Dominic Thiem vô địch US Open 2020: Niềm tin và thời vận

15/09/2020 10:31 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Dominic Thiem vừa đi vào lịch sử khi trở thành tay vợt đầu tiên kể từ năm 1949 vô địch US Open dù đã thua hai set đầu tiên. Danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp ấy là thành quả của việc không bao giờ mất niềm tin vào bản thân mình.

MU: Solskjaer nói gì với Greenwood sau những scandal gần đây?

MU: Solskjaer nói gì với Greenwood sau những scandal gần đây?

Tiền đạo Mason Greenwood đang gặp nhiều rắc rối cá nhân thời gian gần đây nhưng vẫn nhận được sự bênh vực từ HLV Solskjaer.

Trước US Open 2020, Dominic Thiem từng chơi 3 trận chung kết Grand Slam, nhưng đều gục ngã trước những biểu tượng của quần vợt đương đại là Nadal (Roland Garros 2018, 2019), và Djokovic (Australian Open 2020). Lần này, anh đã đánh bại Alexander Zverev 2-6, 4-6, 6-4, 6-3, 7-6 (6) sau hơn 4 giờ đồng hồ. Điều đáng nói là ở game thứ 9 của set thứ ba, Zverev đã dẫn 30-0 và chỉ cách chức vô địch 6 điểm.

Thời vận của Dominic Thiem

Dominic Thiem là nhà vô địch đơn nam Grand Slam đầu tiên của thế hệ 9X, và đây là trận chung kết trẻ trung nhất kể từ Australian Open 2012, khi Rafael Nadal đối đầu Novak Djokovic. "Chúng tôi biết nhau từ năm 2014 khi cả hai còn ở ngoài Top 100, và là một đôi bạn thân. Rồi chúng tôi bắt đầu đối đầu nhau từ năm 2016. Chúng tôi đã có những kỷ niệm đặc biệt ở cả trong và ngoài sân đấu. Thật khó tin khi hành trình ấy đưa chúng tôi đến đây. Tôi nghĩ cả hai đều là những người chiến thắng, vì chúng tôi đều xứng đáng", Thiem phát biểu sau khi nhận giải.

Nhưng tất nhiên, đó chỉ là những lời có cánh của một nhà vô địch. Khách quan mà nói, Thiem là người xứng đáng vô địch hơn, không chỉ vì anh nhiều hơn đối phương 4 tuổi (27 so với 23). Kể từ khi lọt vào chung kết Roland Garros 2018, Thiem đã xây dựng vị thế của một kẻ thách thức đáng gờm nhất đối với Big Three. Anh có tỷ lệ đối đầu 14-18 khi đối đầu bộ ba này (Zverev cũng không quá tệ, với tỷ lệ 7-11). Trong giai đoạn 2016-2019, Thiem thắng 211 trận, nhiều hơn bất cứ tay vợt nhà nghề nào. Còn ở Grand Slam, anh cũng cho thấy sự trưởng thành đáng kể. Thiem đã thua Nadal 3 set trắng ở Paris năm 2018, thắng 1 set một năm sau đó, khiến Djokovic toát mồ hôi ở Australian Open 2020 với 5 set đấu, và bây giờ là màn ngược dòng ấn tượng tại Flushing Meadows.

Chú thích ảnh
Dominic Thiem đã vô địch Grand Slam đầu tiên, sau khi chơi 4 trận chung kết

Khi về nhì ở Melbourne hồi đầu năm, Thiem bảo: "Chắc chắn ở thời đại khác thì giành các danh hiệu lớn sẽ dễ dàng hơn. Nhưng tôi thấy hạnh phúc vì mình có thể cạnh tranh với họ (Big Three) ở mức độ này". Thế rồi, thời vận cũng đến với Thiem, khi Federer, Nadal, và Stan Wawrinka quyết định không dự US Open, còn ứng viên số một Novak Djokovic bị loại ở vòng 4 vì một lỗi lãng xẹt – trả bóng ra ngoài sân trúng mặt một trọng tài dây.

Sau khi Djokovic bị loại, tay vợt được xem là chướng ngại vật lớn nhất của Thiem là đương kim á quân Daniil Medvedev. Vì thế, sau khi loại nốt tay vợt người Nga này, lần đầu tiên Thiem bước vào một trận Grand Slam với vị thế cửa trên. Trước thềm US Open 2020, Zverev mới thắng 6 trận trong năm, và đã tụt từ thứ 3 xuống thứ 7 ATP. Thành tích của Zverev trước các đối thủ Top 10 ở Grand Slam là... 0-7, trong đó có 2 thất bại trước Thiem. Ở bán kết, Zverev cũng phải trầy trật mới thắng ngược được Pablo Carreno Busta 3-2.

Không bao giờ mất niềm tin

Nhưng Thiem hiểu rõ Zverev đáng sợ như thế nào: "Báo chí nghĩ tôi mạnh hơn, nhưng tôi thì nhớ là cậu ấy vốn đã rất khó nhằn như thế nào ở Australia". Quả thật, Zverev đã chơi một set đầu gần như hoàn hảo khi giành 16 điểm winners, ăn điểm ở 12/13 pha giao bóng một, 7/8 lần lên lưới, và chỉ mắc 6 lỗi đánh hỏng. Trái lại, Thiem mắc khá nhiều lỗi đánh hỏng và di chuyển khá lúng túng – một phần vì chấn thương anh gặp phải trước Medvedev. Khi Zverev giành break và dẫn 2-1 ở set thứ ba, nhiều người hẳn đã nghĩ đến lần thứ tư về nhì của Thiem. "Tôi đã cảm thấy căng thẳng, đôi chân như đeo chì, và cánh tay thì nặng chịch", Thiem thú nhận.

Chú thích ảnh

Nếu không phải ở vào hoàn cảnh của Thiem, hẳn mọi người sẽ khó có thể cảm nhận được áp lực của anh lớn như thế nào. Anh đã từng bất lực trong ba trận chung kết Grand Slam trước đó vì đối thủ đẳng cấp hơn, thế rồi khi thời cơ đến, anh lại đứng trước viễn cảnh ngậm trái đắng vì một tay vợt bị đánh giá thấp hơn, ít kinh nghiệm hơn, thiếu ổn định hơn. Và những cơ hội lớn như thế này, khi Big Three vắng mặt, liệu có sớm quay trở lại hay không?

"Trong suốt trận đấu, đầu tôi cứ lởn vởn câu hỏi: 'nếu thua, tôi vẫn tay trắng sau 4 trận chung kết. Liệu cơ hội có trở lại hay không?' Những suy nghĩ đó hoàn toàn không có lợi cho việc phát huy những thế mạnh của tôi", Thiem thừa nhận. Nhưng điều may mắn với Thiem là vào thời khắc ấy, Zverev cũng không giữ được sự bình tĩnh, và bắt đầu đánh hỏng nhiều hơn. Đó là lúc tay vợt người Áo khởi đầu cho màn ngược dòng ngoạn mục của mình.

Thay lời kết, hãy nghe nhận xét của ký giả Peter Bodo trên ESPN: "Bất chấp một giải đấu kỳ lạ khi vắng Federer, Nadal và Djokovic bị loại sớm, chúng ta đã chứng kiến một trận chung kết mà nhà vô địch đã đăng quang xứng đáng sau một thời gian dài chờ đợi. Thiem đã luôn giữ niềm tin sau thất bại trước những huyền thoại, và bây giờ đã đến lượt anh".

Những con số biết nói

1 Dominic Thiem, 27 tuổi, là tay vợt đầu tiên sau thế hệ 8X vô địch Grand Slam. Để so sánh: Các tay vợt nữ sau thế hệ 8X đã giành tổng cộng 15 Grand Slam. Thậm chí, nhà vô địch US Open 2019 Bianca Andreescu còn sinh năm 2000.

1 Zverev là tay vợt đầu tiên kể từ sau Todd Martin năm 1993 vừa ngược dòng sau khi thua hai set đầu, vừa bị ngược dòng sau khi thắng 2 set đầu ở cùng một giải US Open.

2 Dominic Thiem là tay vợt Áo thứ hai trong lịch sử giành Grand Slam. Người đầu tiên là Thomas Musters, nhà vô địch Roland Garros 1995. Nhưng Thiem là tay vợt Áo duy nhất từng chơi hơn 1 trận chung kết Grand Slam (thành tích: thắng 1 – thua 3).

4 Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, 4 trận chung kết Grand Slam liên tiếp đều phải trải qua 5 set đấu tối đa (Wimbledon 2019, US Open 2019, Australian Open 2020 và US Open 2020).

6 Lần gần nhất có một tay vợt lần đầu vô địch Grand Slam là cách đây 6 năm, khi Marin Cilic đăng quang ở US Open 2014. Đó là khoảng thời gian dài nhất không có trong kỷ nguyên Open mà không có nhà vô địch mới nào.

131 Số cú ace mà Zverev có ở giải đấu năm nay, cao thứ 4 trong lịch sử US Open, kể từ khi chỉ số này được thống kê năm 1991. Thành tích của Zverev chỉ kém mỗi Pete Sampras (144 năm 2002, 141 năm 1995) và John Isner (138 năm 2018).

24-1 Zverev không còn toàn thắng khi thắng 2 set đầu ở Grand Slam nữa. Thành tích của anh ở những trận như vậy giờ là 24-1.

Phương Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link