Nhìn lại 3 mùa Sao Mai - Điểm hẹn

11/09/2008 09:34 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Đêm Gala 10 - Hội ngộ SM - ĐH đã diễn ra hôm 7/9 tại sân khấu Lan Anh (TP.HCM). Đó cũng là đêm mà cuộc thi Vietnam Idol đang được phát sóng và đêm live show Sóng đa tần của Mỹ Tâm. Dường như hai sự kiện đó đã làm vợi hẳn khán giả (cả tại chỗ lẫn coi ti vi) của màn tổng kết buồn tẻ của SM-ĐH năm nay!

SM-ĐH, mới ba tuổi đã già...

Thực sự nếu đánh giá chất lượng của một cuộc thi tiếng hát truyền hình kiểu như SM-ĐH qua khán giả thì sẽ là không thể. Nhất là việc SM-ĐH năm nay không có giọng ca nào lọt vào được mắt xanh của HĐNT. Các ca sĩ quá "ngoan ngoãn" vâng vâng dạ dạ trước HĐNT rồi... làm theo ý mình (tức những gì mà công chúng nhắn tin thích) đến mức có người gọi SM-ĐH 2008 là "vở kịch Nàng Bạch Tuyết thiếu... mụ phù thủy"...
 Hoàng Yến và Hoàng Nghiệp, hai "người mẫu" xinh đẹp của các fan hâm mộ tuổi teen song ca trong đêm Gala Hội ngộ
Còn nhớSM-ĐH ra đời năm 2004 đã ngay lập tức trở thành một chương trình hấp dẫn người xem bởi tiêu chí thoải mái, đối tượng hướng tới phổ biến, phong cách trẻ trung và tự nhiên hơn... Nó đã trở thành một "bệ phóng" cho 3 giọng ca Tùng Dương, Ngọc Khuê và Kasim Hoàng Vũ. Kỳ thứ hai năm 2006 tuy kém thế hơn một chút nhưng người ta vẫn nhớ ngay đến Ngọc Anh, Anh Khoa, Hà Anh Tuấn cùng ngoại hình "tươi tắn" của Hoàng Hải. Cho đến kỳ thứ ba - năm nay, SM-ĐH lộ rõ sự mệt mỏi của mình với dàn "cầu thủ" chưa ai đủ vượt trội ai và vượt khỏi cái bóng của các đàn anh, đàn chị đi trước cùng những phương cách tổ chức chưa học tập nhuần nhị đã trở thành lạc hậu.
 
Nhìn lại một "dây chuyền công nghệ" cần thay đổi!

Nhắc đến những cuộc thi thố hiện nay, giới báo chí hay dùng từ "công nghệ" để tóm gọn nó: "công nghệ lăng xê", "công nghệ thi hoa hậu", "công nghệ tạo sao", "công nghệ đào tạo cầu thủ"... Đã là công nghệ, tất người ta liên tưởng đến máy móc và tạo ra những sản phẩm giống nhau. Với SM-ĐH, cái dây chuyền công nghệ ấy gồm bộ "kiềng ba chân" như sau: Bộ phận giải trí của truyền hình - Các công ty quảng cáo - Khán giả truyền hình.
 
Các thí sinh SM-ĐH 
trong đêm Gala Hội ngộ 
Bắt mùi tâm lý của khán giả trẻ và cơ hội kinh doanh, các công ty quảng cáo mua một format nhạc giải trí ăn khách nào đó của nước ngoài hoặc tự cắt dán một vài chương trình thành một format mới để chào hàng truyền hình và sản xuất. Truyền hình ký hợp đồng rồi dùng mọi lợi thế phủ sóng (tốt nhất là toàn quốc) để quảng bá. Các ca sĩ là những sản phẩm đều đều chạy ra từ đầu kia của cái dây chuyền ấy, như nhận xét của một nhạc sĩ: Đó là những chương trình phục vụ mục đích tìm kiếm "ngôi sao" của một số đông khán giản nhất định, chứ không phải mục đích tìm kiếm tài năng. Việc một số tài năng vô tình "rơi" vào là chuyện tình cờ may mắn của BTC (như hai kỳ SM-ĐH trước) mặc dù họ cũng chẳng cần điều đó mới tổ chức được một chương trình "đẹp mặt, sạch sóng". SM-ĐH năm nay là một ví dụ điển hình của một chương trình như thế!

Trong loạt bài Những mùa Xuân của bài hát Việt Nam nói về lịch sử 70 năm tân nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Dương Thụ chua xót than: "Phong trào tình ca buồn mới của bọn tôi chỉ là việc dọn bãi cho một phong trào rộng lớn hơn. Đó là trào lưu ca nhạc thương mại của các nhạc công, ca sĩ muốn làm người sáng tác. Phong trào này lấn lướt và có nguy cơ làm hỏng cái tai âm nhạc của cả một thế hệ".

SM-ĐH hiển hiện rõ những gì mà nhạc sĩ Dương Thụ than thở, có những ca sĩ trẻ năm nay nhất quyết chọn cho mình những bài... tự mình sáng tác. Chỉ có điều nghe những bài này xong, người nghe thấy hao hao rất giống mọi thứ nhạc trẻ bây giờ…

Ý thức được điều đó nhanh nhạy nhất chắc chắn là những người tổ chức. Họ nhấn mạnh đêm Gala 10 này là việc nhìn lại chặng đường ngắn ngủi đã qua, trước khi chương trình bước sang một giai đoạn mới trên hành trình đi tìm mùi vị, màu sắc của mình...

Hà Châu Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link