25/12/2011 14:05 GMT+7
Hà Nội, cho dù ai có nói gì, với tôi cũng là một thành phố đi ngủ sớm. Mùa Hè thì còn có chút hoạt động về đêm (vừa hoạt động vừa đề phòng các nhóm đua xe choai choai đầu chít khăn trắng gầm rú ga, còi), chứ sang mùa Đông quãng ngoài 9h là đường phố heo hút lắm rồi. Những phố rất đẹp như Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương nhìn thấy có bóng người là đã mừng lắm. Điều này có lẽ các chuyên gia của bộ môn văn hóa so sánh phải quan tâm đặng giải thích cho thấu đáo: cũng là người miền nhiệt đới, thế mà người dân các nước nói tiếng Tây Ban Nha sinh hoạt rõ là muộn. Đi ăn quãng 9h tối ở Barcelona, vào quán có khi chưa có bóng người, thế mà ở Hà Nội thì đêm đến, ngoài vài ba chỗ lác đác còn sáng ánh đèn phục vụ “dân chơi” (chủ yếu người nước ngoài) và người lao động, gần như khắp nơi say sưa ngủ.
Chỉ karaoke mới kéo được người ta ra đường vào một cái giờ có chút khuya khoắt. Một buổi tối “chơi bời thoải mái” điển hình của người Hà Nội thường là bắt đầu quãng 7h tối, quanh một nồi lẩu, rồi sau đó là karaoke. Cả một dọc phố Phùng Hưng không biết cơ man nào là quán lẩu bình dân, rồi sau này phát sinh ra những loại lẩu cao cấp hơn, lạ miệng hơn như lẩu Tứ Xuyên, lẩu nấm, lẩu băng chuyền, lẩu Đài Loan, Hong Kong, nghe nói còn có cả lẩu nằm.
Ăn xong lẩu bình dân thì địa điểm tiếp theo sẽ là một quán karaoke bình dân, còn xong được nồi lẩu “xịn” (thanh cảnh hơn quán bình dân) thì tiếp sau đó điểm hẹn thường là một quán karaoke loại khác, nhiều khi có cả thang máy, tiếp viên nuột nà, ti vi màn hình phẳng, cỡ lớn, máy móc vừa tốt vừa mới.
Hai món này đáng được coi là “vua” và “hoàng hậu” của giải trí còn bởi nó không phân biệt giới tính, rất hợp với xu thế bình đẳng giới ngày nay đang mỗi lúc một tăng cường mạnh mẽ (tuy rằng còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chẳng hạn như hiện tượng vai trò phụ nữ hình như lấn át hẳn vai trò đàn ông trong nhiều lĩnh vực).
Thú vui của riêng cánh đàn ông nhìn chung là quanh đi quẩn lại bia hơi và bóng đá. Chị em phụ nữ đi riêng với nhau thì kiểu gì cũng trực chỉ các shop quần áo thời trang, rồi lên mạng truy cập webtretho. Lẩu và karaoke rất vui vì đàn ông phụ nữ ai cũng gắp được cái và múc được nước từ trong nồi lẩu, lại còn ấm cúng trong sự xì xụp, và khi karaoke thì một anh và một chị hoàn toàn có thể hát song ca, cỡ lớn tuổi thì Anh ở đầu sông em cuối sông, cỡ bắt đầu hết tuổi thanh xuân thì Lời của gió và cỡ mới lớn thì… (thật ra tôi cũng không biết rõ lắm vì các em trẻ tuổi thường không thích cho người già nua “nhập băng”).
Gần đây sự nảy nở đượm đà thân tình của món lẩu và món karaoke (về bản chất là giống nhau vì nguyên lý chung là bất kỳ cái gì cũng được chấp nhận: nồi lẩu chấp nhận được mọi thứ cho vào, kể cả những thứ bình thường chẳng ai chấp nhận cho vào với nhau, và phòng karaoke chấp nhận được mọi giọng hát, kể cả những giọng hát hoàn toàn sai nhạc).
Sau một nồi lẩu gà, lẩu hải sản, lẩu thập cẩm, kể cũng là hợp lý khi chuyển vào phòng karaoke mà hát Chân tình, Say tình... Hát karaoke nhiều, có người cứ nhìn thấy chữ là hát theo, kể cả khi đó không phải một bài hát. Lắm lúc có cảm giác phát thanh viên trên truyền hình đọc bản tin sắp ngân nga mà hát đến nơi.
Rồi đời sống thăng tiến về chất lượng, nhiều nhà sắm nguyên dàn karaoke rõ xịn để hát tại gia, mời bạn bè người thân đến hát cùng, thậm chí chỉ người trong nhà hát với nhau. Cá biệt có ông chủ nhà còn âm thầm luyện dăm bài tủ hòng đi hát ở đâu cũng ăn điểm 100.
Kể ra thì cũng không âm thầm lắm, vì ca hát là chuyện không thể âm thầm tuyệt đối, lại hay vào lúc tối khuya. Và khi nào nhà hàng xóm nhiệt tình ca hát, có lẽ cách đối trọng duy nhất của các nhà xung quanh chưa mua được bộ dàn “cho bằng anh bằng em” là bắc bếp từ mua ở Móng Cái về làm nồi lẩu gà mà ăn với nhau.
Con Sâu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất