Nhà văn Đỗ Văn Phác lâm trọng bệnh: Luôn tự hào vì cô út - Đỗ Hoàng Diệu

28/12/2009 14:22 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Suốt 8 tháng qua, nhà văn Đỗ Văn Phác, (thân sinh nhà văn Đỗ Hoàng Diệu) đã và đang từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Bệnh mỗi ngày một nặng nhưng ông trời vẫn cho ông trí tuệ minh mẫn và tinh thần tỉnh táo khác thường.

8 tháng thật dài mà cũng thật mong manh…

Ngôi nhà của nhà văn Đỗ Văn Phác nằm yên bình ở một xóm nghèo xứ Thanh (thôn Phượng Cát, xã Thanh Thủy, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Lối vào đường đất gập ghềnh, hai bên trồng nhiều chuối. Ông đã có 5 đầu sách: Quả ngọt (NXB QĐND), Bão trong làng (NXB CAND), Cổ tích làng (tập truyện ngắn, NXB Văn học), Chuyện tình trên sông (NXB Thanh niên, tập truyện ngắn), Khi đàn bà ra tay (tập truyện ngắn, NXB QĐND). Cuộc sống tưởng mãi mãi yên bình như thế, ngờ đâu, định mệnh đã đến vào một ngày tháng 5/2009. Bà Vũ Thị Liễu, vợ ông kể: Đầu tiên ông ấy chỉ bị sút cân, ho kéo dài, dùng thuốc kháng sinh nhiều nhưng không khỏi, ăn uống kém đi. Bệnh viện huyện Tĩnh Gia và bệnh viện tỉnh Thanh Hóa vẫn không phát hiện ra bệnh của ông. Thời gian làm căn bệnh nặng lên. Đến khi ra Hà Nội chụp chiếu thì phát hiện bị ung thư phổi, và khối u đã to bằng quả trứng gà rồi.


Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu và bố mẹ

Sau những cơn ho dữ dội kéo dài, sau một cơn nhói tim đau đớn, ông giáo làng lại dành cho vợ những lời lẽ yêu thương, trìu mến như một sự tri ân: “Tôi làm nghề dạy học, tay chân yếu đuối, nếu không có người vợ tần tảo như bà thì tôi không có được như ngày hôm nay. Tôi là đứa trẻ mồ côi mẹ từ rất sớm. Gặp bà, tôi vừa yêu quý lại vừa kính trọng. Bà là người vợ, người mẹ tuyệt vời mà cuộc đời tôi may mắn có được”.

Suốt một thời gian dài bà cùng chồng và năm người con (ba gái, hai trai) chống chọi quyết liệt với căn bệnh ung thư phổi. 8 tháng trôi qua, sự nỗ lực không mệt mỏi của gia đình chỉ để giữ ông lại nhân gian, giành giật ông từng giờ, từng phút với định mệnh. Bà rầu rầu kể: “Ngày 2/ 10 Âm lịch vừa qua ông bị ngã rồi tụt huyết áp, một tháng nay ông ăn rất ít, chỉ ăn được cháo. Từ hôm bị ngã, ông yếu đi và hay bị nhói tim. Thuốc thang thì vẫn theo chỉ dẫn của bác sĩ”.

“Khi Diệu đến với văn chương tôi lo lắm…”

Ánh mắt của nhà văn Đỗ Văn Phác dường như sáng hơn, gương mặt ông tươi tỉnh trở lại khi tôi hỏi chuyện ông về cô con gái út, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu. Ông kể bằng giọng hết sức trìu mến: “Diệu ngày thi đại học, con bé cứ băn khoăn giữa hai trường: Đại học Luật Hà Nội và Phân viện Báo chí và Tuyên truyền. Một người bạn của tôi khi biết Diệu là con gái út của tôi đã thốt lên: Trời ơi! Con gái ông đối đáp, ứng xử thông minh như vậy, sao không cho cháu đi học báo chí?”. Cuối cùng Đỗ Hoàng Diệu vẫn chọn Luật. Nhưng dù vậy, chị vẫn đến với văn chương và tỏa sáng như một định mệnh.

Giữa những cơn đau vẫn đến bất chợt nhưng nói về con gái, ông vẫn luôn giữ nụ cười thật hiền, ông kể tiếp: “Một người bạn văn khi biết tôi là cha Đỗ Hoàng Diệu đã kinh ngạc bảo: Chẳng lẽ nhà văn Đỗ Hoàng Diệu lại sinh ra và lớn lên ở vùng quê xa xôi hẻo lánh này? Chẳng lẽ ông là cha đẻ của Diệu thật?”.

Niềm tự hào về cô con gái út, đứa con duy nhất trong nhà theo con đường ông đã lựa chọn: viết văn. Phải chăng vì thế nên yêu thương và tự hào, tin cậy ông đều dành cho Diệu nhiều hơn? Ông bảo: “Khi Diệu đến với văn chương tôi lo lắm, vì người đàn bà viết văn, trong tình duyên vốn nhiều trắc trở. Tôi đã căn dặn con gái mình điều ấy”.

Nhưng chuyện tình duyên của Đỗ Hoàng Diệu cũng không trắc trở như ông đã lo xa trước đó. Khi Diệu đưa Alec về giới thiệu với gia đình, mẹ của Diệu kể: “Lần ấy chàng rể Mỹ đã vào thưa chuyện với vợ chồng tôi là muốn lấy Diệu làm vợ. Hai vợ chồng tôi đều có thiện cảm với Alec ngay từ cái nhìn đầu tiên”.

Những điều dang dở cho cuộc đời này…

Ông tâm sự: “Đời văn chương, tôi cũng có 5 đầu sách. Hiện nay tôi vẫn còn tiểu thuyết có tên Góc khuất viết về người lính thời chiến và cả thời bình đang chờ in ở NXB Quân đội nhân dân. Tôi luôn trăn trở với những góc khuất mà thời chiến người ta không để tâm đến nhưng đến thời bình người ta mới nhận ra. Ngoài ra, tôi còn tiểu thuyết Vẫn còn Đồng Tôm, dày 550 trang về công cuộc làm giàu theo cách phiêu lưu, rồi phá sản. Hiện nay, tôi e rằng cũng không còn nhiều thời gian dành cho văn chương nữa”.

Thủy Anna

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link