40 năm chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - Tiếng vọng "Đồng bào chú ý!"

28/11/2012 10:30 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày Hà Nội chìm trong khói bom, tiếng vọng "Đồng bào chú ý" trở nên quen thuộc khắp các phố phường với từng người dân. Mỗi khi loa phát thanh cất lên thông báo ấy, nhân dân vội vã vào hầm trú ẩn tránh bom đạn của kẻ thù.

Để lời cảnh báo phát đi từ Đài Tiếng nói Việt Nam vang xa đến từng con đường, góc phố, ngoài sự lan tỏa làn sóng của đài quốc gia, còn có sự đóng góp của những người âm thầm khác, những công nhân Xí nghiệp Phát thanh Hà Nội. Nhờ âm thanh này mà thủ đô Hà Nội đã hạn chế được rất nhiều thương vong.

"Đồng bào chú ý!"

Ở tuổi 85, ông Vũ Văn Viễn, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Phát thanh Hà Nội kể về "khẩu lệnh" đặc biệt ấy và những ngày đối mặt với B-52.

Sau khi ta tiếp quản thủ đô, đầu năm 1955 Xí nghiệp Phát thanh Hà Nội được thành lập với nhiệm vụ truyền tải thông tin bằng đường dây hữu tuyến. Ngày đó, ít gia đình có radio để nghe được thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những chiếc loa của Xí nghiệp Phát thanh Hà Nội giăng mắc hết các cột điện trong thành phố.

Ông Vũ Văn Viễn nhấn mạnh: "Tiếng vọng "đồng bào chú ý" có vai trò đặc biệt trong 12 ngày đêm, tiếng vọng này tắt đồng nghĩa với Hà thành tê liệt, tiếng vọng này còn thủ đô còn kiên cường chiến đấu".  

Ông Viễn thuật lại cách thức đặt loa phát thanh

Ông Viễn kể: "Những ngày đầu xâm phạm trời Hà Nội, kẻ thù chỉ tập kích các huyện ngoại thành, ta đoán được ý đồ của chúng. Lúc đó, có một đợt hàng hóa lớn do Liên Xô viện trợ tập kết ở các ga Đông Anh, ga Yên Viên và ga Cổ Loa, kẻ thù muốn xóa sổ nguồn viện trợ này".

19h40 ngày 18/12, máy bay B-52 rải thảm tại Đông Anh. Đường dây phát thanh toàn tuyến Đông Anh- Cổ Loa- Yên Viên bị cắt đứt. Xung quanh đó, những khu nhà nát vụn, những bụi tre vàng quạch khói bom, mấy đám tang tổ chức vội vã lọt thỏm giữa những khoảng lặng ngưng tiếng bom rơi… Ông Viễn xuống Đông Anh, trực tiếp chỉ đạo nối lại đường dây.

Đêm ngày 20/12, trong lúc đi sửa đường dây, công nhân xí nghiệp bị thương và kẹt giữa đồng Mạch Tràng, Đông Anh. Ông Viễn trên chiếc xe com-măng-ca làm nhiệm vụ cứu thương đến hiện trường. Khi xe cứu thương chở người gặp nạn trở về, ông phải nằm lại đồng Mạch Tràng kiểm tra đường dây "ngắm"… B-52.

Không chỉ thoát chết trong đêm đánh phá của kẻ thù, chính trong cái đêm ấy, ông Viễn đã nghiệm ra quy luật đánh phá của B-52. Máy bay địch bay theo hướng Đông Nam- Tây Bắc, 3 nhà ga chiến lược Yên Viên - Cổ Loa - Đông Anh nằm theo trục thẳng này. Đường dây loa phục vụ ba ga trên cũng nằm theo hướng ấy. Nên chúng chỉ cần cắt bom một vệt, toàn bộ hệ thống truyền thanh lập tức tê liệt.

Ngay sau đó, xí nghiệp thay đổi phương án đặt loa. Loa được bố trí rải lệch hướng Đông Nam - Tây Bắc, nhiều loa chụm lại tạo công suất lớn tạo tiếng vọng từ xa về các ga. Từ đó, hệ thống truyền thanh hoạt động ổn định hơn, những thương vong ở khu vực cũng được giảm đi.      

Người dân phố Khâm Thiên sau đợt rải thảm của B-52. Ảnh: Chu Chí Thành

"Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm!"

"Đường phố được bố trí rất nhiều loa phát thanh và hầm cá nhân đào sẵn để ai đi trên đường cũng có thể vào trú ngay khi có loa báo động. Nhờ vậy mà con số thương vong được giảm đi đáng kể" - PGS.TS Đại tá Nguyễn Mạnh Hà, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, cũng là một trong những người ở lại Hà Nội trong 12 ngày đêm chia sẻ.

Xí nghiệp Phát thanh Hà Nội gồm ba đội chính: đội trực máy phát, đội trực dây và đội làm chương trình. 24/24 giờ đội trực máy, trực đường dây phải bám trụ để đảm bảo thông tin. Đội phóng viên làm chương trình, ngớt tiếng bom là lao đi lấy tin.

Dù phát chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam 8 tiếng/ ngày, ngày Chủ nhật là 16 tiếng, song xí nghiệp vẫn phải tổ chức làm những chương trình riêng để đảm bảo thông tin cho người dân. Cũng bởi thế, hệ thống truyền thanh qua các loa phóng thanh vẫn chủ động, cả khi Đài Tiếng nói Việt Nam gặp sự cố.

4h sáng 19/12, trạm phát sóng chính Đài Tiếng nói Việt Nam ở Mễ Trì bị đánh phá, nhưng chỉ 9 phút sau, tín hiệu trở lại, trên các loa đồng loạt vang lên tiếng nói quen thuộc: "Đây là Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Kế sau đó là nhạc bài Diệt Phát xít đầy kiêu hãnh. Âm thanh từ những chiếc loa móp vì sức ép của bom khiến lòng người dân Hà Nội rưng rưng theo lời câu hát: "Ôi nước Việt yêu dấu ngàn năm".

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link