26/06/2015 15:03 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Từ màu đỏ rực đất nện đến xanh mướt sân cỏ, từ trang phục thoải mái tại Paris đến quy định khắt khe ở All England Club, từ những huyền thoại Wimbledon chưa bao giờ vô địch Roland Garros, và ngược lại. Đó là hai Grand Slam hoàn toàn khác biệt.
Gần 3 thập kỷ kể từ khi Bjorn Borg lập cú đúp Roland Garros-Wimbledon (hay còn gọi là Channel Slam), quần vợt thế giới mới lại chứng kiến những chiến tích tương tự của Rafael Nadal (2008, 2010), và Federer (2009). Trong vòng 2 thập kỷ qua, có đúng 1 tay vợt nữ giành Channel Slam là Serena Williams (2002).
Cuộc chiến mặt sân
Năm 2007, Nadal đã là một quyền lực trên mặt sân đất nện, Federer khi đó đã được coi là người kế tục Pete Sampras trên mặt sân cỏ, nhưng cả hai đều bất lực trên mặt sân sở trường của đối phương. Và thế là “Battle of the Surface” ra đời. Dù chỉ mang tính chất biểu diễn, song cuộc so tài ở Mallorca ấy thực sự là có một không hai bởi sân đấu được chia đôi - một mặt cỏ, một mặt đất nện.
Nadal đã thắng 7-5, 4-6, 7-6 (10) trong trận ấy, như một lời khẳng định rằng anh sẵn sàng chinh phục mặt sân cỏ. Và quả thực, hè 2008, anh đã thực hiện được quyết tâm của mình, nhưng Federer cũng không chịu kém khi hoàn tất Grand Slam một năm sau đó. Song những người như họ trong lịch sử là cực hiếm.
Các tay vợt thường xây dựng cho mình một phong cách riêng ngay từ khi bước vào sự nghiệp nhà nghề, và thông thường, nó chỉ có thể phát huy tối đa tác dụng trên một mặt sân. Đó là lý do họ gặp nhiều khó khăn khi tham dự hai Grand Slam trái ngược hẳn nhau chỉ sau hai, ba tuần. Mặt sân cỏ trơn trượt khiến bóng ít khi bay quá đầu gối, trong khi ở sân đất nện, những cú xoáy cồng của Nadal có thể khiến bóng cao đến 1m30. Một khi không thể điều chỉnh để thích nghi, các tay vợt sẽ khó lòng chiến thắng. Tương tự, tốc độ trái bóng trên mặt sân cỏ cũng nhanh hơn hẳn sân đất nện.
Những yếu tố đặc thù ấy khiến người chơi khó phán đoán điểm rơi của bóng dẫn đến khả năng trả giao bóng cũng như di chuyển. Mặt sân cỏ cũng phù hợp với lối chơi giao bóng và lên lưới cũng như những quả cắt hơn là sân đất nện.
Những khác biệt
Ngoài khác biệt căn bản về lối chơi, Roland Garros và Wimbledon còn trái ngược nhau trong rất nhiều khía cạnh khác.
Nhìn chung, Wimbledon được đánh giá là trang trọng và cầu kỳ hơn về thể thức so với Roland Garros. Có lẽ đó là đặc thù của giải đấu được khai sinh sớm nhất tại xứ sở sương mù, vốn nổi tiếng là bảo thủ. Trong những năm đầu, giải đấu thậm chí còn có sự tham gia của nhiều nhân vật trong dòng dõi hoàng tộc nên yếu tố trang nghiêm được đặt lên hàng đầu. Wimbledon cũng là giải đấu duy nhất bắt buộc các tay vợt phải mặc trang phục "chủ yếu là màu trắng" trong các trận đấu chính thức của giải.
Trước đây, truyền thống của Sân Trung tâm còn đòi hỏi các vận động viên khi vào sân và khi rời sân phải cúi chào các người thuộc hoàng tộc ngồi trong Chỗ Ngồi Hoàng Gia (Royal Box), nhưng kể từ sau 2003 họ chỉ phải chào khi có sự hiện diện của Nữ hoàng (Elizabeth II) hay Thái tử (Charles). Tại Wimbledon, quần vợt mới đích thực đúng nghĩa của “môn thể thao quý tộc”.
Có một điều mà Wimbledon ăn đứt Roland Garros: đó là họ sở hữu hệ thống mái che vô cùng hiện đại ở sân trung tâm. Do thời tiết ở London hay mưa nên người ta đã lắp mái che di động, và công trình này được hoàn thành năm 2009.
Phương Chi
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất