15/05/2011 18:50 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH Cuối tuần) - Tiếp tục đề tài chọn HLV cho đội tuyển quốc gia, tuần này Cà phê bóng đá có cuộc trao đổi với nhà báo Vũ Công Lập, một chuyên gia về bóng đá Đức. Hiện tại, HLV người Đức Falko Goetz đang là ứng viên sáng giá nhất có khả năng ngồi vào chiếc ghế mà ông Henrique Calisto để lại.
* Thưa nhà báo Vũ Công Lập, ông có thể nói qua về một quy trình tuyển chọn HLV được xem là chuyên nghiệp, bài bản mà các nền bóng đá lớn ở châu Âu vẫn áp dụng?
- Thứ nhất, trong vấn đề chọn HLV thì việc đầu tiên là chọn ai. Tức là mình phải hiểu đối tượng ấy. Tiêu chí hiểu đối tượng có thể hiểu nôm na là HLV ấy có phù hợp với mình hay không, điều này quan trọng hơn việc ông ấy có phải là HLV giỏi nhất hay không. Phù hợp ở đây là phù hợp với hoàn cảnh, với phương pháp làm việc, với mục tiêu, với văn hóa... Sự phù hợp ấy đảm bảo hiệu quả công việc.
Có một HLV làm việc lâu dài thì mới có thể đạt mục đích lớn. Để hiểu một người nào đó có phù hợp với mình hay không, thì có mấy vấn đề: Bước đầu tiên là phải nghiên cứu hồ sơ, sau đó qua phỏng vấn, rồi qua những giao tiếp khác để tạo điều kiện cho HLV bộc lộ hết với mình. Có thể đó không phải là thử việc, mà phải kiểm tra để chọn đúng người.
Sau khi chọn được người rồi thì việc thứ hai là phải xác định cho họ nhiệm vụ. Giống như chúng ta thuê một chuyên gia về khoa học - kỹ thuật hay y tế thì trong hợp đồng phải có phần chuyển giao công nghệ. Trong bóng đá giai đoạn hiện nay, công nghệ phát triển rất mạnh. Các HLV người Đức, như Juergen Klinsmann, Joachim Loew, Juergen Klopp hay Robin Dutt bây giờ không huấn luyện như lứa những nhà cầm quân ngày xưa. Họ đi theo phương pháp hoàn toàn khác, dựa trên công nghệ mới. Bóng đá Việt Nam cũng cần hướng đến những điều như vậy.
* Bóng đá Đức đang có những sự thay đổi mạnh mẽ. Và nếu một HLV Đức dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, ông sẽ kỳ vọng điều gì?
- Bóng đá Đức đang có một tinh thần mới. Thay vào thuyết cấu trúc pyramid hình tháp, người Đức đã chuyển sang thuyết cấu trúc mạng. Trên cơ sở thuyết cấu trúc mạng, họ tạo ra tinh thần tập thể. Điều này thể hiện rất rõ ở Dortmund và được quán triệt cho các đội bóng Đức ngày nay. Sức mạnh tinh thần tập thể của bóng đá Đức mọi người đều rõ và tôi rất mong nếu một HLV Đức được lựa chọn, thì người đó sẽ xây dựng cho đội tuyển Việt Nam tinh thần tập thể như vậy.
Nhà báo Vũ Công Lập |
Một điều khác tôi cũng mong chờ, đó là HLV mới sẽ đưa vào những công nghệ huấn luyện mới, và trên cơ sở đó, làm sao đào tạo cho các HLV Việt Nam. Để đến một lúc nào đó, HLV Việt Nam đủ sức dẫn dắt đội tuyển quốc gia của mình chứ. Bên cạnh đó, HLV Đức có thể giúp chúng ta hoạch định chiến lược đào tạo trẻ. Hiện tại, người Đức đang rất thành công với chiến lược này.
* Nhưng có vẻ như người hâm mộ hơi thất vọng về những sự kiện có liên quan đến bóng đá Đức thời gian gần đây, diễn ra tại Việt Nam?
- Là người theo dõi bóng đá Đức, tôi rất buồn về một số chuyện vừa qua. Ví dụ người ta đưa cầu thủ từng khoác áo Schalke hay đội Frankfurt sang đây nhưng chẳng đá được gì. Tôi cảm thấy danh xưng Bundesliga bị lạm dụng, điều đó không tốt. Chúng ta đang xây dựng quan hệ với bóng đá Đức, mà ở đó chúng ta có thể học hỏi, trao đổi kinh nghiệm rất nhiều. Không nên để những gì không chính thống, không rõ ràng làm ảnh hưởng đến việc này.
Ví dụ chúng ta thuê được ông Falko Goetz hay một ông HLV Đức nào đó. Cá nhân ông ấy là một HLV, làm việc như một cá thể mà chức danh HLV quy định. Nhưng ông ấy còn là người đại diện cho Bundesliga, ông ta phải thấy trách nhiệm đó nữa, phải làm đúng ý chí, tinh thần của người Đức, giúp mở cánh cửa thông thương hợp tác lâu dài với Đức. Ông ấy phải là đại sứ bóng đá Đức ở Việt Nam.
* Thuê HLV ngoại, đặc biệt như trường hợp của ông Falko Goetz, tiền lương cũng là một gánh nặng, thưa ông?
- Ở đây, tôi nhấn mạnh đến vai trò của giới kinh tế. Ông Hristo Stoichkov sang đây bảo rằng có một đơn vị trả tiền giúp, ông Falko Goetz cũng vậy. Tôi đề nghị công khai hóa và chính thức hóa những lời hứa này như một trách nhiệm, chứ không phải nói cho oai trong lúc đàm phán để khi xong việc rồi, bảo nộp tiền thì chẳng ai đưa. Tôi đề nghị phải rõ điều ấy. Sự công khai này thuận lợi cho liên đoàn rất nhiều.
* Gần như lần nào cũng vậy, việc chọn HLV cho đội tuyển quốc gia bao giờ cũng khiến báo chí tốn rất nhiều giấy mực...
- Ở đây có một vấn đề là cần phân định rõ nhiệm vụ của báo chí và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Liên đoàn có quyền giữ bí mật trong đàm phán, cái đó mình cần phải tôn trọng. Nhưng báo chí có 2 việc có thể làm. Thứ nhất là cung cấp thông tin để liên đoàn có thêm nguồn tham khảo. Thứ hai là báo chí có khả năng tạo dư luận, và từ dư luận xã hội tạo ra có thể giúp liên đoàn đàm phán thuận lợi hơn.
Báo chí không có khả năng để đòi hỏi và đặt vị trí của mình vào vị trí của người đàm phán. Tôi thấy một số cây bút viết trên báo hơi quá đà. Họ cho mình ở vị thế của HLV, hay của liên đoàn. Đó không phải là nhiệm vụ của báo chí. Tôi hy vọng báo chí sẽ cùng đồng hành với liên đoàn, trong vấn đề này hay trong nhiều chuyện khác nữa.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thú vị này!
Cà phê bóng đá
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất