Dư âm trận Áo – Pháp 3-1: Biến đi, Domenech!

01/09/2008 10:13 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Lời ấy, người Pháp đã nói không biết bao nhiêu lần. Giờ đây, họ lại phải đau đớn cất lên một lần nữa, như để xua đuổi thứ tà ma “ám” đội tuyển Pháp suốt 4 năm vừa qua.

Chỉ phá là giỏi

Đừng để thành tích á quân thế giới tại World Cup 2006 làm lóa mắt. Trong một bài trả lời phỏng vấn trên tờ L’Equipe sau thất bại của đội tuyển Pháp ở EURO 2008, chính Zinedine Zidane đã khẳng định Raymond Domenech là một kẻ bất tài và lẽ ra không được phép dẫn dắt “Les Bleus”.
 
Bức xúc với năng lực của Domenech cũng như thái độ của Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) cộng với lo lắng cho vận mệnh của đội tuyển quốc gia mà Zidane cùng hai cựu binh, trung vệ Lillian Thuram và tiền vệ phòng ngự Claude Makelele, đã quyết định quay trở lại để giúp “Les Bleus” vượt qua vòng loại World Cup 2006 vào thời điểm ngặt nghèo nhất.
 

Và cũng chính Zidane chứ không ai khác mới là nhân tố chính giúp bóng đá Pháp vươn đến ngôi á quân thế giới khi giải đấu diễn ra trên đất Đức. Trong khi Zidane và các đồng đội chiến đấu cật lực, như những đấu sĩ thực thụ trên sân cỏ, thì Domenech chỉ biết khoanh tay đứng nhìn, với những giải pháp thay người cố định mà ai cũng biết trước là cầu thủ nào sẽ thay cầu thủ nào và thay vào lúc nào. Vì quá thất vọng với Domenech, Zidane buộc phải nói ra những điều mà lẽ ra, anh đã giữ im lặng. Zizou làm tất cả cũng chỉ với hy vọng FFF có sự chuyển biết trong cách dùng người, mạnh tay gạt Domenech sang một bên thay vì giữ ông lại cho đến World Cup 2010.

Số phận Domenech sau EURO 2008 như một người đứng trước giá treo cổ. Nhưng tất cả đã an bài sau một cuộc mổ xẻ thất bại và bỏ phiếu tín nhiệm mà đạo diễn là Jean-Pierre Escalettes, Chủ tịch FFF đồng thời là bạn thân của Domenech. Thay vì ra quyết định sa thải Domenech ngay lập tức sau thất bại tồi tệ ở EURO 2008, Escalettes tuyên bố cần thêm 2 tuần để “phân tích nguyên nhân thất bại” rồi luận tội Domenech cũng chưa muộn. Quãng thời gian ấy đủ để ông vận động hành lang đối với 21 thành viên còn lại của FFF nhằm tìm kiếm sự ủng hộ, đồng thời khiến cơn giận của người hâm mộ Pháp phần nào nguôi ngoai. Và Escalettes đạt được điều mong muốn: Giữ người bạn thân Domenech lại trên chiếc ghế HLV đội tuyển Pháp đồng thời tránh cho FFF khoản bồi thường 6 triệu euro nếu ra quyết định sa thải.

Pháp không thiếu người tài

Bóng đá Pháp đang trong cơn khủng hoảng ở đội tuyển quốc gia, nhưng không phải xuất phát từ yếu tố cơ bản nhất là con người. “Les Bleus” chỉ tụt dốc vì cách làm quan liêu, vô trách nhiệm của FFF, đặt niềm tin mù quáng vào một con người mà cả nước Pháp đều chống lại. Domenech nổi tiếng lập dị, bảo thủ và mê tín. Một HLV chọn cầu thủ vì hợp với sao chiếu mệnh, vì sự yêu thích cảm tính mà không căn cứ vào tài năng cũng như phong độ của từng người thì rõ ràng không xứng với vai trò là “thuyền trưởng” của đội bóng đại diện cho bộ mặt của quốc gia. Người Pháp đang có rất nhiều chiến lược gia giỏi, già có mà trẻ cũng có, như Aimet Jacquet, Gerard Houllier, Dididier Deschamps hay Laurent Blanc – tất cả đều hoàn toàn thay thế được vai trò của Domenech ở đội tuyển Pháp. Nhưng FFF, mà đứng đầu là Chủ tịch Escalettes, đã nói không, quay lưng với tất cả để tiếp tục dành sự ủng hộ một cách thái quá cho “kẻ bất tài” Domenech, chỉ phá là giỏi.

Từ cách lựa chọn nhân sự, bố trí đội hình đến quyết định lối chơi và điều chỉnh chiến thuật tùy vào từng thời điểm của trận đấu, Domenech luôn thể hiện sự “khác người”. Sự khác biệt ấy, nếu hàm chứa những tư duy có tầm chiến lược và khôn khéo, mang lại thành công cụ thể thì một là một lẽ. Thực tế, Domenech chỉ làm thui chột một thế hệ tài năng của bóng đá Pháp, những người được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của các bậc đàn anh từng giành được trong giai đoạn 1998 – 2000, với đỉnh cao là chức vô địch thế giới và vô địch châu Âu trong 2 năm liên tiếp.

Những động thái có phần “mị dân” của FFF và Domenech, từ việc “quy chế hóa” cách hành xử của các cầu thủ trên sân đến việc bổ nhiệm đội ngũ y tế và trợ lý mới, không thể làm thay đổi bản chất của vấn đề. Lịch sử thế giới cho thấy, một cuộc cách mạng chỉ thành công nếu có sự thay đổi căn bản về chất, cụ thể là giai cấp cầm quyền. Điều kiện cần cho thành công của cuộc cách mạng bóng đá Pháp chính là việc lật đổ chiếc ghế của Domenech để thay bằng một con người mới, có tài và có tâm hơn.

Thực tế, thất bại trước Áo là điều không ai mong muốn nhưng chưa phải là thảm họa. Cơ hội cho người Pháp dự World Cup 2010 vẫn còn nguyên, nằm chính trong tay họ. Nhưng nếu tiếp tục duy ý chí, không có sự thay đổi căn bản về chất, thì việc bóng đá Pháp vắng mặt ở Nam Phi hai năm nữa cũng không có gì là quá bất ngờ, khi mà Áo đang tiến bộ từng ngày dưới bàn tay của Karel Bruckner, Serbia không giấu giếm tham vọng còn Romania cũng vẫn là đối thủ đáng gờm.

Nếu Domenech ra đi, ai sẽ thay?

1. Aimet Jacquet: 66 tuổi, Jacquet vẫn còn trẻ hơn 2 năm so với Karel Bruckner của đội tuyển Áo và vẫn đủ khả năng làm việc thêm vài năm nữa. Jacquet, dẫn dắt đội tuyển Pháp từ 1993 đến 1998, là người đã đặt nền móng và đưa bóng đá Pháp lên đến đỉnh cao vinh quang, ở World Cup 1998 và sau đó là EURO 2000. Ngoài tài năng và kinh nghiệm không còn phải bàn cãi, Jacquet còn có uy tín rất lớn, là người đủ sức đưa bóng đá Pháp trở lại đỉnh cao vinh quang.

2. Didier Deschamps: Cựu đội trưởng đội tuyển Pháp hiện vẫn “ngồi cơi xơi nước”, làm bình luận viên cho kênh TF1 sau khi rời Juventus mùa Hè 2007. Uy tín trong giới cầu thủ của Deschamps là một lợi thế, khả năng cầm quân của ông cũng đã được kiểm chứng trong thời gian dài tại Monaco rồi Juventus. Nếu cần một nhân tố có khả năng làm mới đội tuyển Pháp, FFF nên trao vị trí của Domenech cho Deschamps, người được Zinedine Zidane ủng hộ ra mặt.

3. Zinedine Zidane: Mặc dù tuyên bố chưa sẵn sàng với công việc dẫn dắt đội tuyển quốc gia nhưng Zidane cũng có thể là một sự lựa chọn. 4 năm trước, người Đức đã đặt niềm tin vào Juergen Klinsmann không một chút kinh nghiệm cầm quân nhưng rồi vẫn gặt hái được thành công ở World Cup 2006 cũng như EURO 2008. Tâm huyết và tiếng nói của Zidane là rất lớn và có trọng lượng, đủ tạo nên một cuộc cách mạng mới cho bóng đá Pháp.

4. Gerard Houllier: Sau khi rời Lyon, Gerard Houllier nhận cương vị mới là Giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Pháp. Tài năng, kinh nghiệm và sự gắn bó của Houllier với đội tuyển Pháp là quá rõ ràng, giúp ông nhanh chóng tiếp quản công việc nếu được bàn giao lại từ Domenech. Tuy nhiên, sự lựa chọn này sẽ không mang tính đột phá mà theo xu hướng đảm bảo an toàn nhiều hơn.

5. Laurent Blanc: Phương án này từng được đưa ra sau thất bại của đội tuyển Pháp ở EURO 2008. Tuy nhiên, khả năng mời Blanc ngồi vào chiếc ghế của Domenech vào lúc này hơi khó, bởi Bordeaux đã bắt đầu mùa giải mới với sự chuẩn bị cặn kẽ của vị HLV chỉ mới một năm vào nghề nhưng đã giành được ngôi á quân Ligue 1. Trong trường hợp quá bức bách, có thể Blanc, Bordeaux và FFF sẽ tìm được tiếng nói chung.
 
 
Phạm Văn Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link