31/01/2016 06:22 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nỗi ám ảnh của biệt danh "Messi Việt Nam" sẽ ngăn cản Công Phượng trở thành cầu thủ lớn.
Ở tình huống ba đánh ba, Văn Toàn di chuyển chếch bên cánh trái, không bị ai kèm, bắt đầu hút số hậu vệ ít ỏi của đối thủ nghiêng sang đó. Nhưng, Công Phượng không thực hiện cú chọc khe. Cầu thủ quê Nghệ An ngoặt bóng bằng cái má ngoài chân phải để bẻ lưng đối thủ. Và mất bóng.
Ở trận đấu ấy, Công Phượng là người được tiếp bóng nhiều nhất trong số những cầu thủ đứng trên hàng công (gồm có cả Văn Toàn, Thanh Bình). Mỗi tình huống Phượng nhận bóng là một nỗ lực qua người. Nhưng hầu hết đều thất bại. Nếu vượt qua được một người thì đến người thứ hai là mất bóng.
Thông thường, để tác động tới cách chơi của một cầu thủ, có lối chơi – chiến thuật của HLV, có yếu tố đồng đội của anh ta là ai, rồi đặc điểm của đối thủ, rồi cuối cùng mới tới những phẩm chất – thói quen của cầu thủ đó.
Công Phượng nỗ lực để khẳng định bản thân, thoát khỏi cái bóng của danh xưng "Messi Việt Nam". Ảnh: Anh Đức
Vậy, có phải là vì lối chơi của HLV Miura xây dựng cho U23 Việt Nam? Chỉ một phần rất nhỏ thôi. HLV Miura ở tuyển vốn không ưu ái những cầu thủ chơi lắt nhắt. Ông là người thích lối chơi trực diện, đơn giản.
Ở HAGL, Công Phượng cũng chơi theo cách cứ có bóng thì điều đầu tiên anh làm là tìm cách qua người, tự giải quyết tình huống, và chuyền bóng chỉ là sự lựa chọn cuối cùng.
Vậy, có phải là vì ở đội tuyển, Công Phượng không có những đối tác để chuyền bóng? Hay anh không tin ở những người chơi xung quanh mình, rằng họ sẽ đánh mất quyền kiểm soát bóng một cách dễ dàng?
Pha bóng nói trên thì người chờ bóng là Văn Toàn, một đồng đội của Công Phượng ở HAGL. Họ đá cùng nhau qua 2 trong số 3 trận đấu ở VCK U23 châu Á.
Thanh Bình đá cắm cũng không phải là một cầu thủ quá dở, không phải một dạng vô hại. Bình thực tế còn là người đá cắm, song hành với Phượng đá lùi cả ở vòng loại của U23 Việt Nam ở Malaysia.
Thế còn đối thủ của Công Phượng và U23 Việt Nam? Các cầu thủ Jordan vượt trội so với tất cả các cầu thủ của U23 Việt Nam về kỹ thuật, thể hình thể lực. Những người như thế không phải là dễ dàng để đánh bại họ bằng cách qua người. Tới các cầu thủ U23 Australia, họ không xuất sắc như Jordan, có những cá nhân xoay xở chậm, nhưng có tính tổ chức và ở đẳng cấp cao hơn thì rê dắt vẫn không phải là sự lựa chọn tối ưu nhất.
Cả một chặng đường ở V-League nhìn từ góc độ này cũng là bài học. Đột phá hiếm khi mang lại kết quả cho HAGL và việc Công Phượng cùng các đồng đội của anh vất vả trụ hạng là nguyên nhân của sự bế tắc trong lối chơi.
Những cái kết buồn của “Messi phẩy”
Những màn trình diễn đầu tiên giúp Công Phượng làm nên tên tuổi của mình là ở các giải giao hữu. Những pha đột phá để một bộ phận truyền thông gọi cầu thủ này là Messi của Việt Nam cũng diễn ra ở đó, khi Công Phượng solo ghi bàn vào lưới U19 Australia.
Lần gần đây nhất Công Phượng cầm bóng, đột phá rồi ghi bàn cũng lại là ở một giải giao hữu, U21 quốc tế báo Thanh Niên. Người ta đã thốt lên rằng đó là pha ghi bàn giống như của Messi. Nhưng thực tế, các cầu thủ trẻ đến từ Hàn Quốc (không phải những cầu thủ trẻ giỏi nhất của Hàn Quốc) đã chỉ chạy giật lùi và không áp sát, thả rông tiền đạo của U21 HAGL chạy rồi sút, ghi bàn.
Nó khá giống với bàn thắng Công Phượng đã ghi ngày khai mạc V-League 2015 vào lưới Khánh Hoà, khi đối phương đá rất cởi mở, để các cầu thủ HAGL thoải mái chơi bóng và ghi tới 4 bàn.
Trong thế giới bóng đá hiện tại và có thể là cả sau này trong nhiều năm, sự so sánh với Messi giống như sự tôn vinh. Nó trở thành cái đích của nhiều cầu thủ vươn tới. Không chỉ ở những nền bóng đá nhược tiểu, với những cầu thủ chỉ có chút khéo léo, hoặc thuận chân trái, lại không quá to cao, mà ngay cả ở những nền bóng đá phát triển.
Tờ Mirror của Vương quốc Anh mới đây có một thống kê gồm 19 cầu thủ từng được coi là Messi mới. Nào là Messi của vùng Đông Bắc Osvaldo, Messi đen của Brazil là Mazinho, Messi của Hy Lạp Fetfatzidis, Messi của Italy Lorenzo Insigne, Messi của Ai Cập Walid Soliman…
Họ là những tài năng trẻ có những nét hao hao hoặc là về ngoại hình, thuận chân trái, nhưng đa phần đều khéo léo, rê dắt tài tình. Nhưng cả 19 trường hợp ấy đều bị đánh giá là thất bại trong việc phát triển sự nghiệp hoặc chìm vào quên lãng.
Và chính ở CLB Barca, nơi có Messi thực thụ đang chơi bóng ở đó, cũng có những người muốn bắt chước phong cách của Messi và hậu quả là họ bị chuyển nhượng hoặc đem cho mượn.
Alen Halihovic, tài năng trẻ 19 tuổi người Croatia sau khi được Barca mua về hồi đầu năm 2014, nay đang chơi bóng ở CLB Sporting Gijon theo dạng cho mượn. Anh được gọi là Messi của Croatia và cũng có phong cách biểu diễn như thế.
Gerard Deulofeu, cầu thủ người Tây Ban Nha, cũng lớn lên từ Học viện của Bara, lò La Masia và từng được ví như một Messi mới. Deulofeu ở giai đoạn đó có nhiều pha đi bóng lắt léo, đột phá và được tìm kiếm khá nhiều trên youtube. Nhưng nay thì Deulofeu đang cố gắng rê dắt và tạt bóng cho Lukaku ghi bàn cho Everton – chỉ là một đội hạng khá ở giải Ngoại hạng Anh.
Munir, một tài năng khác cũng có sự ám ảnh là Messi “phẩy”, vì giỏi giang hơn đôi chút nên được ở lại Barca. Nhưng cách chơi lắt nhắt làm Munir trở nên cùn đi, và hoạ hoằn mới được vào thay người hay chỉ chơi ở Copa Del Rey.
Sau VCK U23 châu Á, Công Phượng phải lùi ngày sang CLB Mito Hollyhock vì chấn thương. Ảnh: Thanh Hà
Thế nào là một lối chơi hợp lý?
Ở trận đấu với U23 UAE, khi Công Phượng chuyền bóng cho Tuấn Anh thì U23 Việt Nam có một pha phối hợp ở trước vòng cấm, và Tuấn Anh có cơ hội dù không rõ ràng vẫn ghi được bàn.
Và trước đó, pha chơi bóng một chạm của Công Phượng đã giúp Đức Huy có cú căng ngang chạm tay mang về quả 11m, rồi chính Phượng sút thành công.
Cũng trong trận đấu ấy, Công Phượng chỉ thực hiện những lần đột phá cá nhân hợp lý hơn hẳn. Như lần thoát xuống sát đường biên ngang, bất ngờ ngoặt bóng loại hậu vệ đối phương rồi chuyền chéo trở ra, tạo nên pha bóng cực kỳ nguy hiểm.
Tức là khi chơi nhanh hơn, chuyền và phối hợp, không chỉ nhăm nhe làm nên những bàn thắng dạng siêu phẩm thì Công Phượng nguy hiểm hơn hẳn.
Và thật may, sau trận đấu ấy, không có ai gọi tiền đạo quê xứ Nghệ ấy là Messi của Việt Nam, một biệt danh thuộc dạng thuốc độc tẩm đường.
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất