Đội tuyển Việt Nam: Từ tốt hơn đến… tốt hơn nữa

31/05/2024 05:45 GMT+7 | Bóng đá Việt

Tuần sau, tân HLV Kim Sang Sik sẽ có màn ra mắt với khán giả Việt Nam trong một trận đấu chính thức ở vòng loại World Cup 2026. Nếu không tính đến các HLV tạm quyền, thì thử thách này là điều chưa từng xảy ra với các HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Thế là ngay từ trận đầu tiên, ông Kim đã phải có đáp án cho bài toán: Làm thế nào có thể từ tốt hơn đến tốt hơn nữa.

1. Thể thao Việt Nam có những tin vui liên tiếp gần đây. Chúng ta có chiếc HCV trên đường chạy tiếp sức 4x400m nữ châu Á, thêm một nhà vô địch thế giới ở carom 3 băng và các cô gái chân dài đã bảo vệ thành công chức vô địch bóng chuyền châu Á AVC Challenge Cup 2024.

Đó là những chỉ dấu về khả năng phát triển của thể thao đỉnh cao nước nhà. Ngoài vị thế là nền thể thao số 1 Đông Nam Á, thì nhiều môn thể thao của chúng ta đang nổ lực "tấn công" vào các mục tiêu lớn ở tầm châu lục và thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh các thông tin vui, thì băn khoăn lớn nhất là liệu chúng ta đã cà sẽ đi xa đến đâu. Vì có một thực tế cũng đang diễn ra, đó là số suất dự Olympic Paris 2024 vẫn chưa đạt được mục tiêu. Mà ở đấu trường vĩ đại đó, thể thao Việt Nam nằm trong nhóm "kẻ ngoài cuộc".

Đội tuyển Việt Nam: Từ tốt hơn đến… tốt hơn nữa - Ảnh 2.

HLV Kim Sang Sik bắt đầu công việc ở ĐT Việt Nam bằng một trận đấu chính thức mà không có sự thử nghiệm hay chuẩn bị. Ảnh: Hoàng Linh

Lấy câu chuyện của bóng chuyền nữ Việt Nam. Họ vừa giành chức vô địch AVC Challenge Cup 2024 để trở thành đại diện châu Á dự FIVB Challenge Cup 2024, nơi mà đội vô địch sẽ có suất dự Nation League – giải đấu được xem là World Cup bóng chuyền nữ thế giới. Việc bảo vệ thành công danh hiệu AVC Challenge Cup cho thấy sự ổn định về đẳng cấp của bóng chuyền nữ Việt Nam, qua đó cũng lần đầu tiên lọt vào tốp 40 thế giới (hạng 36).

Tuy nhiên, nếu xem AVC Challenge là một cột mốc của quá trình phát triển, thì việc đạt đến cột mốc kế tiếp như giành suất dự Nation League lại không đơn giản. Đó không phải là kiểu vượt qua cái này thì sẽ đạt đến cái kia. Không phải tự nhiên mà LĐBC thế giới (FIVB) tạo ra nhóm 11 đội bóng "cốt lõi" để tạo ra Nations League, để trống ra 5 suất cho các đội phải trả qua những giải Challenge.

Đại loại là sẽ có một nhóm các đội ở đẳng cấp "tốt nhất", phần còn lại là tốt hoặc tốt hơn nhưng rất khó để thành tốt nhất. Ví dụ như đội nữ Thái Lan dù cùng tại khu vực Đông Nam Á nhưng lại là đội "cốt lõi" thuộc nhóm "tốt nhất" của thế giới, vì thế mà dù các cô gái Việt Nam tiến bộ rất nhiều thì cứ gặp họ là thua. Mục tiêu hiện tại của chúng ta là thắng họ 1-2 set đấu trong các lần đối đầu mà thôi.

Những môn thể thao ở đẳng cấp Olympic đều có các giới hạn và thách thức tương tự. Như môn điền kinh, chúng ta có thể thắng các giải đấu tại châu Á hay làm số 1 ở Đông Nam Á nhưng xét về thành tích thì vẫn còn khoảng cách diệu vợi so với thế giới. Thế nên, câu chuyện từ tốt đến tốt hơn là cả một quá trình không tính năm, mà bằng thập niên, với điều kiện phải kiên trì đầu tư bằng chiến lược rõ ràng.

2. Trở lại với thách thức dành cho HLV Kim Sang Sik. Phải bắt đầu công việc khó khăn bằng một trận đấu chính thức quả là một trải nghiệm không mấy hợp lý với một người gần như không có kinh nghiệm dẫn dắt đội tuyển quốc gia.

Chỉ vài ngày để tập luyện, không có lấy một trận giao hữu chọn đội hình. Chỉ có chút an ủi là đối thủ sắp đến bị đánh giá thấp hơn, chúng ta lại có lợi thế sân nhà. Nhưng đúng là chưa có HLV đội tuyển nào rơi vào hoàn cảnh như ông Kim và nếu ông xoay sở được thì rất đáng khen.

Dù sao, trong cái không hay, thì ông Kim Sang Sik cũng có sự may mắn là không phải chịu quá nhiều áp lực. Những gì mà ông cần phải làm sắp đến chỉ là làm sao để biến một đội tuyển đang tốt, thành tốt hơn. Bối cảnh hiện tại khác lúc ông Philippe Troussier mới nhận nhiệm sở. Khi đó, chúng ta đang tham vọng trở thành một trong các đội "tốt nhất" của châu lục. Lúc đó, đội tuyển Việt Nam từng vào đến vòng loại thứ 3 World Cup, ở rất gần một chổ trong tốp 10 châu Á.

Vậy nhưng chỉ cần nôn nóng đi nhanh một chút, thì thất bại liên tục đến và kéo lùi bóng đá Việt Nam về vị trí cũ. Thế mới thấy, để vào nhóm 20 đội hàng đầu chỉ cần khoảng 10 năm phát triển liên tục, nhưng muốn vào tốp 10 có khi mất hàng nhiều thập kỷ, thậm chí có khi không thể đạt được.

Công việc của ông Kim có áp lực nhưng cụ thể hơn. Đội tuyển bây giờ chỉ cần tốt hơn những gì đang có, là ổn rồi. Tham vọng dự World Cup có lẽ vẫn còn đó, nhưng sau lần đặt sai chỗ, thì hiện đang lùi đến một thời điểm chưa biết trong tương lai. Mục tiêu của ông Kim là chơi tốt trong 2 trận sắp đến, vào chung kết AFF Cup 2024, được đánh giá là phù hợp và thực tế.

3. Nhưng như đã thấy ở các môn thể thao đỉnh cao nằm trong nhóm môn Olympic vốn đòi hỏi rất nhiều yếu tố để thành công, việc từ tốt thành tốt hơn không hề là chuyện đơn giản. Chúng ta đang có một thế hệ VĐV khá đẹp, những người được phát triển tài năng trong giai đoạn 2016-2020, thời điểm thăng hoa nhất của nền thể thao chuyên nghiệp có sự đầu tư mạnh từ ngân sách lẫn nguồn lực xã hội.

Đó cũng là lúc mà thể thao Việt Nam vươn lên ngôi đầu SEA Games. Nhưng thế hệ VĐV ấy đang bắt đầu đi qua phần đỉnh cao sự nghiệp mà lại chưa có những người tiếp nối.

Đó là bài toán khó mà bóng đá đang phải giải, và cũng sẽ là vấn đề của nhiều môn thể thao khác. Bản danh sách triệu tập đầu tiên ở triều đại Kim Sang Sik vẫn chủ yếu là các cái tên có từ thời HLV Park Hang Seo.

Nhiều người trong số đó đã khoác áo đội tuyển từ năm 2016-2017. Về lý thuyết, họ có tên tức là đang tốt nhất ở thời điểm hiện tại so với mặt bằng chung. Vấn đề là họ đều đã "tốt nhất" trong 8 năm qua, thì chuyện làm sao để họ "tốt hơn" đúng là bất khả thi.

Nhìn rộng ra, thì việc làm sao để đội tuyển hiện nay trở thành tốt như cũ đã không dễ, muốn họ tốt hơn, thì không biết có nằm ngoài tầm tay của HLV Kim Sang Sik hay không. Nên cạnh đó, với thực trạng như vậy, thì các mục tiêu hay chiến lược phát triển mới của bóng đá Việt Nam là gì, cụ thể ra sao, bởi ngay cả những cầu thủ ít tuổi mà ông Kim gọi lên trong đợt này thì cũng chẳng thể xem là nhân tố để hi vọng cho tương lai được nữa. Nếu ông Kim không thể làm cho đội tuyển hiện tại tốt hơn, thì phần kế tiếp sẽ như thế nào?

Hoàn cảnh của ông Kim Sang Sik hiện tại có thể xem là có điểm xuất phát thấp nhất kể từ thời của HLV Henrique Calisto năm 2008. Nên kỳ vọng lớn nhất đối với nhiệm kỳ của ông là giữ nguyên được những yếu tố ưu tú nhất của đội bóng hiện tại, để bóng đá Việt Nam có thêm thời gian tính toán một cách làm mới và hy vọng sẽ có những chuyển biến tích cực hơn về chất lượng con người cũng như chuyên môn từ V-League, nơi cũng đang loay hoay với bài toán từ tốt đến tốt hơn.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link