29/06/2014 13:21 GMT+7 | World Cup 2018
(Thethaovanhoa.vn) - Chắc hẳn không nhiều người biết Leroy Fer là ai. Xin thưa, đó là tiền vệ của tuyển Hà Lan, đang chơi cho CLB Norwich. Xét về tài năng, Leroy Fer dĩ nhiên không thể sánh được với Lionel Messi nhưng xét về hiệu suất ghi bàn, lại ăn đứt siêu sao người Argentina.
Chỉ cần 15 phút, tiền vệ dự bị của "Oranje" đã có một bàn còn Messi trung bình cần tới 67,5 phút mới nổ súng. So sánh này khá khôi hài nhưng một vài con số thống kê khác lại rất ý nghĩa, cho chúng ta một cái nhìn khác về vòng bảng.
Đội nào phạm lỗi nhiều nhất vòng bảng? Honduras? Không, Hà Lan, một thời là tượng đài của bóng đá đẹp, mới là đội chơi xấu nhất với 68 lỗi. Honduras chỉ phạm 46 lỗi, còn xếp sau cả Costa Rica, Colombia và 7 đội khác. Về thẻ phạt, Bờ Biển Ngà dẫn đầu với 7 thẻ phạt còn Honduras cùng 4 đội khác xếp sau, kém hơn một thẻ.
Ngược lại, đội bóng nào bị phạm lỗi nhiều nhất? Tây Ban Nha, đội bóng nằm cùng bảng với Hà Lan chăng? Hay Brazil? Không. Đội đáng thương đó là...Hy Lạp, đã 61 lần bị phạm lỗi. Cầu thủ bị chặt chém nhiều nhất là Georgios Samaras. Tiền đạo của Hy Lạp đã kiếm được 17 quả đá phạt, bằng Alexis Sanchez và nhiều hơn cả Messi và Neymar cộng lại.
Một con số khác cho thấy cái nóng ở Brazil ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng trận đấu. Thời gian giữ bóng trung bình chỉ là 55,5 phút, kém hơn 14,3 phút so với 4 năm trước. Tuy nhiên, bất chấp cái nóng này, Michael Bradley (Mỹ) đã chạy tới 38 km trong 3 trận. Còn Javier Mascherano cũng tung ra tới 278 đường chuyền, nhiều hơn Toni Kroos (260), Philipp Lahm (252) hay Andrea Pirlo (249).
Tiki-taka phải chết?
Một xu hướng khác là dường như có nhiều đội thích đá tiki-taka hơn. Trung bình mỗi trận có 384 đường chuyền, nhiều hơn 21 đường so với Nam Phi 2010. Italy và Tây Ban Nha là 2 đội đứng đầu về tỷ lệ kiểm soát bóng (61,4% và 57,6%), tổng đường chuyền (2.071 và 1.859) lẫn tỷ lệ chuyền thành công (85% và 82%).
Tuy nhiên, chuyền nhiều không phải lúc nào cũng thắng. Cả Italy và TBN đều sớm bị loại. Còn Algeria dù chuyền ít hơn TBN 800 lần, tỷ lệ thành công chỉ là 68% vẫn đi tiếp. Hà Lan dù chỉ kiểm soát 39,5% bóng thậm chí còn đứng đầu bảng với 3 trận toàn thắng. Tương tự, không phải cứ sút nhiều là tốt. Ghana sút tới 59 quả nhưng chỉ kiếm được 1 điểm còn Chile chỉ cần 25 pha dứt điểm (nhiều hơn Cristiano Ronaldo 3 lần) đã vào vòng 1/8.
Xét trong các giải vô địch châu Âu, các cầu thủ chơi ở Bundesliga góp 26 bàn, Premier League xếp sau với 1 bàn ít hơn. La Liga chỉ có 20 còn Serie A thậm chí chỉ có 10. Các cầu thủ Man United ghi được 8 bàn, chỉ kém Barcelona (9) và Bayern (13). Một thống kê thú vị khác là có 7 đội đã lội ngược dòng thành công và các cầu thủ dự bị đã ghi tới 24 bàn, nhiều nhất trong lịch sử World Cup.
T.K.A (theo The Guardian)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất