26/06/2011 11:08 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Triển lãm: Gà: Chip, chic, chicky khai mạc sáng qua 25/6 tại Viện Goethe (56-58, Nguyễn Thái Học, HN), chỉ mở cửa trong 3 ngày (đến 28/6). Trong suốt thời gian triển lãm, nghệ sĩ Đinh Công Đạt sẽ luôn có mặt tại đây để giao lưu cũng như hướng dẫn người xem làm những con gà bằng giấy bồi.
Sinh năm 1966 tại Hà Nội, Đinh Công Đạt (tốt nghiệp khoa điêu khắc Trường ĐH Mỹ thuật VN năm 1994) được biết đến với những tác phẩm về mặt nạ, côn trùng ở cả trong và ngoài nước. Triển lãm này bày 133 con gà được nghệ sĩ thực hiện rất công phu với dụng ý “sử dụng chất liệu rẻ, dễ, đơn giản và không ý tưởng sâu xa”. Đàn gà này được “sinh ra” trong hoàn cảnh: sau 6 năm loay hoay tìm cách thoát ra khỏi côn trùng - thứ “vốn” góp một phần tạo dựng tên tuổi Đinh Công Đạt trong lòng công chúng.
Trò chuyện về cuộc triển lãm Gà: Chip, chic, chicky (trong đó “chip” đơn giản nghĩa là rẻ, “chic” nghĩa là gà và “chicky” nghĩa là láu lỉnh), anh cho biết:
- Đàn gà này được làm trong khoảng 6 tháng. Mỗi con gà đều có một cái tên và được đeo thẻ trích ngang lý lịch như ngày tháng hoàn thành và những thông tin tiêu biểu hoặc thú vị nhất trên những tờ báo tạo nên con gà đó. Nhưng cũng không có ý nghĩa sâu xa gì, chỉ đơn giản là thích thì làm, và làm cho mình vui mà thôi.
* Tại sao anh lại chọn gà?
- Ý tưởng khá đơn giản. Năm ngoái, tại một triển lãm ở ĐH Mỹ thuật VN, tôi thấy có tranh vẽ gà trống đơn giản nhưng rất đẹp. Từ đó thì tôi có ý tưởng chuyển những hình vẽ 2D đó thành 3D.
* Mỗi con gà trong triển lãm đều có tên. Tôi chưa từng thấy ai làm như vậy đấy?
- Thực ra thì việc đặt tên gà rất là tình cờ và không hề có một tiêu chí nào cả, những cái tên đó thường là gắn với một kỷ niệm. Ví dụ như con gà mái số 1 có tên là Em đẹp lắm bởi khi nhìn thấy con gà này tôi bỗng nhớ đến họa sỹ Lê Hồng Thái. Thái sẽ nói như thế với bất cứ cô gái nào đứng một mình trong những buổi tiệc tùng hoặc triển lãm. Rất nhẹ nhàng, Thái sẽ lại gần cô gái ấy và nói: Em đẹp lắm!
Các cô gái, khi nghe câu này nhìn chung là rất xúc động. Cô gái chụp trong bức hình được bồi lên con gà chắc chắn cực đẹp, nếu Thái gặp cũng sẽ chắc chắn nói: Em đẹp lắm. Mà công nhận cô gái ấy đẹp thật!
* Đúng như tên cuộc triển lãm này, anh chọn báo cũ - một chất liệu không thể rẻ hơn...
- Một số người cho rằng bồi giấy bản thì tốt, nhưng đi mua thì khó và đắt, trong khi giấy báo thì rẻ hơn, và rất dễ kiếm, đặc biệt trong giấy báo chứa đựng rất nhiều thông tin. Các bạn cứ tưởng tượng khoảng hai mươi năm nữa, khi ta đọc lại những thông tin này trên những con gà này, chắc chắn sẽ rất thú vị và buồn cười. Tôi nghĩ các thông tin lưu trữ này khá hay, nó nằm trong con gà giống như là một đời người, mỗi người đều có một số phận và những con gà này cũng thế.
* Số phận những con gà sẽ thế nào sau khi triển lãm kết thúc?
- Sẽ bán chứ! Trên trang web của tôi có tiểu sử, lý lịch và đời sống riêng của từng con gà. Sau này, khi nó thuộc về người khác thì nó sẽ có một số phận khác và sẽ tiếp tục “sống” khi còn được quan tâm, yêu thích.
* Còn sau triển lãm gà anh có dự định gì “độc” chưa?
- Có thể sẽ làm cá nhưng sẽ làm bằng chất liệu khác, ví dụ như pha lê.
* Xin cảm ơn anh!
Hoài Ngọc (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất