16/09/2021 18:30 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Poonam Khetrapal Singh, mới đây đã có bài viết đăng trên tờ The Bangkok Post, trong đó nhấn mạnh kế hoạch phục hồi của khu vực cần tập trung vào nâng cấp hệ thống y tế thiết yếu.
Theo bà Poonam Khetrapal Singh, cuộc khủng hoảng COVID-19 còn lâu mới kết thúc và thế giới chuẩn bị bước vào năm thứ 3 đương đầu với đại dịch. Trước nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể mới trong khi vẫn cần thời gian để khắc phục tình trạng mất cân bằng trong phân phối và tiếp cận vaccine, bà Singh khuyến nghị: “Nếu bạn có thể, hãy tiêm vaccine. Và dù bạn đã tiêm rồi hay chưa, hãy tiếp tục phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách. Tránh đến nơi đông người, tránh tiếp xúc gần và các cuộc tụ tập trong phòng kín. Chúng ta không thể lơ là cảnh giác”.
Để ứng phó và sẵn sàng phục hồi sau dịch COVID-19 cũng như các tình trạng khẩn cấp y tế khác, bà Singh cho rằng điều cần nhất là có một hệ thống y tế mạnh, hướng tới chăm sóc sức khỏe ban đầu (PHC) và không để ai bị bỏ lại phía sau. Hệ thống y tế như vậy sẽ giúp dân chúng khỏe mạnh hơn và đảm bảo an ninh tài chính. Bà khẳng định hệ thống y tế có khả năng chống chịu là cơ sở để các nước sẵn sàng và đảm bảo có thể ứng phó trong các trường hợp khẩn cấp hay khi xảy ra những biến động lớn.
Theo bà Singh, trong điều kiện bình thường, mỗi USD được chi cho hệ thống y tế hướng tới PHC giúp thu lại trung bình ít nhất 9 USD. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, mức sinh lời này có thể gấp đôi, đồng thời giúp thúc đẩy tiến bộ trong thực hiện các mục tiêu SDGs như vấn đề nghèo đói, việc làm lương tốt và bình đẳng giới. Tháng 9/2020, Cơ quan giám sát mức độ sẵn sàng toàn cầu (GPMB) ước tính thế giới sẽ phải đầu tư tới 500 năm cho các hệ thống y tế PHC để bù đắp những thiệt hại do COVID-19 gây ra.
Bà Singh cho biết, các nước trong khu vực Đông Nam Á đã nhất trí rằng không thể và không nên chờ đợi thêm nữa mà phải hành động ngay để xây dựng lại các hệ thống y tế thiết yếu tốt hơn. Kế hoạch rõ ràng về cách thức triển khai nỗ lực này đã được nêu chi tiết trong một tuyên bố sau Phiên họp lần thứ 74 của Ủy ban Khu vực của WHO.
Theo kế hoạch này, trước tiên, giới chức y tế cần huy động khả năng lãnh đạo và giải trình liên ngành, với cách tiếp cận trong đó thừa nhận đầy đủ sự cần thiết phải có các chính sách luôn bao gồm khía cạnh y tế, giải quyết các biến số xã hội, kinh tế và môi trường ảnh hưởng đến y tế và giúp cộng đồng vững mạnh. Đặc biệt cần củng cố quản lý trong lĩnh vực y tế, bao gồm giám sát rộng hơn và có sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự.
Thứ hai, tăng cường đầu tư công trong lĩnh vực y tế, hướng đến củng cố các dịch vụ PHC, tăng nguồn nhân lực trong ngành y và tăng khả năng tiếp cận với các sản phẩm y tế thiết yếu. Từ năm 2019, WHO đã kêu gọi tất cả các nước trên thế giới nên tăng chi cho PHC ít nhất 1% GDP.
Thứ ba, cần tích hợp tốt hơn các chiến lược quản lý nguy cơ thiên tai và khẩn cấp y tế, cũng như sự sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp y tế công cộng và khả năng ứng phó, với các dịch vụ PHC. Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm trong ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã nhất trí rằng những biện pháp hỗ trợ khẩn cấp sẽ hiệu quả khi xuất phát từ chính các cộng đồng bị ảnh hưởng và các cấu trúc y tế hiện hành, bởi điều đó giúp giảm thời gian chờ phản ứng, trao quyền cho các mạng lưới địa phương và đáp ứng ngay lập tức các nhu cầu tại chỗ.
Thứ tư, phát huy tiềm năng của các hệ thống truyền thống trong ngành y tế, cùng lúc thúc đẩy cải tiến về kỹ thuật số và công nghệ đột phá trong y tế.
Thứ năm, tăng cường hợp tác. Dịch COVID-19 đã chứng tỏ rằng hợp tác song phương, đa phương, công - tư mạnh mẽ và đáng tin cậy đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp, cũng như trong việc duy trì các dịch vụ y tế thiết yếu. Các quan hệ đối tác như vậy phải tiếp tục được tăng cường, không chỉ dự đoán và đáp ứng các nhu cầu nảy sinh, mà cần phù hợp với và hỗ trợ cho một tầm nhìn chung đồng bộ, và gắn với các mục tiêu dài hạn là các Ưu tiên Chính và SDGs.
Indonesia nỗ lực đưa Bali 'trở lại bình thường'
Sự xuất hiện của biến thể Delta ở Indonesia đã đẩy Bali, một trong những trung tâm du lịch, tỉnh giàu có nhất của quốc gia "Vạn đảo" này, vào cuộc khủng hoảng kinh tế và xung đột giữa hy vọng phục hồi và áp đặt các biện pháp y tế công cộng.
Bali chứng kiến sự suy thoái kinh tế do ngành du lịch sụp đổ đột ngột và kéo dài. Từ năm 2019 đến năm 2020, lượng khách quốc tế đến Bali giảm 79% và khách nội địa giảm 66%. Kể từ tháng 3/2020, lượng khách du lịch quốc tế bằng đường hàng không giảm từ khoảng 15.000 lượt/tuần xuống gần bằng 0. Tác động kinh tế tổng thể là từ mức tăng trưởng hơn 5% hàng năm xuống -10%.
Kể từ khi ngừng hoạt động một phần vào tháng Bảy, thêm 3.500 nhân viên khách sạn đã bị sa thải và các khách sạn và nhà hàng hiện đang phải rao bán. Nhiều người dân đã không có thu nhập trong hơn một năm.
Chính phủ trước đây đã cố gắng giảm thiểu rủi ro và ưu tiên nền kinh tế hơn sức khỏe cộng đồng, nhưng cuối cùng họ buộc phải chấp nhận thực tế và áp đặt các hạn chế hoạt động cộng đồng. Trước thời điểm đỉnh dịch tháng 7/2021, hòn đảo này vẫn mở cửa cho khách nội địa, nhưng du khách từ Java đến Bali có nguy cơ lây nhiễm cao. Theo đó, kế hoạch mở cửa hành lang du lịch không được thực hiện, dẫn đến sự đình trệ của nền kinh tế tại hòn đảo phụ thuộc vào du lịch này.
Các quy định về y tế cũng đã cản trở những nỗ lực cải thiện nền kinh tế tại đây. Nghi lễ là một trong những nét đặc trưng của ngành du lịch Bali. Nhưng các nghi lễ thường tụ tập đông người, điều trái với quy định giãn cách của chính phủ.
Tiêm chủng là một ưu tiên của chính phủ trong xử lý dịch bệnh tại Bali. Đến nay, chính quyền Bali đã đạt 100% mục tiêu tiêm chủng mũi đầu tiên và khoảng 36% đã tiêm mũi thứ hai.
Trước những rủi ro xuất phát từ nền kinh tế phụ thuộc lớn vào du lịch, Indonesia đã giảm sự phụ thuộc vào du lịch bằng cách phát triển các lĩnh vực khác như nông nghiệp, kinh tế sáng tạo, kinh tế kỹ thuật số và giáo dục. Đầu năm 2021, Chính phủ Indonesia đã khởi xướng kế hoạch cho 25% nhân viên của 7 Bộ, ban ngành trở lại Bali và làm việc từ xa tại đây. Ngoài ra, chính phủ còn đưa ra một kế hoạch cấp thị thực 5 năm cho những người làm tự do trong lĩnh vực kỹ thuật số để thu hút họ sinh sống làm việc lâu dài tại Bali.
Đào Trang (P/v TTXVN tại Jakarta)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất