30/09/2020 11:18 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Hòa chung các hoạt động kỷ niệm 255 năm ngày sinh và tưởng niệm 200 năm ngày mất đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820), tác giả Truyện Kiều - một kiệt tác trong nền văn học Việt Nam, triển lãm “Truyện Kiều và các bản dịch” với 73 bản dịch bằng 21 ngôn ngữ khác nhau đã được tổ chức từ 12-29/9 tại Paris, Cộng hòa Pháp. Đây là kết quả sưu tầm của nhà nghiên cứu văn học phương Đông Nguyễn Thị Sông Hương, Việt kiều Pháp, một người con Hà Tĩnh - quê hương của đại thi hào Nguyễn Du. Chị hiện công tác tại Trường Nghiên cứu cao cấp về Khoa học xã hội Paris, Pháp.
Sau khi hoàn thành chương trình thạc sỹ văn học tại Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2000, chị Sông Hương sang Pháp tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và học thạc sỹ chuyên nghiệp ngành Truyền thông, công nghệ tri thức và quản lý thông tin Đại học Sorbonne Panthéon. Ở Pháp, công tác nghiên cứu của chị Sông Hương mở rộng cả về văn hóa và lịch sử, trong đó có việc giới thiệu và quảng bá văn học Việt Nam tại Pháp và khai thác tư liệu Đông Dương.
Vốn đam mê văn chương từ nhỏ, cùng với tình yêu đối với Truyện Kiều, chị Sông Hương đã xây dựng cho bản thân kế hoạch tổ chức các sự kiện kỷ niệm, tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2020. Chị Sông Hương tâm sự: "Truyện Kiều là tác phẩm tôi được đọc, được học từ bé và sau này khi học đại học văn thì được nghiên cứu chuyên sâu hơn. Năm 2018, tôi may mắn mua được một số bản dịch Truyện Kiều ở Pháp, trong chuyến về quê mang tặng cho Bảo tàng Nguyễn Du. Sau lần tặng sách đó, quay lại Pháp, tôi dự định tổ chức các sự kiện kỷ niệm, tưởng niệm đại thi hào Nguyễn Du vào năm 2020…”.
Chị Sông Hương cũng nhận thấy ở nước ngoài vẫn còn nhiều bản dịch Truyện Kiều mà ở Việt Nam chưa biết đến. Chị cho biết: “Cho đến tháng 8/2020, các bài nghiên cứu về Truyện Kiều và Nguyễn Du của các nhà nghiên cứu cũng chỉ mới phỏng đoán khoảng 30 bản dịch. Còn về sách thì nơi tập trung nhiều bản dịch nhất là Khu lưu niệm Nguyễn Du (ở Hà Tĩnh), với khoảng 65 cuốn nhưng mới chỉ có 14 trong số 21 ngôn ngữ đã chuyển dịch. Viện Văn học là nơi thứ hai có nhiều bản dịch nhất, khoảng từ 18 đến 20 bản dịch trong bộ sưu tập sách về Truyện Kiều do gia đình cố Giáo sư Nguyễn Văn Hoàn tặng năm 2015. Còn tại Tủ sách Việt Nam của Thư viện Quốc gia Pháp có rất nhiều tư liệu quý về Truyện Kiều nhưng cũng chỉ có 6 bản dịch bằng tiếng Pháp và 3 bản dịch bằng tiếng Anh. Chính vì lý do đó mà tôi đã tập trung thời gian tìm kiếm để có thể hoàn thành bộ sách trước tháng 3/2020”. Với quyết tâm cao, sau gần 2 năm sưu tầm, chị Sông Hương đã tập hợp được 73 bản dịch Truyện Kiều bằng 21 ngôn ngữ khác nhau.
Không giấu nổi sự hãnh diện và tự hào trước kết quả ban đầu, chị Sông Hương kể tiếp: “Tôi phải tập trung hơn một năm cho việc tìm kiếm các bản dịch. Càng đi sâu vào quá trình sưu tầm thì tôi càng bị cuốn hút và quyết tâm hoàn thành. Việc này không dễ vì đa phần các bản dịch đều rất xưa và ở khắp nơi trên thế giới. Ngoại trừ một số bản dịch tiếng Pháp và tiếng Anh mới xuất bản thì còn lại rất khó kiếm, chủ yếu tìm qua hệ thống sách xưa, sách cũ. Đây cũng mà một công việc mò kim đáy bể vì có những ngôn ngữ không biết đã dịch chưa, ai dịch, dịch lúc nào và tên bản dịch, tên dịch giả, tên nhà xuất bản là gì, phải dò tìm bằng cách sử dụng từ khóa của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Cho dù là may mắn tìm thấy sách bán trên một trang mạng nào đó thì cũng khó có thể mua trực tiếp. Đây là lúc cần đến sự giúp đỡ của bạn bè, người thân trên khắp thế giới để nhờ mua sách gửi về Pháp, thậm chí là nhờ gửi về Việt Nam rồi từ Việt Nam lại gửi sang Pháp”.
Theo chị Sông Hương, 73 bản dịch là một số lượng lớn, trong khi Truyện Kiều là một tác phẩm rất khó dịch, không chỉ là việc chuyển tải ngôn ngữ, chuyển tải thơ mà còn yêu cầu hiểu biết về văn hóa Việt Nam và phương Đông. Các dịch giả đều biết rõ những hạn chế của mình nhưng họ đều cố gắng vượt rào cản ngôn ngữ và văn hóa để chuyển tải Truyện Kiều sang một ngôn ngữ khác. Nhiều bản dịch rất công phu, vừa là bản dịch vừa là một công trình khảo sát, nghiên cứu chuyên sâu, như bản dịch tiếng Pháp của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh, bản dịch tiếng Nhật của Yonosuke Takeuchi...
Qua tìm hiểu của chị Sông Hương, Pháp có lẽ là nơi tiếp nhận Truyện Kiều sớm nhất và tiếng Pháp là ngôn ngữ có nhiều bản dịch nhất, chỉ sau tiếng Anh. Từ bản dịch đầu tiên, do ông Abel Des Michels, giáo sư tiếng Việt của Trường sinh ngữ Phương Đông thực hiện vào năm 1884, đến nay đã có 11 bản dịch tiếng Pháp hoàn chỉnh, chưa kể các chuyển thể, trích dịch hay bổ sung bản dịch. Từ tiếng Pháp, nhiều dịch giả tiếp tục chuyển tải Truyện Kiều sang các ngôn ngữ khác ở châu Âu. .
Pháp cũng là nơi có khá nhiều công trình nghiên cứu về Truyện Kiều. Có thể kể tới các công trình hay bài nghiên cứu về Truyện Kiều của các học giả lớn như Trần Cửu Chấn, Maurice Durand, Hoàng Xuân Hãn, Georges Boudarel, André-Georges Haudricourt... Hiện nay các nhà nghiên cứu như Guillemin Alain ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học quốc gia Pháp (CNRS), Nguyễn Phương Ngọc ở Viện Nghiên cứu châu Á Aix-Marseille có một số bài nghiên cứu về Truyện Kiều. Trong các sách văn học Việt Nam ở Pháp thì sách về Truyện Kiều có lẽ là nhiều nhất, đặc biệt ở Thư viện Quốc gia Pháp (BNF), Thư viện Đại học về Ngôn ngữ và Văn minh (BULAC), Thư viện nghiên cứu của Viện Á Đông (UMR 5062) ở Lyon.
Về nhu cầu và mong muốn tìm hiểu Truyện Kiều trong cộng đồng người Việt Nam ở Pháp nói riêng và ở nước ngoài nói chung, chị Sông Hương, hiện là Chủ tịch Hội Văn hóa và Khoa học Pháp - Việt, Phó Chủ tịch Hội văn hóa Âu - Việt, cho rằng có người thuộc lòng từng câu của Truyện Kiều từ nhỏ, có người còn chưa có dịp tiếp xúc. Trong thời gian triển lãm, chị Sông Hương đặc biệt ấn tượng với một nhóm kiều bào xa quê từ rất lâu, tới xem và muốn nghe giảng Truyện Kiều, nên chị đã mở luôn tại chỗ một buổi đọc và nói chuyện về tác phẩm nổi tiếng này. Cũng thời gian này, có một tình nguyện viên dạy tiếng Việt đến để tìm hiểu về khả năng dạy tiếng Việt cho con em cộng đồng người Việt Nam tại Pháp thông qua Truyện Kiều, nhất là hình thức giảng dạy và những giá trị thông qua tác phẩm của Nguyễn Du….
Chị Sông Hương chia sẻ: “Tôi nhận thấy Truyện Kiều không chỉ là tác phẩm nổi bật nhất của văn học Việt Nam, là niềm tự hào Việt Nam, là lời ăn tiếng nói của dân tộc Việt Nam mà Truyện Kiều còn là tinh thần, là tâm hồn, là trái tim, là ký ức của người Việt xa xứ”. Là người Việt, mọi người đều ít nhất một lần đọc được truyện Kiều từ nguyên bản, bởi vì chỉ có đọc nguyên bản mới có thể cảm nhận được, hay cảm nhận được phần nào cái hay cái đẹp của tác phẩm mà không một bản dịch nào, không một ngôn ngữ nào có thể chuyển tải được tương ứng… Đây cũng chính là hy vọng và mong muốn của chị Sông Hương, một nhà nghiên cứu văn học Việt ở nước ngoài còn trẻ về tuổi đời, nhưng giàu niềm đam mê.
Để tiếp tục lan tỏa tình yêu Truyện Kiều cũng như đưa Truyện Kiều đến gần hơn với cộng đồng người Việt tại Pháp và những người Pháp yêu văn học Việt Nam, ngoài sự kiện tổ chức triển lãm “Truyện Kiều và các bản dịch”, nhà nghiên cứu Sông Hương còn thực hiện một bộ tem kỷ niệm 255 năm ngày sinh, tưởng niệm 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du ở Pháp. Gần 3.000 tem sử dụng tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Claudia Borcher ở Đức và họa sĩ Ngọc Mai ở Việt Nam đã được phát hành đầu tháng 9. Chương trình cũng đã nhận được sự ủng hộ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, các nhà Việt Nam học ở Pháp và trên thế giới. Dự kiến, 1.500 tem sẽ được sử dụng trong thư từ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam.
Chị Sông Hương còn đang nung nấu một ý tưởng quan trọng nữa là tập trung đầy đủ các bản dịch Truyện Kiều, đồng thời khai thác các bản dịch để phục vụ cho công tác nghiên cứu, cung cấp cho giới nghiên cứu những số liệu xác thực và cụ thể. Bên cạnh đó, chị còn đang thực hiện đề tài nghiên cứu về việc tiếp nhận Truyện Kiều và Nguyễn Du trên thế giới.
Toàn Trí - Phóng viên TTXVN tại Pháp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất