Đời sống thời Bao cấp (bài 15): Sau chiến tranh

09/08/2014 15:01 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đầu đường đại tá bơm xe

Cuối đường trung tá bán chè đỗ đen

Ngoài đường thiếu tá ê kem

Trong làng đại úy thổi kèn đám ma

Thượng úy thì đi buôn gà

Trung úy về nhà theo đít con trâu

Hỏi chàng thiếu úy đi đâu

Ba lô lộn ngược nhẩy tầu Bắc Nam.

(Ca dao của bộ đội phục viên sau chiến tranh).

Bài ca dao trên được phổ biến trong giới bộ đội phục viên, giải ngũ sau chiến tranh, từ 1973 - 1975. Cuối năm 1978 nó được thêm một đoạn thế này: Bao giờ Bành trướng kéo sang/Tướng Giáp kêu gọi/Anh em ta lại sẵn sàng ba lô lên đường.


Sau chiến tranh, nhiều quân nhân quay lại với đời sống thường ngày. Ảnh David Alan Harvey, chụp tại cầu Long Biên, Hà Nội năm 1989. Nguồn: reds.vn

Sau Hiệp định Paris năm 1973, bộ đội chiến đấu lâu năm trong chiến trường miền Nam tùy theo được trở về nhà dần dần, số lượng những chiến sĩ về nhà tăng lên nhiều sau khi đất nước thống nhất, năm 1975. Nhưng sau chiến tranh, mọi chuyện không dễ dàng như người ta tưởng. Mọi nguồn hàng viện trợ bị cắt ngay lập tức, khắp đất nước, còn ngổn ngang bom mìn, nhà cửa đổ nát, mọi thứ chưa được phục hồi. Những người lính về nhà trước tiên là lao vào gánh vác trách nhiệm người đàn ông trong gia đình bấy lâu đặt vào vai người vợ. Trong suốt thời bao cấp đến đầu thời đổi mới, giá cả tăng hàng ngày, đồng tiền cũng mất giá hàng ngày, dẫn đến tình cảnh ngay đồng lương của những sĩ quan quân đội cũng không mấy giá trị. Từ bậc đại tá trở xuống đến thiếu úy, không trừ ai, đều phải ra đường làm ăn, vất cả vô cùng. Những sĩ quan cấp tá trở lên hầu hết đã lớn tuổi, có người đi bộ đội từ thời chống Pháp, bệnh tật nhiều, việc trở lại làm nông dân hay đi buôn bán vặt đối với họ là điều vừa khổ tâm, vừa khó khăn. Từ đại úy trở xuống, trẻ hơn và năng động hơn, cách tốt nhất là theo các đoàn tàu Bắc Nam đi buôn. Hoa quả, hồ tiêu, cà phê, xà phòng, quần áo, gạo… được đưa từ Nam ra Bắc, ngược lại hành, ớt tỏi, kếp, xăng dầu, đường sữa, thuốc men và nhiều nguyên liệu được buôn vào Nam. Những chuyến tàu lúc đó chạy từ Hà Nội đi ga Hòa Hưng Sài Gòn, mất hàng tuần và đầy ắp người và hàng hóa. Chỉ có những người lính khỏe mạnh tháo vát mới bảo vệ và đưa hàng đến nơi an toàn và cũng có khả năng đối đáp với thương nghiệp. Thương binh, lính giải ngũ lúc đó cũng là những thế lực, những người từng chiến đấu, nên được nể trọng ít nhiều. Hàng đoàn thương binh, dù không què cũng mang nạng ra đường bảo kê, hoặc trực tiếp buôn bán, đôi khi họ cũng gây những xáo trộn không tốt. Một số ít bộ đội về làng được sử dụng làm cán bộ mới, nhiều người cũng có vai vế trong các cơ quan ở miền Nam và nhanh chóng trở thành các ông giám đốc, nhà kinh doanh, nhà khoa học, nghệ sĩ… mặc dù mù tịt về chuyên môn, điều đó đã kéo thụt lụt sự phát triển của doanh nghiệp và công nghệ hậu chiến, gây hậu quả cho đến tận bây giờ.


Một cựu chiến binh ở nông thôn. Ảnh Phillip Jones Griffiths, chụp năm 1980 tại miền Bắc. Nguồn: reds.vn

Tuy nhiên một số không ít bộ đội về làng ốm yếu, bệnh sốt rét kéo dài, nhiều người không chết trên chiến trường, nhưng chết yểu sau vài ba năm ở nhà. Nhiều người khác nhiễm các chất độc chiến tranh sinh những lứa con tàn tật trong các năm 1976 - 1980, mà họ không hề hay biết nguyên nhân, cho đến khi có những cuộc điều tra về chất độc màu da cam được công bố. Hàng loạt bộ đội về nhà trong bi kịch có sẵn, những bà vợ có thêm con mà không phải của chồng mình, có người bỏ đi từ lâu, những cuộc hôn nhân vài ba ngày trước khi nhập ngũ thật là non dại, thậm chí để lại những cô gái chỉ được làm đàn bà có một vài ngày rồi ở vậy suốt đời. Những người lính từng ở bên kia chiến hào - lính Cộng hòa miền Nam cũ cũng nhọc nhằn không kém. Họ không có lương, trợ cấp, thời gian đầu một số phải đi cải tạo, nhiều cô vợ đi chạy xe ôm, chạy chợ, sau này đội ngũ xe ôm mặc áo lính cũ hôi hám nhan nhản ở miền Nam hầu hết đều là lính Cộng hòa, đến khi họ thấy một bạn xe ôm lại là người lính miền Bắc vào thì có lẽ đó là giờ phút hòa hợp dân tộc nhất.


Một cựu binh hồi hương làm nghề sửa chữa nạng chân. Ảnh Phillip Jones Griffiths, chụp năm 1980 tại miền Bắc. Nguồn: reds.vn

Sau năm 1975, hầu hết bộ đội tham gia chiến trường miền Nam được giải ngũ, trừ những người nhập ngũ muộn hơn những năm 1974, 1975 trong những đợt tổng động viên cuối cùng. Những lính mới này bắt đầu tham gia làm kinh tế trong quân đội và chuẩn bị cho hai cuộc chiến tranh bất đắc dĩ sau đó với Pon Pot năm 1978 và bành trướng Trung Quốc năm 1979. Hai cuộc chiến sau mang tính chất bộ binh nhiều hơn, giống như chiến tranh Thế giới thứ hai, nên mức độ tàn bạo là trông thấy. Tuy nhiên không như chiến tranh chống Mỹ, không có niên hạn nhập ngũ, mà thời hạn nghĩa vụ quân sự được thực hiện, ba hay bốn năm năm tùy theo từng binh chủng. Đời sống bộ đội sau năm 1975 tất nhiên tốt hơn rất nhiều so với bộ đội trước năm 1975, trong khi đời sống nhân dân nói chung sau năm 1975 đi xuống hàng ngày và vô cùng gian khó cho đến tận thời Đổi mới. Lương thực và mọi cung ứng cho quân đội vẫn được đảm bảo theo giá bao cấp và dường như chưa bao giờ thiếu hàng hóa, chưa kể những hàng tồn kho cho chiến tranh, như thuốc men, đường sữa, quần áo, lương khô… cũng cần được giải thể nếu không quá hạn. Bộ đội sau năm 1975 được phát rất nhiều thuốc lá, lương khô, đường sữa và quần áo tốt.

(Còn nữa)

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link