21/04/2018 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Trước George Strait, Conway Twitty nắm giữ kỷ lục về số lượng bản thu nhạc country đứng vị trí quán quân tại BXH Mỹ. Tuy nhiên song song với đó nhiều sáng tác của ông cũng bị coi là quá mức suồng sã để được phổ biến. Don’t Cry Joni nằm ngoài cả hai nhóm trên.
Cái đẹp của country nằm ở tính chất tự sự, ở cái cách người nghệ sĩ ôm đàn mà túc tắc kể chuyện bằng giai điệu. Mỗi ca khúc đều mang cốt truyện, bối cảnh, tình huống, bởi thế mới nói nhạc country như những câu chuyện được phổ nhạc.
Xét trong hệ quy chiếu ấy, Don’t Cry Joni của Conway Twitty đẹp như một câu chuyện cổ tích.
Cuộc đối thoại cha và con
Don’t Cry Joni là sáng tác của nhạc sĩ - ca sĩ nhạc đồng quê Conway Twitty, phát hành năm 1975nằm trong album The High Priest Of Country Music. Đây là giai đoạn đỉnh cao của Conway Twitty, trung bình cứ 8 tháng ông lại phát hành một album.
Câu chuyện của Don’t Cry Joni bắt đầu như thế này: Conway Twitty có một cô con gái 16 tuổi tên là Joni Lee Jenkins. Ông muốn con gái mình theo bước cha, gia nhập làng giải trí và trở thành một nghệ sĩ. Nhưng cô bé chống cự khao khát đó của cha suốt nhiều năm trời.
Đến lúc thấy con có vẻ “xuôi xuôi”, Conway Twitty quyết định tạo một cú hích đủ mạnh để cô bé có thêm động lực. Và thế là ông lôi ra khỏi tủ bản nhạc được sáng tác từ trước đó nhiều năm rồi đề nghị con gái hát chung.
Tên bài hát là Don’t Cry Joni. Conway vốn đã nhắm bài này cho “congái rượu”, nên đưa luôn tên cô là nhân vật chính. Thế nhưng ông lại không viết về cuộc đối thoại ấm áp giữa cha và con gái.
Nhân vật chính của Don’t Cry Joni là cô bé Joni 15 tuổi, thầm yêu chàng trai Jimmy cạnh nhà. Cô lấy hết can đảm để viết lời nhắn gửi Jimmy: “Jimmy, hãy chờ em/ Một ngày anh sẽ thấy em lớn lên/ Em để dành tất cả nụ hôn cho anh/ Ký lên đó tình yêu chân thành bất diệt”.
Một tình yêu tuổi thơ thuần khiết khiến ta rung động, nhưng chỉ ngay sau đó thôi phải nao lòng vì cách phản ứng của chàng trai.
“Nước mắt cô ấy rơi như mưa hôm đó/ Khi Joni nghe những điều tôi buộc nói ra/ Joni, xin đừng khóc/ Dần rồi em sẽ quên anh thôi/ Em mới 15 tuổi, còn anh thì 22/ Và Joni à, anh không thể chờ em”.
Thể rồi chàng trai bỏ đi, đến nơi anh có thể “tìm kiếm việc làm và cố gắng ổn định”. Một nơi không thiếu những bóng hồng, vậy cớ sao anh vẫn không thể quên lời nhắn năm xưa?
Don’t Cry Joni - Cornway Twitty
“Tôi đóng đồ, lên máy bay/ Tôi phải gặp lại Joni, tôi phải giải thích/ Cái cách trái tim tôi đong đầy kí ức về cô ấy/ Và hỏi Joni có muốn lấy tôi không”.
Một cách muộn màng, chàng trai quyết liệt với tình yêu của mình. Songcuộc đời đã lặp lại trong một sự đổi ngôi trớ trêu.
“Nước mắt tôi rơi như mưa hôm đó/ Khi tôi nghe những điều Joni buộc nói ra/ Jimmy, xin đừng khóc/ Dần rồi anh sẽ quên em thôi”. Jimmy buộc phải thế, bởi “Đã 5 năm rồi kể từ ngày anh đi/ Jimmy, em đã lấy bạn thân nhất của anh”. Joni cũng đã không thể chờ anh.
Với Don’t Cry Joni, Conway Twitty một lần nữa khẳng định quan điểm của mình, rằng “nhạc đồng quê phải truyền tải vấn đề của cuộc sống”. Kể cả viết về tình yêu, thì đó cũng phải là cuộc tình đôi chút ngang trái.
Và Don’t Cry Joni, dù là câu chuyện cổ tích đẹp, nhưng là một cái đẹp đầy ám ảnh.
Giọng country đặc trưng
Cây bút Robert Palmer của New York Times nhận xét về Don’t Cry Joni: “Mọi ca khúc của Cornway Twitty đều có thể được nhận ra ngay lập tức. Nam ca sĩ sở hữu giọng nam dày dặn bậc nhất trong địa hạt nhạc đồng quê, và chất blues đặc biệt ở âm sắc khàn khàn, thật đặc biệt”.
Don’t Cry Joni là một trong hai sản phẩm song ca thành công nhất của Cornway Twitty mà không phải hợp tác với Loretta Lynn. Sự thành công nằm ngoài BXH khi Don’t Cry Joni chỉ đạt đến vị trí thứ 63 tại Billboard Hot 100.
Tại Mỹ, bài hát liên tục được phát trên các đài phát thanh địa phương. Ca sĩ người Đức Gunter Gabriel dịch nó sang tiếng Đức và phát hành bản song ca cũng với con gái vào năm 1980. Còn tại Việt Nam. Don’t Cry Joni được sử dụng rất nhiều trong các lớp dạy tiếng Anh.
Và cũng phải nói thêm một thành công nữa với cá nhân Cornway Twitty khi sau bài hát này con gái ông, Joni Lee Jenkins đã theo đuổi nghệ thuật. Cô thực hiện một vài sản phẩm dưới cái tên Joni Lee, nổi tiếng nhất có thể kể đến như I’m Sorry Charlie và một bản song ca nữa với cha là Touch The Hand. Tuy nhiên tên tuổi cô chỉ nổi tiếng ở mức độ nhỏ và không quá nổi bật trong giới nhạc đồng quê. Phải chăng Joni còn chưa đủ quyết tâm?
Còn về phía Cornway Twitty, ông đã kiên trì với âm nhạc cho đến tận ngày cuối cùng của cuộc đời. “Rất nhiều nghệ sĩ nhạc đồng quê cố để len lỏi vào BXH nhạc pop. Nhưng với tôi, đã đứng ở một phía hàng rào thì tôi thích phía mà tôi đang đứng” - Cornway Twitty từng nói.
Vài nét về Conway Twitty Conway Twitty, tên đầy đủ là Harold Lloyd Jenkins (1933 - 1993) là nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng Đông Bắc Mississippi, được tiếp xúc với âm nhạc từ sớm qua cha và ông nội. Sự nghiệp âm nhạc của Conway Twitty bắt đầu khi ông nghe lời gợi ý của một người hàng xóm và tìm đến Sun Studio, làm việc với Sam Phillip và bắt đầu viết nhạc. Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn 40 năm, Conway Twitty sở hữu trên 40 bài hát đạt vị trí quán quân tại BXH nhạc đồng quê và bán được tổng cộng hơn 50 triệu album. Dù vậy, tên tuổi của ông lại không được nhắc đến nhiều như những người đồng lứa khác như Merle Haggard, Waylon Jennings hay Jonny Cash vì nhiều lý do, trong đó một phần nằm ở sự thẳng thắn bị cho là suồng sã trong một số ca từ của ông viết. Conway Twitty qua đời một cách đột ngột ở tuổi 59, gục ngã ngay trên chiếc xe buýt sau một tour diễn vì “vỡ mạch máu vùng bụng”. Sự nghiệp kéo dài 40 năm cùng tên tuổi ông đã được vinh danh tại Sảnh danh vọng nhạc Country. Cùng Loretta Lynn nhận giải Grammy Dù mê nhạc country, nhưng Conway Twitty lại có được thành công ban đầu ở thể loại rock’n’roll với các bản hit đình đám Lonly Blue Boy hay It’s Only Make Belive. Conway Twitty chỉ chính thức theo đuổi thể loại này từ đầu những năm 1960, và đến những năm 1970 là thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp của ông. Từ năm 1971 đến năm 1976, Conway Twitty liên tiếp nhận được giải thưởng từ Hiệp hội Nhạc đồng quê Mỹ vì các ca khúc song ca với Loretta Lynn như Louisiana Woman, Mississippi Man hay After The Fire Is Gone, hai ca khúc giúp cặp đôi nhận giải Grammy vào năm 1971. Ông đặc biệt ưa thích viết nhạc ballad về sự mất mát trong tình yêu, với Tight Fittin' Jeans, Hello Darlin' và After All The Good Is Gone là những cái tên điển hình nhất. Conway Twitty được biết đến với cách phát ngôn thẳng thắn, đặc biệt là khi nói về nhạc đồng quê, chẳng hạn như: “những cậu trai trẻ 19, 20 tuổi dù hát nhạc đồng quê, dù có tài năng hay cố gắng chuyển tải cảm xúc thế nào, cũng không thể chấp nhận được” hay “một nghệ sĩ nhạc đồng quê kiên định có thể giữ được khán giả trung thành đến trên 20 năm”. |
Hà My
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất