15/06/2012 19:41 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro
(TT&VH Cuối tuần) - Màn trình diễn ấn tượng trong trận mở màn của tuyển Nga đã gợi lại những ký ức đẹp đẽ về một thời bóng đá Liên Xô làm ngất ngây người hâm một Việt Nam. Còn có ai thú vị hơn để nói về chuyện đó so với ông Đặng Gia Mẫn, khách mời của Cà phê bóng đá kỳ này.
* Thưa ông Đặng Gia Mẫn, được biết ông nguyên là giáo viên, cựu cầu thủ và bây giờ là một bình luận viên bóng đá. Trong chầu Cà phê bóng đá giữa mùa Euro này, ông sẽ “cà pháo” với tư cách nào?
- Cảm ơn bạn đã khá rành rẽ về tôi. Lúc này, với tôi ba tư cách trên không thể tách ra được. Có thể trong từng câu hỏi riêng, bạn sẽ nhận ra Đặng Gia Mẫn giáo viên, Đặng Gia Mẫn cựu cầu thủ hay Đặng Gia Mẫn bình luận viên.
* Là người của thế hệ U60, hẳn ông có nhiều gắn bó với văn hóa Xô Viết, cảm nhận của ông thế nào khi đội tuyển Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô, thắng giòn giã trận đầu?
- Thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng của văn hóa Nga rất nhiều. Từ phim ảnh, tiểu thuyết cho tới âm nhạc. Tôi tin chắc một điều, thế hệ chúng tôi chỉ cần học hết cấp ba (phổ thông trung học bây giờ), người nào cũng đọc vài cuốn tiểu thuyết và biết hát dăm bài hát Nga. Nền văn hóa Nga khá tương đồng với chúng ta. Tôi học đại học sư phạm, được tiếp xúc với nhiều thầy giáo được đào tạo tại Nga nên càng có điều kiện hiểu nước Nga. Bởi vậy tôi sớm phải lòng nước Nga và đội tuyển bóng đá có bốn chữ CCCP trước ngực.
Đội tuyển Nga thắng Czech tới 4-1, như “lũ xuân” (tên một tiểu thuyết của văn hào Ivan Turgenev) tràn về vậy. Chiến thắng này cũng không hoành tráng lắm đâu vì Cộng hòa Czech đã suy yếu nhiều, chẳng còn chút bóng dáng của Tiệp Khắc năm nào.
* Ông có nhớ lần đầu được xem đội tuyển Liên Xô thi đấu? Ông ấn tượng với trận đấu nào của CCCP?
- Ngày tháng cụ thể thì không nhớ nhưng chắc chắn đó là một đêm mùa Đông cuối năm 1985, trận lượt về rất quan trọng của tuyển Liên Xô trên sân của Ireland. Lượt đi đã hòa 0-0 tại Moskva, nếu thua, Liên Xô sẽ không có mặt ở World Cup Mexico 1986. Trận đấu đó tôi vô tình được xem cùng Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng (nổi tiếng với vai Vệ trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, vai Erostrat trong kịch Kẻ đốt đền…) Hồi ấy ti-vi ở Nam Định rất hiếm. Đoàn Dũng từ Nhà hát 3 Tháng 2 bước ra, chưa kịp tẩy trang đã nhờ tôi dẫn đến chỗ nào đó có ti-vi. Lúc đó anh chẳng biết tôi là ai, và có lẽ bây giờ cũng vậy. Tôi rất ngưỡng mộ Nghệ sĩ nhân dân Đoàn Dũng, mong có lần nào đó gặp lại để hỏi anh có nhớ kỷ niệm đó không.
Chúng tôi căng mắt xem trận đấu qua màn hình chiếc Neptuyn đen trắng đầy “muỗi”. Trận đó Liên Xô thắng 1-0.
Trận đấu ấn tượng nhất của Liên Xô với tôi là trận vòng loại EURO 1988 trên sân Công viên các hoàng tử ở Pháp. Đội Liên xô (nòng cốt là Dynamo Kiev đoạt Cúp C2 năm 1985, vào đến bán kết C1 năm 1986) thắng đội chủ nhà 2-0 rất thuyết phục. Sau trận đấu đó ít lâu tôi lại được xem trên ti-vi một đoạn phim hoạt hình bình luận trận đấu đó. “Gà trống” đấu với “Búa liềm”. Búa đập vào đầu gà trống tóe ra những ngôi sao, còn liềm cắt đứt cả hai chân gà trống. Khi trở thành bình luận viên, clip ngắn gọn ấy ảnh hưởng đến tôi khá nhiều.
* Có thể so sánh đội tuyển Liên Xô trước đây và đội tuyển Nga hiện nay được không?
- Rất khó, vì tuyển Liên Xô tập hợp các cầu thủ từ 12 nước cộng hòa khác nhau, chủ yếu từ Dynamo Kiev của Ukraina (Cúp C2 năm 1975 và 1985), Dynamo Tbilisi của Gruzia (Cúp C2 năm 1981) và các câu lạc bộ ở Moskva (Spatark, CSKA và Lokomomtiv). Liên Xô là đại diện cho một thời đại hùng tráng đã qua. Nói về quá khứ, tôi rất thích câu thơ của Olga Berggoltz:
“Em hát khác xưa rồi, khóc cũng khác xưa”.
* Trong sự nghiệp cầu thủ, ông được thi đấu với các đội bóng Liên Xô mấy lần, có kỷ niệm thú vị nào không?
- Bốn năm khoác áo Công nhân Nghĩa Bình (Bình Định), tôi được tiếp Sinnik (Liên Xô) và tuyển Cuba. Về Công nghiệp Hà Nam Ninh, được tiếp các bạn Liên Xô dăm lần. Thú vị nhất là năm 1982 tiếp Zalgiris Vilnius, đứng thứ năm giải Ngoại hạng Liên Xô khi đó. Trận đó diễn ra trên sân Hòa Bình để phục vụ các chuyên gia Liên Xô đang giúp chúng ta xây dựng thủy điện Hòa Bình. Người hâm mộ Hà Nam Ninh nô nức đi xem kết hợp với du lịch, đông như trẩy hội. Zalgiris đá gần 10 trận từ Nam ra Bắc, thắng tuyệt đối chỉ để lọt ba bàn, trong đó có hai bàn từ Công nghiệp Hà Nam Ninh. Trận đó tôi kiếm được quả phạt đền cho Nguyễn Văn Dũng, khi ấy mới 19 tuổi, mở tỷ số. Đến bây giờ gặp lại nhau chúng tôi vẫn tự hào vì đã “ghi hai bàn, đội bạn gỡ mãi mới được năm trái”.
* Ông có dự cảm gì về đội Nga năm nay, liệu họ có đạt hay vượt thành tích bốn năm trước?
- Bốn năm trước, đội tuyển Nga trình làng một thế hệ cầu thủ vừa đủ độ chín, họ lại chưa lộ diện trên đấu trường quốc tế, lần đầu họ được một HLV siêu hạng (Guus Hiddink) dẫn dắt, họ háo hức vào giải như chàng trai lần đầu đến nơi hò hẹn bạn gái. Mùa này tre già nhiều mà măng thì có mỗi (Alan) Dzagoev. Họ rơi vào bảng đấu khá nhẹ, bảng “Đông Âu mở rộng”, nếu Croatia thay cho Hy Lạp thì thật là thú vị. Chắc chắn họ sẽ vượt qua vòng bảng. Ổn định và may mắn thì họ giữ được thành tích như bốn năm trước, nhưng thế hệ này chưa thể sánh với CCCP năm 1988.
* Một câu hỏi bên lề: Xin ông dự đoán đội nào sẽ vô địch EURO 2012?
- Bạn làm khó tôi rồi, đã có lần tôi nói trong một buổi bình luận: Nếu bạn muốn cá độ một tô phở hay một ly cà phê với bạn bè, hãy nghe tôi dự đoán rồi đánh ngược lại, thế nào cũng thắng. Về mặt dự đoán, trên đời này hình như tôi chỉ hơn mỗi “vua bóng đá” Pele. Thôi cứ đoán đại nhé. Tây Ban Nha hoặc Đức.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất thú vị. Chúc ông khỏe và chúc những đội bóng mà ông yêu thích tiến sâu trong mùa EURO này.
Cà phê bóng đá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất