển sẽ để lại ấn tượng tốt tại UAE, chứ không mơ thành tích tốt như các giải trước đó. Đơn giản, không khó để nhận ra vẫn còn một khoảng cách đáng kể về chuyên môn nếu so với các đội bóng mạnh của châu lục. Cầu thủ Việt Nam thậm chí còn chưa đá được giải hạng Nhất, hạng Nhì của họ.

Đó là chưa kể, các nền bóng đá khác đâu dừng lại để đợi chúng ta phát triển? Nên, hãy bỏ qua những đòi hỏi về thành tích, vì đây là sân chơi đỉnh cao nhất của châu lục dành cho đội tuyển quốc gia. Xác định, đó là đấu trường đỉnh cao để các cầu thủ trẻ được trui rèn, nhắm tới mục tiêu thực tế hơn.

Một minh chứng khác, bóng đá Đức sau thất bại tại FIFA World Cup 2018, họ đã phác thảo một chiến lược đến năm 2034, với các lứa cầu thủ U11 – U13 lúc này, cho tham vọng đòi lại chức vô địch thế giới và châu Âu. Sau Tây Ban Nha, đến Đức và sau Đức là Pháp, Anh…, nói chung các nền bóng đá hàng đầu cũng thế thôi, phải có chiến lược và kỳ vọng sẽ gặt hái được một vài thế hệ cầu thủ tốt để săn danh hiệu.

Chúng ta muốn đặt tham vọng cao, thì phải mở rộng hệ thống vệ tinh và các Trung tâm đào tạo trẻ, song song với việc phát triển giải đấu chuyên nghiệp cùng các hệ thống giải trẻ quốc gia. Bóng đá Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội lớn.

"Bản thân ông Park sau rất nhiều thành công trong năm 2018, có lẽ cũng nhận ra sự cấp bách của việc trẻ hóa, nên đã tiếp tục tiến hành trẻ hóa đội hình đội tuyển quốc gia.

Chú thích ảnh

Tiền đạo Văn Quyết: "Nâng tầm các trận đấu, giải đấu trong nước, là đòi hỏi cấp bách"

Rõ ràng thành tích tốt của một đôi lứa cầu thủ trẻ trong những năm gần đây, giúp việc thu hút nguồn lực đầu tư của lãnh đạo, các Mạnh Thường Quân vào bóng đá lớn hơn. Đặc biệt là khi chúng ta đã lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ. Các trung tâm đào tạo trẻ, cũng như các CLB chuyên nghiệp, muốn phát triển thì không thể tách rời kinh tế được, nhất là trong bối cảnh bóng đá Việt Nam dù đã chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa thực sự "nuôi sống" được chính mình.

Về chuyên môn, với những đội bóng đã giành chức vô địch, thì đương nhiên áp lực bảo vệ thành tích rất lớn. Tôi cho rằng, đội tuyển Việt Nam sau những thành công giai đoạn vừa qua, phải tiếp tục khẳng định được mình ở sân chơi lớn hơn, bằng với sự ổn định, trước là về lối chơi, sau đó là biểu đồ thành tích. Ngay với bản thân tôi, một cầu thủ cũng như vậy mà thôi. Phải tiếp tục thể hiện được phong độ tốt nhất trên sân cỏ, tiếp tục hướng tới thành công

Sự phát triển của bóng đá đòi hỏi tính liên tục, chứ không thể ngắt quãng hay chờ đợi được. Cầu thủ trẻ lúc này đã tự tin hơn rất nhiều và tôi kỳ vọng, họ sẽ để lại được ấn tượng tốt tiếp theo tại AFC Asian Cup 2019. Để có thể đến được với VCK Asian Cup, thông qua việc thi đấu vòng loại khốc liệt, là nỗ lực của nhiều thế hệ cầu thủ và HLV. Đây là giải đấu đầu tiên và là cuối cùng trong năm 2019 dành cho cấp độ đội tuyển quốc gia, nên chúng ta phải tận dụng cơ hội này nhằm giúp các cầu thủ trẻ tiến bộ hơn.

Bóng đá Việt Nam: Từ ‘ao làng’ vươn ra thế giới

Bóng đá Việt Nam: Từ ‘ao làng’ vươn ra thế giới

Ghi dấu 10 năm đồng hành cùng công tác đào tạo bóng đá trẻ, 2018 là năm đầu tiên thầy và trò PVF cùng nhau xây giấc mơ bóng đá đẳng cấp tại “đại bản doanh” mới hiện đại bậc nhất châu Á.

Chúng ta đều thống nhất với nhau rằng, sự kỳ vọng của người hâm mộ lúc này đã lớn hơn trước rất nhiều, nhưng càng áp lực, càng cạnh tranh gắt gao, thì càng thúc đẩy sự phát triển của nền bóng đá nói chung, và các giải đấu cũng như các cấp độ đội tuyển quốc gia nói riêng. Hệ thống các giải đấu trẻ như Vòng loại U23 châu Á, U22 Đông Nam Á hay SEA Games 2019 sắp tới, cũng sẽ là bước đệm cho cầu thủ trẻ trưởng thành. Không thể nói V-League không được hưởng lợi, mà thực tế của V-League 2018 đã chứng minh, vấn đề là sau những hiệu ứng tốt ấy, nhưng vấn đề là chúng ta sẽ phát triển bước tiếp theo như thế nào thôi. Nâng tầm chất lượng chuyên môn của các trận đấu – giải đấu trong nước, là đòi hỏi cấp bách.

"Bên cạnh AFC ASIAN Cup, thì trong năm 2019, bóng đá Việt Nam vẫn còn sân chơi dù cấp độ thấp hơn, nhưng lại mang ý nghĩa đặc biệt - SEA Games tại Philippines, đấu trường mà ở đó vẫn còn giấc mơ Vàng dang dở.

CCKM (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link