01/09/2011 11:48 GMT+7 | Đức
(TT&VH)- Hôm qua, HLV Joachim Loew chính thức khẳng định rằng Phillipp Lahm sẽ không bị tước băng đội trưởng, sau một cuộc thảo luận với chính cầu thủ này và các thành viên khác trong Ban huấn luyện đội bóng. Vấn đề này được đặt ra sau khi cuốn hồi ký có tên "Sự khác biệt tinh tế - Làm thế nào để trở thành một cầu thủ hàng đầu" của Lahm được phát hành, mà trong đó có những đoạn viết rất "động chạm" về nội tình của các đội bóng mà anh từng khoác áo, kể cả đội tuyển Đức.
Cụ thể, Lahm đã chỉ trích công khai hầu hết các HLV đã từng dẫn dắt anh trong cuốn hồi ký. Klinsmann trong giai đoạn nắm Bayern mùa 2008-2009 bị mô tả là "một người mà sau 6-8 tuần, hầu hết các cầu thủ đều biết rằng không thể làm việc với ông ta". Felix Magath, HLV trưởng của Bayern từ 2004-2007, bị Lahm chỉ trích về lối quản lý quá nghiêm khắc và tạo ra tâm lý tù túng trong đội bóng. Louis Van Gaal bị cho là quá mơ mộng với triết lý bóng đá lấy công bù thủ, còn Rudi Voeller cũng bị đánh giá vì đề ra giáo án tập luyện quá... nhẹ nhàng cho đội tuyển Đức.
Những lời bình phẩm bạo dạn ấy trở thành điểm nhấn trong cuốn hồi ký, và khiến Lahm phải chịu một làn sóng chỉ trích ghê gớm từ phía dư luận, đặc biệt là giới HLV. Ông Joachim Loew, HLV đương nhiệm của đội tuyến Đức, bày tỏ sự không hài lòng về việc "một cầu thủ công khai đánh giá về các HLV của mình trước công chúng". Nhưng rốt cục, thì ông cũng đã quyết định giữ chiếc băng đội trưởng ở lại trên vai áo Lahm.
Mặc dù rất thất vọng, HLV Joachim Loew (trái) vẫn quyết định không tước băng đội trưởng của Phillipp Lahm (phải)- Ảnh Getty
Nhưng sau những gì đã diễn ra, phẩm chất thủ lĩnh của anh cũng cần phải được xem xét lại.
Thỏa hiệp, hay không thỏa hiệp?
Lahm là một mẫu thủ quân hoàn toàn khác so với kiểu thủ lĩnh truyền thống của người Đức, vốn quyết đoán và cũng khá độc đoán. Anh không dẫn dắt các đồng đội bằng mệnh lệnh, cũng không trấn áp đối thủ bằng sự dữ dằn, và "luôn cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra các quyết định" (lời HLV Joachim Loew). Lahm không thích tranh cãi trực diện, và ưa thỏa hiệp.
Người tiền nhiệm của Lahm, Michael Ballack, thì lại là một mẫu thủ quân đúng với quan niệm truyền thống của người Đức. Với ý thức cái tôi quá mạnh, Ballack từng mâu thuẫn nghiêm trọng với lãnh đội Olivier Bierrhoff, từng phải nhận một cái bạt tai từ người đàn em Lukas Podolski ngay trên sân, vì "dám" chỉnh huấn thái độ thi đấu của anh ta. Khi LĐBĐ Đức có ý định "biến" trận giao hữu với Brazil vào đầu tháng Tám (Đức thắng 3-2) thành trận chia tay anh, tiền vệ CLB Leverkusen đã mắng thẳng rằng "đó là trò đạo đức giả". Ballack chưa bao giờ có ý định thỏa hiệp, với những gì trái mắt anh.
Trước khi vụ cuốn hồi ký nổ ra, Lahm được lòng hầu hết tất cả mọi người. Trừ một số ít ưa "nói thẳng, nói thật" như Kahn (từng bảo rằng anh nghi ngờ phẩm chất thủ lĩnh của Lahm), hầu hết cho rằng Lahm hoàn toàn xứng đáng đeo băng thủ quân, kể cả ông Loew. Ít ra, người ta không có lý do gì để bảo rằng Lahm là kẻ hẹp hòi và độc đoán. Trái lại, Ballack, sau khi mất hết uy quyền ở ĐT và giờ là CLB, mới biết rằng anh đã trở thành nạn nhân của cái tôi quá lớn của chính mình trước đây.
Những gì đã viết trong cuốn hồi ký cho thấy rằng Lahm không phải là người không có chính kiến (thậm chí, cái tôi của anh cũng mạnh chẳng kém Ballack), nhưng cách bộc lộ chúng thông qua một cuốn hồi ký phát hành sau khi sự việc xảy ra vài năm, thay vì phản ánh nó thẳng thắn với HLV trưởng ngay thời điểm ấy, cũng cho thấy rằng anh đã "thỏa hiệp" với những gì mình không đồng ý như thế nào.
Có thể đó là một cách để Lahm bắt đầu cho quá trình trở thành một thủ lĩnh giàu tiếng nói và chấp nhận "bị ghét" như Ballack trước đây. Nhưng có lẽ, anh hãy bắt đầu bằng hiện tại, chứ không phải bằng cách đào bới lại cái tôi đã bị chính anh phủ nhận trong quá khứ.
Phạm An
Lahm nói gì về họ? - Về Magath: Ông ấy tạo ra một môi trường làm việc đầy sức ép. Dưới thời của Magath, ban đầu, các cầu thủ chẳng biết họ đang đứng ở đâu trong con mắt của Magath, và làm việc cật lực vì muốn có tên trong đội hình chính. Nhưng sau đó, khi tạo dựng được chỗ đứng, thì họ lại cảm thấy tù túng vì cách quản lý của Magath - Về Van Gaal: Ông ấy đem đến cho Bayern thứ triết lý bóng đá tạo ra thành công lập tức ở mùa giải đầu tiên, nhưng lại phủ nhận sự thụt lùi của triết lý ấy trong mùa giải thứ hai. Với thứ triết lý quá nặng về tấn công ấy, không thể đếm nổi là nó đã gây ra cho chúng tôi bao nhiêu bàn thua - Về Klinsmann: Klinnsmann là người hùng ở World Cup 2006 và được Bayern đưa về để xây dựng nền móng cho tương lai. Nhưng chúng tôi thường chỉ tập thể lực dưới thời Klinsmann, rất ít các chỉ bảo về kỹ chiến thuật và các cầu thủ thường phải tự thảo luận cách chơi trước mỗi trận đấu". - Về Rudi Voeller: Đội tuyển dưới thời ông ấy chỉ tập chừng một tiếng đồng hồ rồi về phòng. Chúng tôi rảnh rỗi đến mức chỉ còn biết đốt thời gian bằng cách chơi Playstation |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất