17/08/2022 19:01 GMT+7 | Văn hoá
Di cảo Thế giới của truyện Nôm (nguyên tác: L’Univers des truyện Nôm) của nhà nghiên cứu Maurice Durand do Olivier Tessier biên soạn, vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp cùng Dự án ERC - Vietnamica và Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại TP.HCM ấn hành. Sách do Marcus Durand, Nguyễn Thị Hiệp, Philippe Papin dịch và giới thiệu.
1. Maurice Durand cũng là nhà nghiên cứu của Viện Viễn Đông bác cổ. Ông sinh năm 1914 ở Hà Nội, cha là người Pháp và mẹ là người Việt. Việc mang hai dòng máu, tiếp thu hai nền văn hóa, đã đem lại cho ông lợi thế trong tiếp cận và nghiên cứu các tác phẩm truyện Nôm Việt Nam.
Năm 1966, Maurice Durand qua đời tại Paris, để lại các bản thảo chưa hoàn thiện, tản mác. Nhưng may mắn thay, được người vợ lưu giữ, cho nên độc giả ngày nay mới được tiếp cận được những di cảo của ông, trong đó có Thế giới của truyện Nôm.
Nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam của Maurice Durand đã được xuất bản như Điện thần và nghi thức hầu đồng Việt Nam, Thánh Mẫu linh tiêm, Tranh dân gian Việt Nam - sưu tầm và nghiên cứu…
Đọc qua những dòng giới thiệu và tri ân của nhóm dịch giả có thể thấy Thế giới của truyện Nôm xuất bản lần này là công trình công phu, với sự chung sức của nhiều nhà nghiên cứu sinh thời. Dù dang dở, vì ông chết do bạo bệnh, nhưng cuốn sách vẫn cho thấy lao động nghiêm túc của ông và các cộng sự.
Giáo sư Philipe Papin (Viện Khảo cứu cao cấp Pháp) nói về phần nào khó khăn, trong Lời giới thiệu: “Chẳng hạn khi biên tập cuốn sách này, thỉnh thoảng chúng tôi thấy một số tư liệu không rõ nguồn gốc, không ghi ký hiệu thư mục, có thể do tác giả sử dụng từ nguồn tư liệu tư nhân mà chúng ta không thể tra cứu được, cũng có thể do tư liệu ở thư viện đã bị mất hoặc bị chuyển sang khu lưu trữ khác. Vì thế, không ít trường hợp chúng tôi đã không thể định vị được những văn bản Nôm mà tác giả đã sử dụng, điều này gây khó hiểu về sự khác nhau giữa các bản nháp và bản thảo mà chúng tôi có được trong tay”.
Dù vậy, trong Lời nói đầu, GS Đinh Gia Khánh đã viết: “… ngoài những khuyết thiếu mà Maurice Durand lẽ ra đã có thể dễ dàng bổ sung, sửa chữa, nếu có đủ thời gian để hoàn thành chuyên khảo này, chúng ta vẫn có thể thấy được sự vận hành trong tư tưởng của ông, những phút giây tập trung suy tư trước bản thảo, nhằm cho ra đời một nghiên cứu hoàn chỉnh nhất có thể”.
Maurice Durand nhận ra nỗ lực phát triển chữ Nôm chính là biểu hiện của lòng yêu nước, của tình cảm dân tộc, góp phần để các tác phẩm này được phổ biến sâu rộng và có sức sống dài lâu. |
2. Trong quyển này, Maurice Durand tập trung nghiên cứu 18 truyện trong 34 truyện, vốn được nhắc đến trong bài thơ Nôm có tiêu đề Trống quân tân truyện, gồm 78 câu thơ lục bát: “Ai ơi thương lấy nhau cùng/ Hay là giốc chí một lòng chờ ai/ Trên đầu lược giất trâm cài/ Trong 36 chuyện anh xếp có dài hay không?”.
Nhưng Durand đã chỉ ra rằng chỉ có 34 truyện và ông đã liệt kê đầy đủ tên 34 truyện thơ Nôm này. Ngoài ra, trong phần phụ lục, tác giả còn mở rộng đối tượng nghiên cứu ra các thể loại khác như ngâm, ca, hành, văn sách, kinh nghĩa, với phần biên soạn công phu có cả Hán văn và Pháp văn.
Trong sách cũng có nhiều tranh minh họa các truyện thơ Nôm, sưu tầm từ tranh dân gian cũng như các bức minh họa Chinh phụ ngâm khúc của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Điều đáng quý ở công trình của Maurice Durand chính là lớp lang mà ông đã dày công trình bày, đi từ phân tích âm điệu thơ Việt Nam. Trong âm điệu thơ, lại chia ra các loại vần, phép đối ngẫu, thể thơ, quy luật bằng trắc của từng thể… Với những ví dụ trực quan, dễ hiểu, dễ tiếp thu với cả những ai vốn không quen các thể thơ truyền thống của Việt Nam.
Về phần các bản truyện Nôm, Durand khảo sát kỹ về mặt văn bản cũng như giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Điển hình như Kim Vân Kiều truyện. Ông xếp truyện thơ này của Nguyễn Du “nằm trong số những kiệt tác văn học Việt Nam được viết bằng quốc ngữ dân tộc”. Cùng các truyện thơ Phan Trần, Hoa tiên, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên đã “được sáng tác trong niềm tự hào vô bờ bến, đã mong muốn kiến tạo một di sản văn hóa đặc thù mang hình ảnh nhân vật chính trị dân tộc Việt Nam”.
Khi viết điều này, không rõ tác giả có cảm thấy mình như một phần Việt Nam, với nửa dòng máu từ người mẹ quê Kiến An không? Tuy vậy, ông nhận định: “chủ nghĩa dân tộc không lý giải được hoàn toàn sự thành công của các tác phẩm”, mà chính là giá trị tự thân của văn học - nghệ thuật trong từng tác phẩm làm nên điều này.
Ông dành ra nhiều trang nói về tiểu sử và thi văn chữ Hán của Nguyễn Du, quay về tìm nguồn gốc của Truyện Kiều. Lịch sử văn bản Truyện Kiều, các ấn bản đầu tiên, cũng như những cuộc bút chiến xung quanh tác phẩm này.
Theo quan điểm cá nhân, học giả Maurice Durand nhận định: “Nguyễn Du đã thành công tuyệt đối nhằm thể hiện bằng thơ vẻ đẹp và sự sâu sắc như những bức vẽ Trung Hoa gợi ra cho chúng ta, sự phong phú cả về nội dung lẫn phong cách, sự thống nhất về kết cấu hiếm thấy ở những truyện Nôm khác, Truyện Kiều thêm vào chất liệu để có thể suy ngẫm và đối thoại cả về nghệ thuật lẫn những vấn đề luân lý đạo đức”.
Qua các công trình của mình, Maurice Durand đã thể hiện được tài năng của một nhà sử học, ngữ văn học, nhà phê bình, nhà phân tích mỹ thuật, ẩn trong một nhà nghiên cứu thông tuệ, nhưng vắn số.
18 truyện Nôm mà Maurice Durand nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện |
An Kha
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất