Đội tuyển Việt Nam có thiếu chất thép?

06/12/2024 05:55 GMT+7 | AFF Cup 2024

Ngoại trừ Hoàng Đức, không tiền vệ nào của đội tuyển Việt Nam cao quá 1m70. Phải chăng chúng ta đang thiếu chất thép, nhất là khi đối đầu với những đội bóng có tuyến giữa giàu sức mạnh?

1. Trong bóng đá hiện đại, thể hình đóng vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt ở tuyến giữa - nơi diễn ra những pha tranh chấp quyết liệt nhất. Thế nhưng, một điều dễ nhận thấy ở danh sách đội tuyển Việt Nam tham dự AFF Cup 2024 vừa được công bố là sự thiếu vắng những tiền vệ có thể hình vượt trội.

Các tiền vệ như Quang Hải (1m66), Lê Phạm Thành Long (1m65), Khuất Văn Khang (1m68), Nguyễn Hai Long (1m68), Châu Ngọc Quang (1m70) và Doãn Ngọc Tân (1m69) rõ ràng gặp bất lợi trong các pha không chiến và tranh chấp tay đôi. Tiền vệ duy nhất có chiều cao trên 1m70 là Hoàng Đức (1m83). Nhưng thực tế, Đức cũng không phải mẫu cầu thủ giàu sức mạnh và tranh chấp tốt, mà thiên về cầm nhịp và triển khai tấn công hơn.

So với các đối thủ chính tại AFF Cup 2024, sự khác biệt là rất rõ ràng: Indonesia dù thiếu các cầu thủ nhập tịch vẫn có những tiền vệ thể hình trội hơn chúng ta như Marselino Ferdinan (1m78), Achmad Maulana (1m82), chưa kể họ nổi tiếng với lối đá nhiệt, giàu sức mạnh. Đối thủ còn lại trong bảng là Philippines vốn sử dụng nhiều cầu thủ gốc châu Âu, với chiều cao trung bình tuyến giữa xấp xỉ 1m80.

Thái Lan nổi tiếng chơi kỹ thuật, song họ không hề thiếu sức mạnh. Với tuyến giữa thể hình tốt như Weerathep Pomphan (1m82), William Weidesjo (1m82), Seksan Ratree (1m77), hàng tiền vệ tuyển Thái đủ sức mạnh trong những trận chiến tay đôi. Malaysia cũng gia tăng đáng kể chất thép với những Stuart Wilkins (1m80), Endrick (1m82), và Kutty Abba (1m86).

Tiêu điểm: Đội tuyển Việt Nam có thiếu chất thép? - Ảnh 1.

Ngoại trừ Hoàng Đức, 6 tiền vệ còn lại của đội tuyển Việt Nam đều dưới 1m70

2. HLV Kim Sang-sik phải đối mặt với một bài toán không hề dễ dàng: làm sao bù đắp điểm yếu về thể hình mà không làm mất đi sự linh hoạt và sáng tạo vốn là thế mạnh của các tiền vệ Việt Nam.

Có một số gợi ý cho chiến lược gia người Hàn. Thứ nhất: đẩy một số trung vệ như Bùi Hoàng Việt Anh (1m86) hoặc Đỗ Duy Mạnh (1m80) lên, Việt Nam có thể gia cố sức mạnh tranh chấp ở tuyến giữa. Nhưng điều này có thể làm giảm tính cơ động trong lối chơi và đòi hỏi các trung vệ phải thích nghi nhanh với vị trí mới. Thứ hai, sử dụng sơ đồ linh hoạt hơn. Thay vì duy trì hệ thống 4-3-3 hoặc 4-2-3-1 quen thuộc, HLV Kim có thể chuyển sang sơ đồ 3-5-2, với các tiền vệ biên hỗ trợ phòng ngự và tận dụng sức mạnh ở cánh. Điều này giúp giảm áp lực tranh chấp trực diện cho các tiền vệ trung tâm.

Chơi bóng ngắn, tốc độ cao cũng là một giải pháp và thực tế là sở trường của Việt Nam dưới thời các HLV trước đây. Thay vì đối đầu trực diện, đội tuyển có thể dùng khả năng kiểm soát bóng và kỹ thuật để hạn chế sự áp đảo về thể hình của đối thủ. Còn về lâu dài, điều quan trọng là cải thiện sức bền và sức mạnh cơ bắp cho các tiền vệ. Đây là điều các đội bóng Đông Nam Á đang chú trọng và Việt Nam không phải ngoại lệ.

3. Sự bất lợi về thể hình không phải là điều mới mẻ với đội tuyển Việt Nam, nhưng dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik, các phương án chiến thuật và cách tiếp cận trận đấu có thể là chìa khóa giải quyết vấn đề này. ASEAN Cup 2024 sẽ là cơ hội để kiểm chứng, liệu Việt Nam có thể biến bất lợi thành lợi thế, và vượt qua những thách thức để khẳng định vị thế trên đấu trường khu vực.

Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào sự thích nghi, bản lĩnh và cả quyết tâm của "Những chiến binh Sao vàng" trên hành trình chinh phục danh hiệu.

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link