26/06/2014 15:12 GMT+7 | Bảng D
1. Quả đúng là một đề tài thú vị và hấp dẫn cho các phương tiện truyền thông chính thống lẫn cá nhân, nó y như bài học vui mà giới báo chí chúng tôi hay tếu táo với nhau rằng: Chó cắn người thì không phải là tin, người cắn chó mới là tin. Nhưng tin sốc hơn cả lại là người “cắn” người. Cắn công khai trước hàng triệu đôi mắt, cắn trộm một cách đớn hèn từ sau lưng, mà không để người bị cắn phản kháng.
Sẽ chẳng có gì để nói khi cái sự “cắn” đó, nó chỉ là trà dư tửu hậu, nó cũng ví như anh chàng Suarez kia giống đứa trẻ mới mọc răng ngứa miệng cắn càn. Nhưng, hóa ra, trước khi Suarez làm cái hành động phi thể thao và có vẻ như là một “căn bệnh” đó, thì đã có một vụ tệ hại hơn thế. Nó không bộc phát vô thức kiểu Suarez mà được chuẩn bị kỹ càng, có chủ ý. Buồn là, với nghề báo, thì việc lớn nhất, duy nhất, trước nhất đó là đưa đến thông tin mới, hay, cần thiết cho người đọc, người nghe, người xem. Và bài học là luôn luôn học hỏi, lắng nghe, bởi biển kiến thức là mênh mông và những gì ta biết chỉ mãi mãi là một phần nhỏ bé.
2. Tôi nhớ tiếng Latin có một câu thành ngữ là “Memento mori” có nghĩa là: Hãy nhớ rằng nhà ngươi rồi sẽ phải chết. Câu ngạn ngữ này, được khởi nguồn từ bao giờ thì không ai xác định được, chỉ biết rằng, vào thời La Mã cổ đại, trong các cuộc thánh chiến liên miên, người chiến thắng khải hoàn trở về sẽ được đón rước rất long trọng. Nhưng, trên chiếc chiến mã đi về thành, với hàng vạn tiếng tung hô, có một người nô lệ/cận vệ đứng ngay cạnh vị tướng và không ngừng nói “Memento mori!”. Đó là một sự nhắc nhở, để người chiến thắng đừng có quá kiêu ngạo trên đỉnh vinh quang mà quên đi rằng, anh ta cũng chỉ là một con người, và rồi sẽ có ngày phải chết. Không ở trên chiến trường thì trên giường bệnh.
Câu ngạn ngữ này đã đi vào nhiều tác phẩm văn học cổ, các vở kịch, phim về thời cổ đại, điển hình là câu của nhà thần học, tác gia cổ Tertullian sử dụng trong trong Apologeticus: “Respice post te! Hominem te memento!” Tạm dịch: Hãy nhìn lại phía sau! Hãy nhớ rằng bạn là người! Mà đã là người, thì phải biết làm cho phần con thật bé, thật vô hình... như là không có.
3. Vòng đấu loại dần qua đi, nhiều đội bóng ứng cử viên sáng giá giành cúp vàng đã lần lượt chia tay sân chơi lớn, bỏ lại sau lưng nỗi buồn vô tận của những trận thua bẽ bàng, tức tưởi. Trong số họ, có rất nhiều khuôn mặt đã lặng lẽ đi thật nhanh để ít người nhận ra mình nhất, thì họ vẫn cứ bị phát giác. Không thể không buồn khi quá nửa những ngôi sao được định giá đắt nhất World Cup 2014 đã không còn cơ hội thể hiện tài năng của mình trên sân cỏ Nam Mỹ.
Có những người còn hẹn lại 4 năm sau, có những người là không bao giờ nữa. “Memento Mori” chẳng có ai ở đỉnh cao mãi, chẳng có ai là tài giỏi toàn năng, và chẳng có ai không phải chết! Nhưng, họ cũng đã cống hiến hết mình, như Pirlo, như Ronaldo, như Xavi... họ xứng đáng được quý trọng, và tôn vinh, kể cả khi thất bại.
Cũng như “người sói Suarez” nếu không bị FIFA trừng phạt, anh cũng đã làm mất đi sự tôn trọng cần thiết của người yêu bóng đá, yêu cái đẹp. Khi Zidane húc đầu vào Materazzi, nhiều người đã trách anh, song khi biết nguyên nhân, thì cái tên Materazzi luôn gắn liền với một nhân cách tồi tệ, cũng như vì thế mà chức vô địch của tuyển Italy năm đó đã kém lung linh đi nhiều...
“Memento Mori
Cát bụi rồi về miền sa mạc
Ai rồi cũng phải chết
Đến khi nhắm mắt xuôi tay
Mới biết, mình đã sống hay chưa?”
Đoàn Ngọc Thu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất